Natm + Việt Nam
chiều buông xuống thật sớm ở giữa cánh rừng của thị xã Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi. Mặt trời khuất núi, vì vậy không gian mau chóng ngả sang màu lam. Ngọn núi đầy hoa dủ dẻ thơm lừng đang chuyển mình trong cái lạnh của không gian, của đá núi, của sương giá ngày xuân ngấm vào da thịt. Tháng 8/2026, công trình cao tốc dài 88km (nối với cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi) sẽ hoàn thành. Công trình này có các hạng mục: 61 cây cầu, 13 cầu vượt trục thông, 61 cầu vượt tuyến, 83 hầm chui, 3 hầm xuyên núi (tổng chiều dài 4,5km), tổng mức đầu tư 20.469 tỷ đồng.
Đêm giao thừa, trước cửa hầm số 2 đã được khoan thông 2 cửa, một tốp công nhân của Tập đoàn Đèo Cả rời khỏi hầm, trong lúc tốp thay ca đã có mặt và công việc đổi ca được đánh dấu bằng "nghi lễ quyết tâm". Kỹ sư Trần Hữu Nghĩa, chỉ huy hầm số 2 cùng anh em xếp hàng ngang, đưa cao nắm tay trên đầu, đồng thanh hô khẩu hiệu quyết tâm thi công vượt tiến độ. Cái lạnh trong hầm dường như tan bớt sau tiếng hô và khuôn mặt ai cũng bừng bừng khí thế.
Kỹ sư Nghĩa bước sang năm mới là tròn 33 tuổi. Anh được tôi test nhanh về "độ từng trải, làm chủ công nghệ" và được biết, anh từng có mặt tại một trong những công trình đường hầm nổi tiếng nhất của Việt Nam là hầm đường bộ Hải Vân, công trình được thi công theo phương pháp NATM (New Austrian Tunneling Method) của Áo, thay vì theo phương pháp cũ là TBM và Cut and Cover đường hầm.
Công nhân trên công trường dựng cây nêu và làm việc xuyên Tết. Ảnh: VĂN CHƯƠNG
NATM được phát triển bởi Rabcewicz, Müller và Pacher trong khoảng thời gian từ 1957 đến 1964. Hơn 40 năm sau, phương pháp này mới lần đầu tiên được áp dụng tại Việt Nam bởi các kỹ sư cầu đường Nhật Bản.
Vào hầm, không khí xuân chỉ còn là âm thanh của công trường. Tiếng rì rầm phát ra từ những cỗ máy rô bốt khoan núi Epiroc, tiếng xe xúc lăn bánh nâng các công nhân kiểm tra hệ thống điện, khung sắt ốp trên vòm hầm để chờ tiếp tục được trám một lớp bê tông phun. Công nghệ phun vòm hầm sử dụng loại xi măng có thời gian ninh kết chỉ tính bằng vài phút, thời gian đông kết từ 12 - 20 phút, cường độ nén, bám dính, chịu uốn, tính dẻo dai, chống thấm... đều rất tốt và nhanh.
Viết về thi công hầm xuyên núi thì không thể thiếu "ngôi trường thực tiễn hầm đường bộ Hải Vân", đây là nơi mà kỹ sư Nghĩa và rất nhiều kỹ sư Việt Nam được học hỏi, tiếp cận công nghệ thi công hầm xuyên núi của các chuyên gia, kỹ sư Nhật Bản, sau đó nhanh chóng học kỹ thuật NATM. Việc phun bê tông lên nóc hầm thay cho phương pháp truyền thống phải có cốp pha, đó là một phần của kỹ thuật NATM, mà giờ đây các kỹ sư Việt Nam đã tiếp thu, trở thành NATM + Việt Nam.
Công an thị xã Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi là đơn vị đã có nhiều đóng góp trong việc phối hợp với các ban, ngành để vận động, thuyết phục người dân di dời nhà cửa, ruộng, vườn để nhường đất cho dự án cao tốc Quảng Ngãi - Hoài Nhơn đạt tiến độ.
Ông Tadahiro Nezu, kỹ sư thường trú của Công ty Nippon Koei từng nhận xét, "nhiều kỹ sư Việt Nam có kinh nghiệm qua thi công hầm đường bộ đèo Hải Vân. Ngày tôi mới sang, thấy kỹ năng làm việc của các công nhân, kỹ sư Việt Nam khác. Bây giờ, trình độ họ đã nâng lên khá cao. Tôi tự tin là họ sẽ làm tốt công việc của mình".
Đêm giao thừa, đi xuyên qua 3 hầm nhưng không gặp người nước ngoài nào, chỉ toàn là công nhân Việt Nam. Từ năm 2012, khi triển khai dự án hầm đường bộ qua Đèo Cả, công nhân Việt Nam đã bắt đầu làm chủ được các quy trình. NATM + Việt Nam chính là ở điểm đó.
Thi công xuyên Tết Nguyên đán
đêm giao thừa, bữa cơm muộn với ít bánh chưng và thịt kho trong khu lều trại nằm giữa rừng núi cũng để lại cho tôi cảm xúc về không khí công trường. Qua ô cửa sổ nhỏ, cây nêu được gắn lồng đèn đỏ chao nhẹ trong gió xuân mới. Tất cả các trại thi công đều được cắm cây nêu. Anh Thành, một công nhân quê ở Thanh Hóa cho biết, ngày 23 tháng Chạp âm lịch, anh em công nhân dựng nêu để cúng ông Công, ông Táo về trời, sau đó tiếp tục bắt tay vào công việc. Số anh em công nhân bám trụ trên công trường được khuyến khích bằng mức lương tăng 300%.
Kỹ sư Vũ Quang Phương, quê ở tỉnh Nam Định cho biết, "Tập đoàn Đèo Cả giống như một ngôi nhà, không khí vượt tiến độ luôn được hâm nóng, nên nhiều anh em quyết định ở lại và ăn Tết trên công trường".
Ánh lửa, đèn trong đêm giao thừa tại hầm số 3. Ảnh: VĂN CHƯƠNG
Khi đi xuyên qua hầm số 1, 2 và tiến vào hầm số 3, toàn bộ nhân công đang làm việc suốt ngày đêm đều đến từ rất nhiều tỉnh, thành như: Phú Yên, Quảng Bình, Thừa - Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam... Nhiều loại thiết bị đặc chủng số 1 của thế giới được đưa về công trình, trong đó có những cỗ rô bốt máy khoan đắt đỏ nhất thế giới (khoảng 1 triệu USD/chiếc) hình dáng như khủng long bò khắp các hầm núi...
Ban đầu, mọi thứ tôi quan sát và vẫn cảm giác đang nằm rời rạc trong suy nghĩ. Sau đó tôi "kết dính tất cả vào nhau" khi bước vào căn phòng mô phỏng của Tập đoàn Đèo Cả được bố trí khá giống Cục tác chiến của Bộ Quốc phòng. Các tuyến đường, hầm xuyên núi đều được mô phỏng trên những sa bàn rộng, minh họa từng chi tiết; bảng theo dõi tiến độ được phác họa như một đoàn tàu cao tốc đang chạy hết công suất và mỗi toa tàu đang từng ngày nhích qua các vị trí mới. Điểm cuối, tới "sân ga" là tháng 8/2026 (hoàn thành dự án).
Trong không khí se lạnh của đêm khuya, kỹ sư Phương chỉ cho tôi thấy những hạng mục được thi công theo kiểu NATM + Việt Nam, đó là không đào 2 hầm song song, mà cứ đến mũi số 5, mũi số 6 thì tiến hành đào điểm thông hầm. Từ điểm thông hầm này sẽ triển khai đào ngược lại hướng cửa hầm số 2 từ bên trong lòng núi và tiến ngược ra phía ngoài, cứ thế 2 mũi sẽ giao nhau. Trong phép dùng binh, đây gọi là cách đánh vu hồi, tiến ngược hướng song song, sau đó đánh tạt sườn hoặc ngược lại.
Đêm giao thừa, màn "pháo hoa" ở trên công trường là tiếng mìn nổ phá đá ì ầm vang lên từ trong các ngách hầm, tiếng hút gió cực mạnh từ đường hầm. Dưới ánh đèn đêm soi lờ mờ giữa núi rừng, chiếc ống hút mềm giống như chiếc điếu tẩu có chiều dài gần 700 mét rung lên bần bật để hút bụi từ đáy hầm số 3, thổi ra ngoài, sau khi công nhân hoàn thành một lỗ khoan, đánh mìn. Biện pháp thi công bê tông phun có 9 bước, trong đó công đoạn "lập hộ chiếu, khoan, nổ mìn" được thực hiện song song với hầm bên phải. Khi bụi lắng dần đi, chiếc ống thông hơi khổng lồ lại hút ngược không khí từ bầu trời đêm vào đáy hầm, cung cấp dưỡng khí để công nhân tiến vào thi công.
Trong căn phòng mô phỏng toàn bộ công trường của Đèo Cả, quá trình hình thành và phát triển được phác họa qua 5 giai đoạn, từ năm 1985, bắt đầu từ Công ty xây lắp điện Hải Thạch ở tỉnh Phú Yên, do doanh nhân Hồ Minh Hoàng tiếp quản, nuôi dưỡng ước mơ vươn xa và đặt mục tiêu vươn tầm quốc tế từ năm 2022. Trên tấm bản đồ hiển thị một số dự án trọng điểm mà đơn vị này đã và đang triển khai lên tới 19 điểm, trong đó chiếm phần lớn các điểm này đều nằm ở vành đai phía đông của đất nước như: cao tốc Cần Thơ - Cà Mau, Trung Lương - Mỹ Thuận, Cam Lâm - Vĩnh Hảo, hầm Đèo Cả, hầm Cổ Mã, hầm Cù Mông, cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn, Đồng Đăng - Trà Lĩnh...
Trong số đó, dự án có liên quan nước ngoài và đang được đề xuất là "đường sắt Việt - Lào", đoạn Mụ Giạ - Vũng Áng.