Đường Vành đai 3, công trình của ý Đảng - lòng dân:

Bài 1: Từ ước mơ đến hiện thực

Thứ Ba, 20/06/2023 10:33

|

(CATP) Sự kiện quan trọng vừa diễn ra vào sáng 18/6/2023 tại TPHCM: Lễ khởi công xây dựng (XD) Dự án (DA) đường Vành đai 3 TPHCM đã biến ước mơ của hàng chục triệu người dân TPHCM và các vùng lân cận thành hiện thực.

Còn nhớ cách nay 12 năm, từ khi có Quyết định (QĐ) 1697/QĐ-TTg ngày 28/9/2011 của Chính phủ phê duyệt Quy hoạch (QH) chi tiết đường Vành đai 3 TPHCM, thì nay tuyến đường liên kết vùng phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) đã được khởi công. Đây là công trình của ý Đảng - lòng dân, là con đường tiếp nối, phát triển, hướng đến tương lai, được kỳ vọng tạo ra xung lực cho cả vùng kinh tế trọng điểm phía Nam nói riêng và cả nước nói chung đang dần hình thành trong niềm hân hoan mong chờ.

Con đường khát vọng

Lễ khởi công XD dự án đường Vành đai 3 TPHCM là kết quả rất đáng mừng, thể hiện sự đồng lòng của chính quyền và nhân dân, biến ước mơ hơn chục năm qua thành hiện thực. Chỉ trong vòng 1 năm, TPHCM đã hoàn thành tất cả thủ tục để khởi công DA theo quy định, nhận được sự đồng thuận cao từ người dân, nhất là trong công tác giải phóng mặt bằng (GPMB).

Dự án đường Vành đai 3 hiện đã có 356ha/410ha (đạt khoảng 87%) GPMB, trong đó TP.Thủ Đức đạt 73%, huyện Củ Chi đạt 83%, huyện Hóc Môn đạt 95% và huyện Bình Chánh đạt 92%. Dự án này đạt tốc độ kỷ lục về GPMB và sẽ tiếp tục tăng lên mỗi ngày. Có địa phương vượt kế hoạch ngoài mong đợi như Hóc Môn và sẽ bàn giao 100% vào cuối tháng 6 này. Đây là những nỗ lực rất đáng trân trọng!

Dự án đường Vành đai 3 TPHCM rất lớn với nhiều thách thức, khó khăn, cần sự chung tay của cả tập thể để đưa DA về đích. Với niềm tin mạnh mẽ, UBND TPHCM đánh giá DA có nhiều cách làm mới, triển khai song song nhiều nhóm công việc, không nghỉ lễ và làm ngoài giờ để bảo đảm tiến độ đề ra. Vì vậy, sau lễ khởi công, DA đường Vành đai 3 vẫn giữ vững mục tiêu cam kết với Quốc hội và Chính phủ, đó là phấn đấu năm 2025 cơ bản thông xe trục cao tốc, đến năm 2026 hoàn tất các phần còn lại.

Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi cam kết hoàn thành đúng tiến độ dự án đường Vành đai 3 TPHCM

Theo QĐ1454/QĐ-TTg phê duyệt mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, tuyến Vành đai 3 TPHCM là đường vành đai đô thị được QH nằm trong mạng lưới đường bộ cao tốc, thuộc nhóm DA quan trọng quốc gia và được ưu tiên đầu tư giai đoạn 2021 - 2030. Cách nay 12 năm, theo QĐ1697/QĐ-TTg ngày 28/9/2011 của Chính phủ phê duyệt QH chi tiết đường Vành đai 3 TPHCM.

Với tính chất vừa là đường cao tốc vành đai liên vùng, vừa là đường cao tốc đô thị, tuyến Vành đai 3 TPHCM giữ vai trò hết sức quan trọng không chỉ đối với việc thúc đẩy phát triển KT-XH của các địa phương có tuyến đi qua gồm TPHCM và các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương, Long An, mà còn là tiền đề, điều kiện cần để kêu gọi đầu tư (ĐT), phát triển khu đô thị (KĐT), khu công nghiệp, khu thương mại, dịch vụ của các khu vực (KV) có tuyến đi qua, nâng cao khả năng kết nối giữa các đô thị vệ tinh dọc 2 bên đường, giảm ách tắc giao thông (GT) ở TPHCM, tạo không gian phát triển mới để khai thác tiềm năng sử dụng quỹ đất, làm tăng hiệu quả ĐT đối với các DA khác đang được triển khai thực hiện.

Do phần tuyến chính cao tốc là đường dành cho xe cơ giới, có dải phân cách chia đường cho xe chạy 2 chiều riêng biệt, không giao nhau cùng mức với 1 hoặc các đường khác và chỉ cho xe ra - vào ở những điểm nhất định, nên việc đầu tư XD đường song hành là cần thiết để tổ chức GT kết nối với KĐT, khu dân cư (KDC) dọc 2 bên tuyến, phục vụ phát triển KCN, khai thác quỹ đất 2 bên đường, bảo đảm các mục tiêu ĐT đồng thời phù hợp với QH được duyệt.

Đối với đơn giá đất thương mại dự kiến đấu giá, báo cáo nghiên cứu tiền khả thi DA, TPHCM đã chỉ đạo Sở Tài nguyên - Môi trường phối hợp với các địa phương nơi DA đi qua khảo sát, tính toán để quyết định về đơn giá các khu đất dọc theo DA. Đơn giá phải tính toán bao gồm chi phí ĐT hạ tầng kỹ thuật - xã hội. Sau khi DA được Quốc hội quyết định chủ trương ĐT, quá trình triển khai DA cùng với ĐT các tuyến đường kết nối với những khu đất dọc theo DA, lợi thế tiềm năng sẽ tăng lên và qua quá trình đấu giá, giá trị các khu đất này sẽ tăng lên.

Thủ tướng Phạm Minh Chính, Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên cùng các đại biểu nghe thuyết trình về dự án đường Vành đai 3. Ảnh: NGÂN LINH

Cũng cần nói rằng, giá đền bù đất trong công tác GPMB là việc làm rất tốt của UBND TPHCM cùng chính quyền các cấp, được sự đồng tình ủng hộ của người dân để Lễ khởi công đường Vành đai 3 đạt đúng tiến độ đề ra. Bên cạnh đó, thực hiện rất khả thi trong công tác hỗ trợ, tái định cư được lập trên cơ sở khối lượng GPMB được chú trọng, sự quan tâm của các cấp từ Trung ương đến địa phương, được người dân đồng thuận cao.

Thu hút các nhà đầu tư

Dự án Vành đai 3 TPHCM là đường vành đai đô thị, đi qua các KV đô thị, KDC và định hướng trong tương lai phát triển các KCN, KĐT mới, các trung tâm logistics, hệ thống cảng biển, ICD... Qua đó, sẽ tạo thuận lợi, thu hút các nhà đầu tư đối với phát triển KĐT, KCN, trung tâm logistics...

Hệ thống kết cấu hạ tầng GT luôn đóng vai trò quan trọng đối với sự phát triển KT-XH của mỗi quốc gia, là chỉ số quan trọng để đánh giá năng lực cạnh tranh của các quốc gia. Đường bộ cao tốc là công trình cấp kỹ thuật cao nhất trong hệ thống đường bộ, là phương thức vận tải năng động, hiện đại, năng lực lớn, tốc độ cao và an toàn, đóng vai trò kết nối linh hoạt với các phương thức vận tải khác... Kinh nghiệm của các nước trong KV và thế giới cho thấy, ĐT phát triển đường bộ cao tốc là tất yếu khách quan, tạo động lực, sức lan tỏa để phát triển KT-XH của mỗi quốc gia.

Do vậy, việc đầu tư XD đường Vành đai 3 TPHCM là góp phần cải thiện năng lực cạnh tranh không chỉ của TPHCM mà còn của các tỉnh, thành liên quan trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và cả nước nói chung. Cũng như vậy, việc tăng khả năng kết nối GT giữa các tỉnh trong vùng, phù hợp với quy hoạch GT quốc gia.

Phối cảnh nút giao Tân Vạn thuộc dự án đường Vành đai 3 khi hoàn thành (Ảnh: Ban Giao thông)

Theo các báo cáo đánh giá, dự báo nhu cầu vận tải các tuyến kết nối trong KV sẽ vượt tổng năng lực của hệ thống hạ tầng GT hiện tại. Với tính chất, vai trò là đường Vành đai liên vùng, việc ĐT, đưa vào khai thác đồng bộ tuyến đường Vành đai 3 TPHCM sẽ góp phần tăng khả năng kết nối GT với các tuyến đường bộ hướng tâm, giữa các địa phương của vùng TPHCM, góp phần mở rộng không gian phát triển mới theo định hướng QH, tạo động lực, sức lan tỏa, thúc đẩy, phát triển KT-XH các địa phương nói riêng và của cả nước nói chung.

Chưa hết, tầm quan trọng của đường Vành đai 3 TPHCM còn giúp mở rộng không gian phát triển, kéo giãn mật độ dân cư KV nội thị. Những năm qua, việc phát triển kết cấu hạ tầng, nhất là hạ tầng GT của TPHCM nói riêng và cả nước nói chung còn chậm, chưa tương xứng với yêu cầu phát triển dẫn tới quá tải GT và gây ra tình trạng ùn tắc, tai nạn GT, ô nhiễm môi trường ở nhiều KV, đặc biệt là các cửa ngõ KV nội đô. Do đó, việc ĐT hoàn thành tuyến đường vành đai này với năng lực thông hành lớn, tốc độ cao và an toàn sẽ góp phần làm giảm áp lực đối với KV nội đô, hạn chế tình trạng ùn tắc GT của TPHCM và KV.

Với ý nghĩa của tuyến đường Vành đai 3 TPHCM giữ vai trò liên kết vùng và kết nối GT đô thị nên việc ĐT cho tuyến đường này góp phần thúc đẩy phát triển đô thị, công nghiệp, thương mại, dịch vụ KV, giúp phát triển KT-XH, kinh tế đô thị, tạo nguồn lực ĐT phát triển cho tương lai. Ngoài ra, khi tuyến đường được đưa vào sử dụng sẽ bảo đảm kết nối thế trận KV phòng thủ của các địa phương lân cận và TPHCM, bao gồm phát triển đô thị cho các đô thị vệ tinh như Nhơn Trạch (Đồng Nai), KĐT Tây Bắc Củ Chi (TPHCM), KĐT Đức Hòa, Đức Huệ (Long An), phát triển TP.Thủ Đức (TPHCM), TP.Thuận An (Bình Dương), tạo điều kiện phát triển các KV nông thôn như huyện Củ Chi, Hóc Môn, Bình Chánh (TPHCM) và Bến Lức (Long An)...

(Còn tiếp...)

Bình luận (0)

Lên đầu trang