Chiều 20/4, tại họp báo thường kỳ Bộ Ngoại giao, cho biết về phản ứng của Việt Nam trước "cái gọi là lệnh cấm đánh bắt cá" của Trung Quốc ở Biển Đông từ ngày 1/5 đến 16/8, Phó Phát ngôn Bộ Ngoại giao Đoàn Khắc Việt nêu rõ:
Lập trường của Việt Nam đối với "cái gọi là lệnh cấm đánh bắt cá" mà Trung Quốc đơn phương ban hành trái phép ở Biển Đông là nhất quán và đã được khẳng định rõ trong những năm qua.
Phó Phát ngôn Bộ Ngoại giao Đoàn Khắc Việt. (Ảnh: TTXVN)
Theo Phó Phát ngôn Bộ Ngoại giao, "cái gọi là lệnh cấm đánh bắt cá" này, đã xâm phạm đến chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa, quyền chủ quyền, quyền tài phán của Việt Nam đối với các vùng biển, vùng đặc quyền kinh tế được xác định theo Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982.
Phó Phát ngôn Bộ Ngoại giao Đoàn Khắc Việt nhấn mạnh: “Việt Nam yêu cầu Trung Quốc tôn trọng chủ quyền của Việt Nam đối với Hoàng Sa, quyền chủ quyền, quyền tài phán đối với các vùng biển của Việt Nam, không làm phức tạp tình hình, đóng góp vào duy trì hòa bình, ổn định ở khu vực Biển Đông”.
Tích cực bảo hộ công dân Việt Nam tại Sudan
Chia sẻ thông tin về tình hình bảo hộ công dân ở nước ngoài, Phó Phát ngôn Bộ Ngoại giao Đoàn Khắc Việt nêu rõ:
Về xung đột vũ trang ở Sudan, vừa qua, theo thông tin của Đại sứ quán Việt Nam tại Ai Cập kiêm nhiệm Sudan, hiện có một công dân mang quốc tịch Việt Nam và Australia đang cư trú ở thủ đô Khartoum và 16 công dân khác là thuyền viên đang trên tàu ở cảng gần Sudan.
Hiện các công dân Việt Nam vẫn an toàn. Tuy nhiên, Đại sứ quán tiếp tục theo dõi sát tình hình và có các biện pháp bảo vệ, bảo hộ cần thiết khi cần.
Liên quan đến bảo hộ công dân trong bối cảnh tình hình căng thẳng ở eo biển Đài Loan, Phó Phát ngôn Bộ Ngoại giao Đoàn Khắc Việt khẳng định công tác bảo hộ công dân và đảm bảo sự an toàn cũng như bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của công dân Việt Nam ở nước ngoài, là một chủ trương luôn được Đảng, Nhà nước hết sức coi trọng.
Phó Phát ngôn Bộ Ngoại giao nêu rõ: Hòa bình và ổn định ở eo biển Đài Loan có ý nghĩa, vai trò hết sức quan trọng đối với hòa bình, hợp tác và phát triển ở khu vực cũng như trên thế giới. Việt Nam mong muốn các bên liên quan đóng góp tích cực vào việc duy trì hòa bình, ổn định ở hai bờ eo biển Đài Loan.
Phía Trung Quốc tạm dừng bán đấu giá các bản sắc phong của Việt Nam
Thông tin về việc một số đạo sắc phong của Việt Nam bị đưa ra bán đấu giá ở Trung Quốc, Phó Phát ngôn Bộ Ngoại giao Đoàn Khắc Việt cho biết thực hiện chỉ đạo của Bộ Ngoại giao, sau khi trao đổi với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng như Ủy ban Nhân dân tỉnh Phú Thọ, Tổng Lãnh sự quán Việt Nam tại Thượng Hải đã liên hệ và làm việc với các cơ quan chức năng của thành phố Thượng Hải, đề nghị tạm dừng đấu giá các bản sắc phong này.
Tổng Lãnh sự quán Việt Nam tại Thượng Hải cũng yêu cầu phía Thượng Hải cung cấp các thông tin liên quan đến các sắc phong.
Ngày 19/4, đại diện của Cục Văn hóa và Du lịch Thượng Hải thông báo là đã quyết định tạm dừng cuộc bán đấu giá này và sẵn sàng phối hợp với phía Việt Nam để cung cấp các thông tin liên quan.
Phó Phát ngôn Bộ Ngoại giao Đoàn Khắc Việt cho biết thêm trong thời gian tới, Bộ Ngoại giao cũng sẽ phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao, Du lịch, các địa phương liên quan và các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài tiếp tục theo sát sự việc này, trao đổi và có các biện pháp xử lý tiếp theo.
Theo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, căn cứ thông tin đăng tải trên website của Công ty đấu giá "Thượng Hải Dương Minh phách mại hữu hạn," trong hệ thống hiện vật đấu giá dự kiến sẽ đưa ra đấu giá ngày 22/4/2023 đưa thông tin về 12 đạo sắc phong; trong đó có 3 đạo sắc có khả năng thuộc nguồn gốc di tích đền Quốc Tế, tại xã Dị Nậu, huyện Tam Nông, tỉnh Phú Thọ và 9 sắc phong của 4 địa phương Hà Nội, Bắc Ninh, Hà Nam và Hải Dương.
Đồng thời vẫn còn nhiều hiện vật, sắc phong trong danh mục các hiện vật được đăng đấu giá (trong đó có 8 sắc phong chưa bán được của các tỉnh như Hà Nam, Nam Định…) có khả năng có nguồn gốc của Việt Nam, có liên quan đến các di tích, địa điểm liên quan tại các địa phương khác nhau của Việt Nam.
Sắc phong là một loại văn bản hành chính do Triều đình (Vua) ban hành để ban/phong, gia phong, truy tặng chức tước cho những người có công hoặc ban/phong, gia phong cho thần.
Sắc phong là các hiện vật gốc được lưu giữ trong môi trường tôn giáo, tín ngưỡng, được thờ trong các di tích lịch sử, được cả cộng đồng làng xã bảo quản qua các thế hệ. Đây là một loại hình di sản văn hóa, một nguồn tài liệu quý hiếm, có giá trị về nhiều mặt, rất cần được giữ gìn và bảo vệ bởi nó không chỉ là những hiện vật mang tính khoa học, mà còn là vật thiêng trong đời sống tâm linh của cộng đồng cư dân các làng xã Việt Nam.
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch nêu rõ về trách nhiệm, việc quản lý các hiện vật, di vật, cổ vật… trong di tích, bảo tàng và các địa điểm liên quan thuộc trách nhiệm quản lý trực tiếp và quản lý Nhà nước của các địa phương.
Tuy nhiên, Việt Nam và Trung Quốc cùng là thành viên tham gia Công ước UNESCO 1970 về các biện pháp ngăn cấm xuất nhập khẩu và chuyển giao trái phép quyền sở hữu tài sản văn hóa, trong đó các nước thành viên Công ước UNESCO 1970 có cùng cam kết: "Theo yêu cầu của quốc gia thành viên sở hữu tài sản, tiến hành những biện pháp cần thiết nhằm phục hồi và trả lại bất cứ tài sản văn hóa nào được nhập khẩu vào nước đó sau khi Công ước có hiệu lực ở cả hai nước hữu quan".