Các tỉnh Tây Nam Bộ: Quyết liệt ngăn chặn buôn lậu, gian lận thương mại

Thứ Năm, 17/07/2025 10:09

|

(CATP) Sau thành công của tháng cao điểm đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ (15/5 - 15/6/2025) trên địa bàn cả nước, các tỉnh Tây Nam Bộ như An Giang, Đồng Tháp, TP.Cần Thơ tiếp tục duy trì, đẩy mạnh công tác này để thực hiện Công điện số 82/CĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, ban hành ngày 04/6/2025.

Hiệu quả rõ rệt

Trong bối cảnh buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả với thủ đoạn ngày càng tinh vi, len lỏi sâu vào nhiều địa bàn, các tỉnh Tây Nam Bộ (gồm An Giang, Đồng Tháp, Cần Thơ...) đang đẩy mạnh cao điểm đấu tranh. Đây là một minh chứng sống động cho quyết tâm "bảo vệ sản xuất, bảo vệ thị trường" một cách mạnh mẽ, đồng bộ.

Cụ thể, từ ngày 15/5 đến 15/6/2025, cả nước đã triển khai thành công tháng cao điểm phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, theo chỉ đạo tại Công điện số 65/CĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Trong thời gian này, số vụ xử lý tăng đến 80,5% so với cùng kỳ, với hơn 204 vụ bị khởi tố hình sự. Đây là kết quả tích cực cho thấy sự quyết liệt từ các địa phương và lực lượng chức năng.

Tây Nam Bộ - vùng đất có biên giới tiếp giáp Campuchia chạy dài hàng trăm ki-lô-mét, hệ thống kênh rạch dày đặc và mạng lưới giao thương sôi động, công tác kiểm tra, xử lý được triển khai trên cả 3 mặt trận: biên giới, nội địa và không gian mạng. Đáng chú ý, ở An Giang, trong tháng cao điểm vừa qua, các lực lượng chức năng kiểm tra 220 vụ, phát hiện 102 vụ vi phạm. Tổng trị giá hàng hóa vi phạm hơn 730 triệu đồng, thu nộp ngân sách Nhà nước 642 triệu đồng.

Phó chủ tịch UBND tỉnh An Giang Lê Văn Phước làm việc với các địa phương có chung đường biên giới với Campuchia

Ông Hồ Văn Mừng (Chủ tịch UBND tỉnh An Giang, Tổ trưởng Tổ công tác cao điểm) khẳng định: "Chúng tôi đã kiểm soát hiệu quả trên 3 mặt trận: biên giới, nội địa và không gian mạng, hạn chế phát sinh điểm nóng, giữ vững thế trận kiểm soát ở các địa bàn trọng điểm như: Vĩnh Xương, Khánh Bình, Tịnh Biên...".

Sự chuyển biến rõ rệt của thị trường là minh chứng sinh động cho hiệu quả của tháng cao điểm. Bà Trần Thị Thanh Nhà (tiểu thương tại chợ Tân Châu) chia sẻ: "Hàng Việt mình giờ bán được hơn, không còn bị hàng lậu ép giá như trước. Nhà nước làm mạnh tay, bà con buôn bán an tâm hơn".

Tại xã Thường Phước (tỉnh Đồng Tháp), ông Phạm Văn Tuấn cho biết: "Trước đây ghe chở đường cát Thái Lan, thuốc lá điếu ngoại lén lút chạy trong đêm, giờ thì hiếm gặp bởi lực lượng chức năng đi tuần thường xuyên, hoạt động rộng khắp, bao trùm nên đối tượng buôn lậu không dám".

Chính sự hài lòng và đồng thuận từ người dân là nguồn động viên lớn để các tỉnh tiếp tục mở rộng cao điểm, coi đây là nhiệm vụ chính trị, bảo vệ người tiêu dùng và nền sản xuất nội địa.

Triệt xóa tận gốc

Công tác chống buôn lậu không chỉ dừng ở việc bắt giữ hàng hóa mà còn tập trung triệt phá các cơ sở sản xuất hàng giả. Trong tháng 6/2025, lực lượng chức năng tỉnh An Giang đã phát hiện và triệt phá cơ sở sản xuất nước mắm, nước giặt giả tại phường Long Xuyên, thu giữ hơn 3.000 lít sản phẩm không nhãn mác, trị giá khoảng 290 triệu đồng. Bộ đội Biên phòng An Giang cũng bắt giữ 3.750 bao thuốc lá nhập lậu, 700kg đường cát và nhiều thùng bia tại khu vực giáp biên.

Đối tượng cùng tang vật trong một vụ vận chuyển thuốc lá nhập lậu

Trong khi đó, tại TP.Cần Thơ, CATP triển khai đồng loạt các đợt kiểm tra liên ngành, phát hiện hàng chục vụ vi phạm. Đáng chú ý, ngày 03/6/2025, lực lượng Công an khám xét một nhà kho chứa hàng trăm bình gas giả nhiều thương hiệu, tang vật gồm 351 bình gas thành phẩm và hơn 700 bình gas rỗng, cùng nhiều thiết bị sản xuất, đóng gói tem chống hàng giả. Vụ việc đã được khởi tố với 4 bị can.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang - ông Lê Văn Phước khẳng định: "Công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả là nhiệm vụ khó khăn, phức tạp, đòi hỏi phải làm thường xuyên, lâu dài và công tác này không có vùng cấm, không có ngoại lệ. Sau đợt cao điểm (từ 15/5 đến 15/6/2025), tỉnh đang triển khai giai đoạn 2, tiếp tục kiểm soát chặt hàng lậu, hàng gian, hàng kém chất lượng nhằm bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và doanh nghiệp làm ăn chân chính".

Song song với các biện pháp nghiệp vụ, các địa phương còn đẩy mạnh đầu tư an sinh xã hội, tạo sinh kế mới cho người dân vùng biên. Tại xã Tân An (tỉnh An Giang), Chủ tịch UBND xã Đỗ Văn Leo cho biết: "Chúng tôi không chỉ ban hành mệnh lệnh hành chính mà còn hỗ trợ người dân ổn định cuộc sống, tạo sinh kế trong mùa lũ về. Cụ thể, đẩy mạnh các vùng sản xuất trong đê bao khép kín. Vận động nông dân tăng cường xen canh rau màu đối với những vùng đất làm lúa trong mùa mưa không hiệu quả. Tiếp tục mời gọi doanh nghiệp về đầu tư trên địa bàn, mở xưởng chế biến nông sản, tạo việc làm cho thanh niên địa phương, giúp người từng tiếp tay cho buôn lậu có công việc ổn định".

Ở các xã như Vĩnh Xương, Nhơn Hội, Khánh Bình (An Giang), chính quyền tập trung vào các mô hình nông nghiệp sạch, hỗ trợ hạ tầng, giáo dục, y tế, nâng cao đời sống người dân. Đây là cách tiếp cận toàn diện, gắn công tác chống buôn lậu với phát triển bền vững.

Giải pháp trọng tâm

Mặc dù đạt nhiều kết quả tích cực, nhưng các tỉnh Tây Nam Bộ vẫn đang đối mặt với thách thức lớn. Các đối tượng buôn lậu ngày càng tinh vi, tổ chức vận chuyển hàng hóa qua các tuyến đường mòn, lối mở, lợi dụng đêm tối, hệ thống kênh rạch phức tạp. Bọn chúng thuê người theo dõi hoạt động của lực lượng chức năng, lợi dụng giờ nghỉ trưa hoặc lúc rạng sáng để đánh hàng qua biên giới.

Lực lượng chức năng kiểm soát buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên cả 3 mặt trận: biên giới, nội địa và không gian mạng

Chủ tịch UBND xã Vĩnh Xương - ông Bùi Thái Hoàng kiến nghị: "Cần có thêm phương tiện hiện đại, hỗ trợ thiết bị giám sát ban đêm, tăng thêm phương tiện tuần tra đường thủy để lực lượng chức năng thực hiện nhiệm vụ. Bên cạnh đó, Nhà nước cần tiếp tục có những chế độ đãi ngộ cho cán bộ bám biên giới làm công tác chống buôn lậu...".

Ngoài ra, cơ quan truyền thông tại các tỉnh Tây Nam Bộ, các hội đoàn thể của MTTQVN ở khu vực này cần tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức hội viên, cộng đồng về hậu quả của buôn lậu đối với nền kinh tế, sức khỏe người dân và uy tín hàng hóa Việt.

Đẩy mạnh cao điểm ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại, các tỉnh Tây Nam Bộ đề ra 6 giải pháp trọng tâm để duy trì một cách hiệu quả của công tác này, cụ thể là tiếp tục duy trì hoạt động Tổ công tác cao điểm, tích hợp thành hoạt động thường xuyên của Ban Chỉ đạo 389 cấp tỉnh và các xã, phường của tỉnh.

Xác định rõ tuyến, địa bàn trọng điểm để tập trung lực lượng ngăn chặn các mặt hàng trọng yếu như: thuốc lá, đường, hàng tiêu dùng không nhãn mác, không rõ nguồn gốc, xuất xứ. Phát huy vai trò của người dân, doanh nghiệp thông qua đường dây nóng 24/7, tiếp nhận và xử lý nghiêm tố giác vi phạm.

Tăng cường quản lý cán bộ, xử lý tiêu cực nếu có, đồng thời biểu dương điển hình tiên tiến trong công tác chống buôn lậu. Đẩy mạnh tuyên truyền pháp luật, nâng cao nhận thức cộng đồng, nhất là vùng biên giới, nơi người dân còn khó khăn, dễ bị lôi kéo; phối hợp liên ngành, chia sẻ dữ liệu, ứng dụng công nghệ thông tin để tăng hiệu quả phát hiện, xử lý vi phạm, truy vết hàng hóa.

Thực tiễn trong thời gian qua cho thấy, các tỉnh Tây Nam Bộ không chỉ duy trì cao điểm như một chiến dịch tạm thời mà đang từng bước chuyển hóa thành thế trận phòng, chống buôn lậu lâu dài, gắn với an sinh xã hội, đẩy mạnh phát triển kinh tế biên mậu, du lịch xuyên biên giới cũng như các mô hình du lịch sông nước, sinh thái mang tính gần gũi với thiên nhiên. Quyết tâm ấy thể hiện tinh thần "không vùng cấm, không ngoại lệ", vì một thị trường minh bạch, một nền kinh tế lành mạnh và vì niềm tin của Nhân dân.

Bình luận (0)

Lên đầu trang