Tình hình ma túy toàn cầu diễn biến ngày càng phức tạp

Thứ Năm, 18/05/2023 17:33  | Thanh Hòa

|

(CATP) Theo thống kê, hiện thế giới có 284 triệu người trong độ tuổi từ 15 - 64 sử dụng ma túy và 11,2 triệu người tiêm chích ma túy, cứ 8 người tiêm chích ma túy lại có 1 người nhiễm HIV. Sử dụng chất dạng thuốc phiện opioid, bao gồm heroin và các chất NPS là vấn đề đáng quan ngại trên thế giới. Tại khóa tập huấn nâng cao năng lực điều tra và kiểm soát ma túy cho lực lượng phòng, chống tội phạm Lào, được tổ chức tại Đà Nẵng, từ ngày 15 đến 19/5/2023, Thượng tá Hoàng Tâm Hiếu, Phó Cục trưởng Cục CSĐT tội phạm về ma túy, Bộ Công an cho biết, hiện nay tình hình tội phạm ma túy trên thế giới đang diễn biến rất phức tạp.

Các chất ma túy ngày càng đa dạng, bao gồm cả việc sử dụng các chất ma túy sản xuất từ các loại cây truyền thống, các chất kích thích tổng hợp và opioid, các loại thuốc được kê đơn và các chất hướng thần mới (NPS). Số người chết do sử dụng ma túy khoảng nửa triệu người, trong đó người chết do sử dụng fentanyl và các biến thể tăng mạnh, đặc biệt tại Bắc Mỹ. Lượng tiêu thụ amphetamine, đặc biệt là methamphetamine gia tăng ở Châu Á và Bắc Mỹ, nhưng có chiều hướng giảm tại Tây và Trung Âu; trong khi đó hai thị trường tiêu thụ cocain chính là Bắc Mỹ, Tây và Trung Âu.

Số liệu mới nhất (đến năm 2020), lượng ma túy tang vật thu giữ toàn cầu cũng tăng mạnh: cần sa tăng 15% (4.707 tấn); nhựa cần sa tăng 29% (đạt mức kỷ lục 2.190 tấn); heroin tăng 19% (115 tấn). Diện tích trồng cây coca năm 2020 duy trì mức ổn định so với năm trước, đạt 234.000ha. Tuy nhiên, sản xuất cocain đạt mốc kỷ lục (1.982 tấn) và thu giữ cocain trong năm 2020 (1.424 tấn) tăng 4,5% so với năm 2019. Thu giữ các chất kích thích dạng amphetamine (ATS) trên toàn cầu tiếp tục tăng, đạt 525 tấn trong năm 2020. 72% ATS bị thu giữ trong giai đoạn 2016 - 2020 là methamphetamine.

Đặc biệt, thu giữ methamphetamine khu vực Đông Nam Á trong năm 2020 tăng 30% so với năm 2019. Các chất hướng thần mới (NPS) cũng đang là vấn đề nổi lên trong thị trường ma túy toàn cầu. Tính đến nay, các quốc gia ghi nhận đã có 1.127 các chất hướng thần mới (NPS), trong đó chỉ có 302 NPS nằm trong danh mục kiểm soát quốc tế. Việc mua bán ma túy trên internet và các sàn thương mại điện tử diễn ra phức tạp và khó kiểm soát, các đối tượng sử dụng tiền điện tử để giao dịch gây nhiều khó khăn cho các cơ quan chức năng.

Tang vật thu giữ trong các vụ buôn bán trái phép chất ma túy ngày càng nhiều

Hiện nay, trên thế giới có 3 trung tâm sản xuất, cung cấp ma túy lớn nhất, gồm: Khu vực Trăng lưỡi liềm vàng; Khu vực Nam Mỹ và Khu vực Tam Giác vàng. Tại khu vực Trăng lưỡi liềm vàng, Afghanistan - nước có vị trí chiến lược quan trọng, nơi giao thoa giữa Nam Á - Trung Á là quốc gia sản xuất thuốc phiện lớn nhất thế giới (chiếm 80% nguồn cung thế giới).

Afghanistan là quốc gia có 38 triệu dân, diện tích đất trồng cây thuốc phiện năm 2020 tăng 37% so với năm trước đó. Đáng lưu ý, hiện nay với sự sụp đổ của chính quyền thân Mỹ và phương Tây ở Afghanistan, chế độ Taliban lên nắm quyền sẽ dự báo một thời kỳ bất ổn mới cho khu vực này, dẫn đến nguy cơ tình hình sản xuất ma túy sẽ gia tăng trở lại.

Tại khu vực Nam Mỹ, ma túy từ Nam Mỹ theo đường hàng không quá cảnh qua Trung Á (Qatar) đến các nước trong khu vực như: Thái Lan, Campuchia, Việt Nam sau đó tiếp tục đi nước thứ ba (Úc); ma túy từ Nam Mỹ đi Bắc Mỹ và các nước Châu Âu, Châu Á. Một điểm đáng chú ý là trên tuyến này, tội phạm ma túy hoạt động có quy mô lớn với nhiều thủ đoạn tinh vi như đào các đường hầm xuyên biên giới; dùng tàu ngầm vận chuyển ma túy.

Ngày 03/01/2020, Cơ quan phòng, chống ma túy Bộ Tư pháp Hoa Kỳ (DEA) đã phát hiện một đường hầm dài hơn 1.300m vận chuyển ma túy lớn nhất từ trước tới nay tại biên giới Tây Nam giữa Mỹ và Mexico. Đường hầm được trang bị hệ thống thông gió, điện cao thế và một đường ray đặc biệt để vận chuyển ma túy.

Tháng 11/2020, hải quân Colombia phối hợp với DEA bắt giữ thành công một tàu ngầm chạy bằng điện vận chuyển 6 tấn cocain trị giá 120 triệu đôla Mỹ. Trong vụ việc này, tội phạm ma túy chỉ cần chi ra 1,5 triệu đôla Mỹ để chế tạo chiếc tàu ngầm vận chuyển số ma túy trị giá gấp 80 lần. Thậm chí để đối phó với nạn vượt biên, tội phạm buôn bán vũ khí và buôn bán ma túy, vào thời kỳ đương nhiệm, Tổng thống Trump đã cho xây dựng và gia cố hàng rào bê tông dài 730km (cao tới 9m) giữa biên giới Mỹ và Mexico.

Còn tại khu vực Tam giác vàng, Châu Á trở thành địa bàn sản xuất thuốc phiện và cũng là thị trường lớn nhất tiêu thụ các loại ma túy tổng hợp, chất hướng thần. Khu vực Đông Nam Á với "điểm nóng" về ma túy là vùng Tam Giác Vàng, gần đây diện tích trồng và sản lượng thuốc phiện liên tục tăng mạnh, đặc biệt đây vẫn là trung tâm tiếp tục sản xuất và tiêu thụ ma túy tổng hợp lớn nhất thế giới với sản lượng tăng 30%, lượng heroine và morphine thu giữ tăng gần 90%.

Sở dĩ tình hình tội phạm ma túy trên thế giới, trong khu vực vẫn diễn biến phức tạp là do chính sách, pháp luật về kiểm soát ma túy cũng như năng lực phòng, chống ma túy của các lực lượng chức năng ở mỗi quốc gia, khu vực còn có sự khác biệt, dẫn đến lượng cung, cầu và sự chênh lệch giá ma túy rất lớn, kích thích hoạt động mua bán, vận chuyển trái phép ma túy xuyên quốc gia ngày càng gia tăng, gây ảnh hưởng lớn đến các nước, trong đó có Việt Nam và Lào.

Việt Nam là quốc gia có vị trí địa lý thuận lợi, trung tâm của khu vực ASEAN và nói rộng ra là cả khu vực Châu Á - Thái Bình Dương. Tuy nhiên, lại nằm rất gần với khu vực Tam Giác Vàng (biên giới tỉnh Sơn La, cách khu vực này khoảng 500km), mặt khác chúng ta tiếp giáp với 3 quốc gia Lào, Campuchia và đặc biệt là Trung Quốc - thị trường tiêu thụ ma túy lớn nhất thế giới. Đây là một trong những nguyên nhân tiềm ẩn nguy cơ nguồn ma túy thẩm lậu vào Việt Nam với số lượng rất lớn, gây áp lực không nhỏ đến công tác phòng, chống tội phạm ma túy hiện nay.

Bình luận (0)

Lên đầu trang