Áp lực thiếu điện và sự lúng túng của ngành điện

Thứ Hai, 19/06/2023 12:46

|

(CATP) Ngành điện trong thời gian qua đã bộc lộ những bất cập, đặt ra yêu cầu bức thiết và cấp bách cần có những điều chỉnh hợp lý để đảm bảo an ninh năng lượng...

Chính phủ vừa yêu cầu ngành điện phải bảo đảm điện trong tháng 6. Tập trung triển khai Quy hoạch điện VIII, triển khai dự án truyền tải 500kV từ miền Trung ra miền Bắc. Tập trung xây dựng cơ chế chính sách khuyến khích đầu tư điện mặt trời áp mái phục vụ cho hoạt động dân sinh ngay trong tháng 7... Tất cả cho thấy ngành điện trong thời gian qua đã bộc lộ những bất cập, khiến an ninh năng lượng không bảo đảm...

Điều chuyển Trung tâm Điều độ hệ thống Điện quốc gia (A0) về Bộ Công thương

Văn phòng Chính phủ vừa có thông báo kết luận của Thường trực Chính phủ tại cuộc họp về những nhiệm vụ, giải pháp lớn ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng...

Về các vấn đề của ngành điện, Chính phủ yêu cầu Bộ Công thương thực hiện tốt vai trò quản lý nhà nước, có chương trình, kế hoạch, biện pháp cụ thể bảo đảm đủ điện cho sản xuất và tiêu dùng. Tập trung triển khai Quy hoạch điện VIII..., chỉ đạo tổ chức triển khai dự án truyền tải 500kV từ miền Trung ra miền Bắc. Khẩn trương hoàn thiện thủ tục điều chuyển Trung tâm Điều độ hệ thống Điện quốc gia (A0) về Bộ Công thương trong tháng 6.

Bộ Công thương nghiên cứu, xây dựng cơ chế chính sách khuyến khích đầu tư, huy động nguồn lực điện mặt trời áp mái phục vụ cho hoạt động dân sinh và các cơ quan công sở; cơ chế mua bán điện trực tiếp. Chính phủ giao các cơ quan chức năng cùng với Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) giải quyết dứt điểm việc thiếu điện trong tháng 6. Những chỉ đạo rất nóng, rất sát thực tế của Chính phủ cũng cho thấy những tồn tại của ngành điện, mà nếu không giải quyết kịp thời sẽ còn tiếp tục thiếu điện trong những năm tới.

Thực tế, giải quyết dứt điểm việc thiếu điện trong tháng 6 là không khó khi mùa mưa đang đến với miền Bắc và Đông Nam bộ, các hồ thủy điện dần dần sẽ có nước trong cuối tháng này; và các nhà máy nhiệt điện đã khắc phục sự cố để hoạt động bình thường. Vấn đề là bảo đảm điện cho những năm tiếp theo mới khó, trong đó đặc biệt việc thực hiện Quy hoạch điện VIII.

Động thái của Chính phủ quyết định điều chuyển A0 về Bộ Công thương ngay trong tháng 6 và EVN cũng vừa ra quyết định tạm đình chỉ công tác với ông Nguyễn Đức Ninh - Giám đốc A0 để phục vụ công tác thanh tra chuyên ngành, cho thấy điều gì?

A0 được ví như trái tim của hệ thống điện Việt Nam, có nhiệm vụ vận hành hệ thống điện; huy động sản lượng các nguồn điện hợp lý, giảm tối đa sự cố điện, điều hành thị trường điện cạnh tranh công bằng, minh bạch, bảo đảm cấp điện liên tục, an toàn và chất lượng. Tuy nhiên, trong thời gian qua A0 đã tồn tại nhiều vấn đề. Trước hết là việc huy động các nguồn điện, đặc biệt là điện tái tạo có vấn đề, chưa tạo nên một thị trường điện cạnh tranh. Nếu A0 trực thuộc Bộ Công thương thì tính khách quan tất nhiên cao hơn khi ở EVN, huy động các nguồn điện sẽ hoàn toàn độc lập với hoạt động của EVN. Nếu A0 về Bộ Công thương, các nhà máy điện của EVN sẽ giống như tất cả các đơn vị phát điện khác của tư nhân. Bộ Công thương khi đó sẽ đảm đương trách nhiệm bảo đảm cung ứng điện cho quốc gia, thay vì EVN, bởi hiện nay EVN và các tổng công ty phát điện (Genco) chỉ nắm trong tay chưa đến 40% nguồn điện, vậy tại sao lại độc quyền mua bán điện?

Thực ra, từ năm 2017, A0 đã được Thủ tướng yêu cầu tách khỏi EVN và chuyển về Bộ Công thương quản lý, nhưng cho đến nay mới thực hiện yêu cầu này. Một vấn đề dễ thấy nhất là do sự vận hành không tốt của A0, nên hàng loạt dự án điện tái tạo lên lưới điện quốc gia rất khó khăn trong thời gian gần đây. Điểm yếu này làm triệt tiêu sự cạnh tranh.

Ngành điện đang chuẩn bị có chính sách khuyến khích điện mặt trời áp mái nhà dân, tự tiêu thụ

A0 và EVN trong những năm qua chưa hình thành được hệ thống điện cạnh tranh. Trong Quy hoạch điện VII điều chỉnh (18/3/2016), Chính phủ đã có yêu cầu: "Phát triển thị trường điện lực cạnh tranh theo đúng lộ trình nhằm đa dạng hóa phương thức đầu tư và kinh doanh điện. Nhà nước chỉ giữ độc quyền lưới điện truyền tải để bảo đảm an ninh hệ thống năng lượng quốc gia".

Tuy nhiên đến giờ, EVN vẫn là người mua duy nhất trên thị trường điện. Cho đến nay khách hàng tiêu thụ cuối cùng vẫn chưa được quyền tham gia thị trường bán lẻ mua điện cạnh tranh (VREM). Có nghĩa là khách hàng tiêu thụ cuối cùng buộc phải mua điện của EVN, tạo thế độc quyền. Đó chỉ là một số hạn chế của A0, hay nói thẳng ra là từ EVN - đơn vị quản lý, điều hành A0.

Dự án lưới điện thông minh là cần thiết

Việt Nam hiện có hệ thống truyền tải 220kV, 500kV và lưới điện 110 kV có quy mô nhưng chưa hiện đại, do EVN quản lý. Trong đó, lưới điện truyền tải Bắc - Nam gồm 2 đường dây 500kV mạch 1, mạch 2, nhưng mạch 3 mới đầu tư từ phía Nam ra đến Vũng Áng (Hà Tĩnh) và chưa có đường truyền tải ra ngoài Bắc. Vì vậy, trong đợt thiếu điện vừa qua, giả sử 85 dự án năng lượng tái tạo ở Nam Trung bộ và miền Nam được EVN mua hết thì cũng không thể đưa ra miền Bắc, vì mạch 3 chưa có. Chính vì vậy, trong chỉ đạo của Chính phủ mới nhất đã yêu cầu Bộ Công thương chỉ đạo tổ chức triển khai dự án truyền tải 500kV từ miền Trung ra miền Bắc.

Trong Quy hoạch điện VIII vừa được Chính phủ phê duyệt cũng đã đặt ra kế hoạch làm đường dây 500kV mạch 3 từ Hà Tĩnh trở ra miền Bắc kết nối đến Hưng Yên và khép kín mạch vòng, thời gian thực hiện từ nay đến năm 2030. EVN hiện đã giao Tổng Công ty Truyền tải điện quốc gia báo cáo Bộ Kế hoạch và Đầu tư thực hiện ngay dự án này. Theo EVN, nếu dốc sức làm thì có thể có thêm 1.000 - 1.500 MW kết nối mạch vòng đưa điện từ Nam ra Bắc nhưng phải cần thời gian.

Trong khi đó, các chuyên gia cho biết, việc đầu tư lưới điện truyền tải phải mất 2 đến 3 năm (lưới điện 220kV) và 5 năm (lưới điện 500 kV). Hệ thống truyền tải mạch 3 cũng cần thời gian tương ứng, thì kỳ vọng nguồn năng lượng tái tạo ở miền Nam chi viện cho miền Bắc còn khá lâu.

Về kỹ thuật, điện tái tạo, nhất là điện mặt trời gây khó khăn cho công tác đường dây và điều độ điện. Hiện nay hạ tầng lưới điện của nước ta chưa phát triển, dẫn đến hạn chế, khiến không thể phát triển tối đa kinh tế năng lượng tái tạo. Với Quy hoạch điện VIII, định hướng đến năm 2050, tỷ lệ năng lượng tái tạo lên đến 67,5 - 71,5%, thì Việt Nam cần có những dự án lưới điện thông minh thay cho lưới điện truyền thống.

Với các cam kết mạnh mẽ của Chính phủ tại COP26, đạt Net zero vào năm 2050, Việt Nam cần nâng cấp lưới điện truyền thống trở thành lưới điện thông minh. Điều này Bộ Công thương và EVN vẫn chưa làm được, chỉ mới là những bước đi ban đầu, vì vậy việc lúng túng đưa các dự án điện tái tạo lên lưới điện quốc gia như vừa qua, là điều dễ hiểu, trong khi vẫn phê duyệt cho rất nhiều dự án điện tái tạo!

Cần có chính sách mạnh để khuyến khích điện mặt trời áp mái

Ngày 13/6/2023, Bộ Công thương vừa có dự thảo số 74/BC-BCT "Quyết định về cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời mái nhà lắp đặt tại nhà ở, công sở, trụ sở của doanh nghiệp tại Việt Nam". Theo đó ưu tiên và có chính sách đột phá để thúc đẩy phát triển điện mặt trời mái nhà của người dân và mái nhà công trình xây dựng, nhất là các khu vực có nguy cơ thiếu điện. Từ nay đến năm 2030, công suất các nguồn điện loại hình này ước tính tăng thêm 2.600 MW.

Theo dự thảo, cơ chế khuyến khích phát triển nguồn điện này sẽ chỉ áp dụng cho hệ thống điện mặt trời áp mái lắp đặt tại nhà ở, công sở, trụ sở của các doanh nghiệp (DN) để tự sử dụng, không phát lên lưới. Các hệ thống điện mặt trời mái nhà lắp đặt tại công sở sẽ được ưu tiên bố trí ngân sách để thực hiện. Tổ chức, cá nhân đầu tư và sử dụng hệ thống này sẽ được miễn trừ giấy phép hoạt động điện lực, giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh điện; miễn, giảm các loại thuế, phí; được vay vốn với lãi suất ưu đãi theo quy định... Bộ Công thương sẽ có các văn bản quy phạm pháp luật để hướng dẫn các chính sách ưu đãi cụ thể, nếu dự thảo được thông qua.

Về vấn đề này, ngày 7/6/2023, Chuyên đề Công an TPHCM cũng đã có bài viết "Không lo thiếu điện nếu có chính sách khuyến khích điện mặt trời áp mái", đề xuất nên có cơ chế khuyến khích người dân, công sở lắp đặt hệ thống điện mặt trời tự tiêu thụ. Đề xuất này phù hợp với Quy hoạch điện VIII: "Có chính sách ưu tiên, chính sách đột phá để thúc đẩy phát triển điện mặt trời mái nhà. Từ nay đến năm 2030, công suất các nguồn điện loại hình này ước tính tăng thêm 2.600 MW. Mục tiêu phấn đấu đến năm 2030 có 50% các tòa nhà công sở và 50% nhà dân sử dụng điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu".

Ngành điện đang đi rất chậm trong việc khuyến khích năng lượng mặt trời áp mái. Đặc biệt sau khi EVN thông báo việc dừng đấu nối và ký hợp đồng mua bán điện mặt trời mái nhà sau ngày 31/12/2020, điện mặt trời áp mái gần như dậm chân tại chỗ.

Những kinh nghiệm của Châu Âu về điện áp mái tự tiêu thụ rất đáng để chúng ta học tập. Vì sao giá điện một số nước ở Châu Âu có mạng lưới điện mặt trời áp mái tự tiêu thụ xuống giá âm trên thị trường bán buôn ở một số thời điểm ban ngày? Đơn giản bởi nguồn cung điện trên thị trường dư thừa nhờ điện mặt trời áp mái.

Kinh nghiệm của Hà Lan chẳng hạn, điện mặt trời áp mái phát triển rất nhanh là nhờ sự hỗ trợ lâu dài của Chính phủ, bằng chương trình thưởng cho các hộ gia đình lắp đặt các tấm pin mặt trời tự tiêu thụ và khấu trừ vào hóa đơn tiền điện với sản lượng mà nhà đó sản xuất, không ràng buộc về thời điểm gia đình dùng điện.

Nếu Việt Nam có những chính sách khuyến khích tương tự, thì chỉ trong vài năm, điện mặt trời áp mái tự tiêu thụ sẽ phát triển rất nhanh, giảm ngay áp lực lưới điện và còn góp phần rất lớn cho mục tiêu Net zero vào năm 2050.

Có điều làm nhiều người thắc mắc trong dự thảo này là vì sao không cho DN làm điện áp mái nhà xưởng, trong khi các DN có nhu cầu rất cao, đặc biệt khi Châu Âu yêu cầu "chứng chỉ xanh" cho sản phẩm xuất khẩu, việc đầu tư sử dụng năng lượng tái tạo là bắt buộc.

Theo Bộ Công thương, vấn đề căn bản là nếu cho phép các DN lắp đặt điện áp mái nhà xưởng ngay từ bây giờ thì sẽ ảnh hưởng đến vận hành hệ thống điện. Khi hệ thống điện mái nhà không bảo đảm công suất phụ tải thì phải có nguồn bù vào và ngành điện sẽ phải có nguồn dự trữ sẵn sàng để bù đắp. Vì vậy cần phải có thời gian để Bộ Công thương nghiên cứu chính sách, kiểm soát công suất cho phù hợp với hệ thống, tránh phát triển ồ ạt.

Vậy vì sao với hệ thống thống điện mái nhà tự tiêu thụ, nếu không bảo đảm công suất phụ tải thì ngành điện có nguồn dự phòng bù đắp, phù hợp với công nghệ và kỹ thuật để bảo đảm nguồn điện và an toàn cho hệ thống? Đây chính là vướng mắc trong vận hành hệ thống, làm chậm tiến độ xanh hóa nguồn điện, mà Bộ Công thương cần phải khắc phục ngay, để tránh lãng phí. Điều này lại đòi hỏi hàng loạt vấn đề khác liên quan đến việc bảo đảm phụ tải, truyền tải.

Ngoài ra, nếu không khắc phục được điểm yếu này, sẽ ảnh hưởng đến thu hút đầu tư, khi mà có nhiều nhà đầu tư muốn xây dựng nhà máy trung hòa carbon như Tập đoàn LEGO (Đan Mạch) đã khởi công xây dựng nhà máy trong Khu công nghiệp Việt Nam - Singapore 3 hồi tháng 11/2022 ở tỉnh Bình Dương. Và nếu nhiều nhà máy tuần hoàn như vậy được đầu tư ở Việt Nam trong thời gian tới, thì ngành điện Việt Nam sẽ giải quyết như thế nào về việc vận hành hệ thống điện an toàn?

Do vậy, nếu ngành điện không sớm hiện đại hóa, đặc biệt trong truyền tải, các vấn đề kỹ thuật liên quan để chuyển đổi năng lượng sạch, sẽ ảnh hưởng rất lớn đến nền kinh tế, chứ không chỉ đơn thuần là việc thiếu điện trong mùa nắng nóng.

Bình luận (0)

Lên đầu trang