(CAO) Ít ai có thể ngờ ngay giữa lòng địch ở Sài Gòn từng tồn tại một quán ăn là nơi trao đổi các thông tin mật của lực lượng cách mạng, phục vụ nhiều chiến dịch đánh Mỹ của lực lượng biệt động Sài Gòn.
Đó là quán Nhan Hương nằm trong khuôn viên Thảo Cầm Viên Sài Gòn (quận 1, TP.HCM). Những ngày đầu năm, dòng người nối nhau đến thăm di tích lịch sử này giữa lòng thành phố để hồi tưởng về một giai đoạn lịch sử vẻ vang của dân tộc.
Quán Nhan Hương nằm trong khuôn viên Thảo Cầm Viên (quận 1- TP.HCM). Đây là căn cứ hoạt động bí mật của lực lượng biệt động Sài Gòn trong thời kỳ Kháng chiến chống Mỹ. Hằng ngày, lính Mỹ - Nguỵ đến đây ăn uống, sinh hoạt nhưng không thể ngờ lực lượng của ta đã được cài cắm ở cứ điểm này - Ảnh: Anh Duy
Người có công lập nên quán Nhan Hương là đồng chí Nguyễn Văn Tửng - chiến sĩ đội 5 biệt động. Ông xây quán bằng tiền tích cóp được. Nhan Hương - tên quán được đặt theo người vợ đã mất của ông.
Đồng chí Trần Hải Phụng - tư lệnh quân khu Sài Gòn - Gia Định, chỉ huy lực lượng biệt động là người chỉ đạo xây dựng quán Nhan Hương giữa lòng Thảo Cầm Viên
Vị trí của quán Nhan Hương (đường Nguyễn Bỉnh Khiêm - chấm đỏ trên bản đồ) nằm ngay giữa trung tâm Sài Gòn, gần các địa điểm quan trọng của chính quyền Mỹ - Nguỵ như đài Phát thanh, sứ quán Mỹ. Quán hoạt động trong giai đoạn từ 1963 đến 1975.
Bà Trần Thị Ngọc Diệp - cháu gái của ông Nguyễn Văn Tửng được giao quản lý thu chi ở quán Nhan Hương
Quán là nơi tụ họp thường xuyên của binh lính, quan chức cấp cao của chính quyền Mỹ - Nguỵ đến để ăn uống. Họ không ngờ lực lượng điều hành quán là của ta với tình báo của biệt động Sài Gòn được cài cắm trong quán.
Quang cảnh tái hiện hoạt động hằng ngày của quán Nhan Hương. Nơi trao đổi thông tin tình báo của lực lượng biệt động Sài Gòn, nuôi giấu cán bộ, lên các kế hoạch cho các chiến dịch lớn như sự kiện tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968 ở Sài Gòn - Gia Định 
Phía sau khuôn viên quán là nơi trao đổi tin mật, nuôi giấu cán bộ mà địch không mảy may nghi ngờ
Một số đồ vật của quán được những người lính biệt động Sài Gòn sử dụng nay vẫn còn lưu lại tại quán 
Quán còn là nơi họp hành của lực lượng biệt động
Một số vũ khí của thời kỳ hoạt động tại quán được lưu lại
Từ nơi đây, thông tin tình báo được đưa về phân tích giúp ta thực hiện nhiều trận đánh lớn ngay giữa lòng địch, Trong ảnh là hình ảnh Phó đại sứ Mỹ Giôn - Xơn bị thương trong trận tấn công toà đại sứ quán Mỹ của lực lượng biệt động. Đây cũng là một trong những hậu cứ cung cấp thông tin cho sự kiện Tết Mậu Thân 1968
Các cán bộ, chiến sĩ của lực lượng biệt động Sài Gòn trong một lần họp tại quán Nhan Hương
Ông Nguyễn Văn Tửng đón ban quân quản thành phố tiếp quản quán Nhan Hương sau ngày giải phóng (tháng 5/1975)
Vì ý nghĩa lịch sử vô cùng to lớn của quán, bộ tư lệnh thành phố đã ra quyết định số 21 ngày 30/5/1981 về việc bảo tồn quán Nhan Hương là điểm di tích lịch sử chiến đấu của lực lượng biệt động thành phố trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước.