Vì biển trời Tổ quốc

Thứ Bảy, 10/02/2024 17:41

|

(CATP) Năm 2023 khép lại và trước khi bước sang năm mới 2024, những người lính biển ở Lữ đoàn 162, Vùng 4 Hải quân lại nhắc đến những chiến công nổi bật về công tác đối ngoại, mang hình ảnh người chiến sĩ Hải quân nhân dân Việt Nam đến với bạn bè quốc tế. Còn tại địa bàn đơn vị phụ trách, nghĩa cử ân tình của người lính biển, đó là sát cánh với bà con ngư dân, nơi nào có hoạn nạn, có tiếng kêu cứu thì những người lính lại ngược xuôi như cánh én, có mặt kịp thời để mang lại niềm vui cho ngư dân bám biển.

TRONG ĐỘI HÌNH ĐA QUỐC GIA

Lữ đoàn 162 (Vùng 4 Hải quân) được mệnh danh là “Lữ đoàn thép” của Quân chủng Hải quân. Không chỉ là lực lượng chiến đấu chủ lực trên hướng biển trọng điểm miền Nam Trung Bộ, Quần đảo Trường Sa và thềm lục địa phía Nam của Tổ quốc, Lữ đoàn 162 còn thực hiện nhiệm vụ hội nhập quốc tế và đối ngoại quốc phòng, tham gia các hoạt động đa phương quốc tế, thăm hữu nghị, nâng cao vị thế, uy tín của Hải quân Việt Nam.

Dấu ấn về các hoạt động đối ngoại của “Lữ đoàn thép” trong năm 2023, đó là ngày 01/5/2023, tàu 015 - Trần Hưng Đạo của Lữ đoàn cập cảng Căn cứ hải quân Changi của Singapore sau 4 ngày hải trình trên biển. Tại Singapore, cán bộ, chiến sĩ trên tàu tham gia các hoạt động trong khuôn khổ Diễn tập Hàng hải ASEAN - Ấn Độ (AIME); Hội thảo hỗ trợ nhân đạo và giảm nhẹ thiên tai (HADR); trao đổi chuyên môn (SMEE); Triển lãm quốc phòng và Hàng hải quốc tế (IMDEX) 2023.

Đơn vị còn tham gia các hoạt động diễn tập AIME thực binh trên biển như: Chụp ảnh đội hình từ trên không, vận động đội hình, theo dõi mục tiêu, tiếp vận trên biển, điện và giải mã điện, liên lạc bằng ánh đèn, vận động đội hình mặt quạt, kiểm tra tàu khả nghi. Thông qua các hoạt động quốc tế đa phương tại Singapore, đơn vị đã nâng cao khả năng phối hợp hiệp đồng trong ứng phó với các thách thức chung về an ninh hàng hải; góp phần tăng cường hơn nữa mối quan hệ hữu nghị, hợp tác tốt đẹp hiện có giữa Quân đội và Hải quân Việt Nam với Quân đội và Hải quân các nước trong khu vực.

Tàu của Lữ đoàn 162 tham gia diễn tập trên biển

Hoạt động đối ngoại là điểm sáng của Lữ đoàn 162 trong năm 2023. Đơn vị còn tham gia vào các hoạt động trong khuôn khổ Diễn tập “Hòa bình hữu nghị - 2023” tại Trạm Giang (Trung Quốc), bao gồm các nội dung: Thảo luận và huấn luyện mô phỏng điều khiển tàu; đấu tranh bảo vệ sức sống tàu; thảo luận về thực hành cấp cứu thương binh; luyện tập thao tác thiết bị mặt boong trực thăng, chống cướp biển, tìm kiếm cứu nạn; diễn tập trên sa bàn; giao lưu văn hóa, thể thao, ẩm thực… Phần thực binh diễn tập trên biển có các nội dung: Thông tin liên lạc, vận động đội hình, cảnh giới khu neo, chống cướp biển...

SÁT CÁNH VỚI NGƯ DÂN

Một trong những vụ cứu nạn khó quên trong năm 2023, đó là tìm kiếm các ngư dân trên 2 tàu câu mực của bà con ngư dân tỉnh Quảng Nam bị mất tích. Nửa đêm ngày 17/10, khi nghe tin tàu cá QNa 90129 TS và QNa 90927 TS của ngư dân tỉnh Quảng Nam bị lốc xoáy đánh chìm ở 2 tọa độ khác nhau, các tàu tuần tra của Hải quân Vùng 4 là 467 và 471 đã được lệnh triển khai tìm kiếm. Biết tin lực lượng Hải quân đang triển khai kế hoạch cứu nạn trên biển, tại gia đình ông Lương Văn Viên ở xã Tam Giang, huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam, người thân của các ngư dân tập trung đến và bà con không quên nhắc đến sự nỗ lực của lực lượng Hải quân, thậm chí có những vụ cứu nạn từ 10 năm về trước cũng được bà con nhắc lại. Điều đó khẳng định, nghĩa cử hết lòng vì nhân dân của cán bộ, chiến sĩ lực lượng Hải quân đã để lại dấu ấn sâu đậm trong trái tim người dân.

Chỉ riêng trong năm 2023, lực lượng Hải quân Vùng 4 đã tổ chức giúp đỡ, hỗ trợ ngư dân 87 lượt, với việc điều động 24 lượt tàu, xuồng để cứu kéo các tàu của ngư dân bị nạn vào đảo và đưa về đất liền an toàn; phối hợp với Binh đoàn 18 - Bộ Quốc phòng và Lữ đoàn 954 - Quân chủng Hải quân tổ chức 6 lượt máy bay EC-225 và DHC-6 đưa 6 ngư dân bị bệnh và tai nạn lao động vào bờ điều trị; cấp cứu, điều trị 88 bệnh nhân bị bệnh, gặp tai nạn lao động tại khu vực Quần đảo Trường Sa; cứu hộ - cứu nạn, giúp đỡ 225 tàu cá với 1.007 ngư dân bị nạn, hỏng hóc máy móc trang bị, mắc cạn trên biển; ngoài ra còn giúp đỡ, hỗ trợ cho ngư dân lương thực, thực phẩm, nước ngọt, thuốc chữa bệnh và hàng ngàn ngày công với tổng số tiền là 198.646.000 đồng.

Đoàn công tác Lữ đoàn 162 giao lưu với hải quân các nước

Có lẽ ngư dân Đỗ Văn Truyền, SN 1966, quê ở huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi không bao giờ quên được nghĩa cử của lực lượng Hải quân khi được hỗ trợ về y tế kịp thời. Đó là vào ngày 30/10/2023, tàu HQ 631, Lữ đoàn 955, Vùng 4 Hải quân cập vào đảo Song Tử Tây, huyện đảo Trường Sa để đón ngư dân này vào đất liền tiếp tục điều trị. Anh Truyền là ngư dân đi đánh bắt xa bờ, đi biển dài ngày trên tàu đánh cá QNg 90817 TS, do ngư dân Bùi Văn Danh (quê ở huyện Bình Sơn) làm thuyền trưởng. Sau khi điều trị ổn định, từ quê nhà huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi, anh Truyền cho biết, Tết Nguyên Đán năm nay, gia đình anh đón một mùa xuân ấm áp, anh luôn ghi nhớ sự hỗ trợ của lực lượng Hải quân, vì nhờ sự cứu giúp kịp thời đó đã động viên anh và nhiều bà con ngư dân yên tâm, bám biển.

Còn ông Nguyễn Hữu Ngọt, phụ trách nghiệp đoàn nghề cá ở làng chài chuyên làm nghề câu mực ở xã Bình Chánh, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi thì bộc bạch, đến thời điểm hiện nay, tàu đánh cá của ngư dân đã phát triển lên các loại tàu có thân vỏ lớn, dài từ 21 đến 25 mét, thay thế cho tàu có chiều dài chỉ 15 đến 19 mét, nên tải trọng tàu cá bây giờ đã rất lớn. Vì vậy mỗi khi tàu bị chết máy trôi dạt trên biển, việc cứu kéo rất cần có sự hỗ trợ của lực lượng Hải quân. Vụ 2 tàu câu mực của bà con ngư dân tỉnh Quảng Nam được lực lượng Hải quân ứng cứu kịp thời là điển hình. Đón mùa xuân mới Giáp Thìn 2024, bà con làng chài luôn nhớ đến những nghĩa cử ân tình và gởi lời thăm hỏi đến cán bộ, chiến sĩ Vùng 4 Hải quân.

Thiếu tướng, Chuẩn đô đốc Ngô Văn Thuân, Bí thư Đảng ủy, Chính ủy Vùng 4 Hải quân cho biết, việc tham gia chuỗi các hoạt động đa phương tại Singapore, Trung Quốc và Philippines là cơ hội để tiếp tục nâng cao khả năng phối hợp hiệp đồng giữa hải quân Việt Nam với hải quân các nước trong ứng phó với các thách thức chung về an ninh hàng hải; huấn luyện đi biển đường dài, nâng cao năng lực tổ chức chỉ huy hiệp đồng, khả năng sẵn sàng chiến đấu, trình độ thao tác làm chủ vũ khí, trang bị của bộ đội trong điều kiện hoạt động dài ngày trên biển; tổ chức tuần tra, trinh sát, nắm tình hình các vùng biển trên tuyến hành trình.

Bình luận (0)

Lên đầu trang