Biến tướng lừa đảo qua mạng giăng bẫy người dân

Thứ Năm, 18/05/2023 14:58

|

(CAO) Thời gian gần đây, nhiều chiêu thức lừa đảo qua mạng liên tục biến tượng, đánh vào sự thiếu hiểu biết, cả tin của những người dân, để chiếm đoạt tài sản. Hậu quả là người dân mất tiền dành dụm bao lâu nay mà ít có cơ hội được trả lại.

Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao Công an tỉnh Gia Lai vừa tiếp nhận đơn tình báo của chị N.T.N (ngụ P.Yên Đỗ, TP.Pleiku, tỉnh Gia Lai), về việc bị các đối tượng sử dụng mạng viễn thông, đăng tin giả tuyển dụng nhân sự ngân hàng SHB để chiếm đoạt tài sản.

Theo chị N, thông qua Facebook, chị thấy đường link quảng cáo về việc ứng tuyển vào làm việc tại ngân hàng SHB nên đăng ký theo mẫu.

Đến ngày 12/5, chị N nhận được điện thoại của một tự xưng là Phương, làm ở Phòng hành chính nhân sự ngân hàng SHB, thông báo chị N đã trúng vòng sơ tuyển. Đối tượng yêu cầu chị N cài đặt ứng dụng Telegram và kết bạn với Phương. Sau đó, tài khoản tên Phương nhắn tin, yêu cầu chị N tham gia xét tuyển qua ứng dụng Telegram.

Ngày 13/5, chị N hoàn thành các nội dung theo yêu cầu, trong đó có việc cung cấp số tài khoản ngân hàng, thì được các đối tượng chuyển số tiền 150.000 đồng. Tiếp theo, các đối tượng yêu cầu chị N liên hệ với tài khoản Telegram “Đức Công” để tiếp tục xét tuyển. Sau đó, tài khoản “Đức Công” tiếp tục yêu cầu chị N truy cập đường link để đăng ký các thông tin cá nhân. Làm theo hướng dẫn, số tiền trong tài khoản của chị N tăng lên 330.000 đồng.

Để hoàn thành việc ứng tuyển, các đối tượng yêu cầu chị N phải hoàn thành nhiệm vụ phúc lợi là nộp tiền vào tài khoản của chúng. Chị N tin tưởng đã nộp 6 lần với tổng số tiền hơn 54 triệu đồng. Đến khi các đối tượng yêu cầu chị N đóng thêm số tiền 90 triệu đồng để hoàn thành nhiệm vụ cuối, thì chị N mới nhận ra mình bị lừa.

Nhóm đối tượng lừa đảo qua mạng xã hội tại Gia Lai bị đưa ra xét xử gần đây.

Chị T (ngụ P.Tây Sơn, TP.Pleiku) cũng vừa trình báo việc mình vừa bị lừa 160 triệu đồng. Theo đó, chị nhận cuộc điện thoại thông báo được tặng một phần quà giá trị do trước đó mua hàng tại siêu thị điện máy.

Để được nhận quà, chị T tải app Telegram về điện thoại để liên lạc. Theo lời đối tượng, chị nhấn vào các đường link để chọn quà tặng, với mỗi lần từ 10.000 đồng đến 40.000 đồng. Khi đã tạo được lòng tin, đối tượng dẫn dụ chị chuyển số tiền lớn để đầu tư, lợi nhuận từ 40-60%. Trong ngày 11/5, chị đã có 10 lần sử dụng tài khoản riêng của mình để chuyển hơn hơn 160 triệu đồng vào 2 tài khoản, rồi mới phát hiện mình bị lừa.

Theo thống kê, từ đầu năm 2021 đến nay, Công an tỉnh Gia Lai đã tiếp nhận, thụ lý và giải quyết 277 tin báo về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản thông qua mạng viễn thông và mạng internet với tổng số tiền tội phạm chiếm đoạt gần 90 tỷ đồng. Đáng chú ý, chỉ riêng 4 tháng đầu năm 2023, tổng số tiền bị chiếm đoạt bằng hình thức lừa đảo qua không gian mạng đã hơn 20 tỷ đồng.

Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao Công an tỉnh Gia Lai khuyến cáo, người dân nâng cao tinh thần cảnh giác, thận trọng với các ứng dụng, đường link tràn lan trên mạng internet và các nền tảng mạng xã hội hiện nay. Tuyệt đối không truy cập các đường link, ứng dụng không rõ nguồn gốc và đặc biệt không đóng các khoản phí không rõ ràng, minh bạch theo yêu cầu của đối tượng đưa ra.

Trường hợp bị lừa đảo chiếm đoạt tài sản, khẩn trương liên hệ ngân hàng nơi đối tượng mở tài khoản và trình báo cơ quan Công an nơi gần nhất.

Bình luận (0)

Lên đầu trang