1. Bạn ơi, cảm xúc gì thế?
Tết. Xin thưa, chỉ có thể là Tết.
Một khi nghe đến Tết, dù đang sống tại quê nhà, hoặc chuyển “hộ khẩu” nơi khác, hoặc phiêu dạt tận chân trời xa lạ nơi xứ người thì trong lòng lại trỗi dậy biết bao kỷ niệm êm đềm của ngày xửa ngày xưa… Nhớ, rất nhớ. Nỗi nhớ ùa về trong tâm tưởng với nhiều rất nhiều sắc màu thời gian, tưởng đã quên nhưng nay lại nhớ. Suốt một năm tất bật với công ăn việc làm, người ta đã quên béng, nay nỗi nhớ lại thức dậy như vừa có ngọn gió mơn trớn thổi vào lòng. Tôi nhớ những ngày ấy, buổi sáng có nắng lên nhưng gió lại se lạnh, phố xá tấp nập hơn. Và, tôi được mẹ dẫn đi chợ Tết. Đến lúc không còn mẹ trên cõi trần nữa, mẹ đã viễn du về miền mây trắng. Ngộ chưa, tôi lại nhớ mẹ vào dịp này. Nhớ nhất vẫn là cảm xúc vời vợi về ngày tháng an lành:
Vui trong ngày Tết
Bánh chưng giao thừa
Bếp ngon lửa ấm
Reo tiếng cười đùa
Í a í ới
Áo mới se sua
Bầy chim ríu rít
Gọi nhau sang mùa.
Tác giả bài viết theo vợ con đi chợ Tết.
2. Mùa Tết. Mùa sum họp. Mùa đoàn tụ. Tết đến trong lòng mỗi người.
Người người Tết. Nhà nhà Tết.
Đường phố cũng Tết. Là những ngày con trẻ níu áo mẹ đòi đi chợ Tết. Bước đến chợ, cả một thế giới của màu sắc lẫn âm thanh mở ra trước mắt khiến đứa trẻ trầm trồ, ngạc nhiên với bao điều mới lạ. Để rồi từ đó, ẩn sâu trong tâm hồn là nếp gấp kỷ niệm khó quên. Tất cả không mất đi, bởi đời người không là sự đứt quãng, là tre già măng mọc, là sự tiếp nối từ đời này qua đời khác, vẫn còn tìm thấy chính mình qua con của mình. Phải chăng cảm nhận ấy, rõ nhất vẫn là lúc theo vợ con đi chợ Tết?
Những lúc ấy, hầu hết mọi người chồng đều đi chung. Đôi khi chẳng phải mua sắm gì đâu, chỉ vì muốn tìm lại cảm giác thơ ấu của mình đấy thôi. Tôi cũng vậy. Và, nhờ đó đã có tiếng thơ vọng đến. Kỳ lạ quá, câu thơ cựa quậy nhẹ nhàng như hạt mầm tách vỏ, nhú lên từng sợi lá xanh mơn mỡn sau cơn mưa ngọt đầu mùa.
Tết tới tung tăng dẫn con đi chợ Cúc vàng rộn nở, rau mượt tươi xanh Rộn ràng nói cười, người như trẫy hội Chợ Tết quê nhà rôm rã âm thanh Bạn ơi, cái thú đi chợ Tết ngày xưa đó, khác hẳn lúc bước chân vào siêu thị có máy lạnh, hàng hóa sắp xếp thẳng tắp, ngay hàng thẳng lối… Chợ Tết miền quê xô bồ, ồn ào, người ta mua sắm náo nhiệt, nói cười oang oang, có thể lúc rảo bước cảm thấy mỏi chân, bèn tạt vào hàng chè nhâm nhi ly chè ngon ngọt đến độ “ngậm mà nghe”; rồi nếu thích, mua lấy quà vặt vừa đi vừa ăn ngon lành. Ngày ấy, ta nhìn thấy những gì và nằng nặc đòi mẹ mua?
Có lẽ ai cũng từng nhớ lại:
Mẹ ơi, mẹ ơi mua phong bì Tết
Thêm cành lộc biếc với cụm sen hồng
Ồ lũ tò he sao mà xinh quá
Sắc màu ngộ nghĩnh, mẹ có thích không?
Hỏi chỉ mà hỏi. Với đứa trẻ, có những câu hỏi nhưng lại ngụ ý là sự đòi hỏi. “Mẹ có thích không?” không phải hỏi, chính là lời mè nheo: “Mẹ ơi, con thích”.
Năm tháng tuổi thơ thần tiên là thế. Hễ con trẻ đã thích ắt không người mẹ nào từ chối. Mua ở đây không chỉ vật dụng cụ thể mà còn mua lấy niềm vui cho con.
Con vui là mẹ vui. Quanh năm dù có tất bật, đầu tắt mặt tối, xuôi ngược chạy gạo, vun vén cho mái ấm, phải tằn tiện nhưng lúc dẫn con đi chợ Tết, người mẹ lại mở lòng hào phóng hơn mọi ngày. Tết mà! “Ồ lũ tò he sao mà xinh quá”. Có còn ai nhớ đến con tò he? Đó là những con vật xinh xắn như chó, mèo, trâu, rồng... hoặc thằng bé cỡi trâu, ngôi chùa cổ kính… dành cho trẻ con. Tất cả làm bằng đất sét và bên ngoài chỉ cần phết lên một lớp bột màu nâu. Chỉ thế thôi! Nhưng con vật ngộ nghĩnh ấy có sức sống lâu bền trong nhiều thế hệ - nhất là những ai từng sống ở quê mình. Trong những phiên chợ Tết, hoặc các dịp lễ hội, các bà mẹ đi chợ về chỉ cần mua làm quà cho con một vài con tò he là nó sung sướng lắm! Bởi lẽ, ở con tò he bằng đất, các nghệ nhân khéo léo “cấu trúc” một “cái còi” nhỏ. Đứa trẻ cầm tò he trên tay và có thể thổi một hơi dài. Từ đó, sẽ phát ra âm thanh rộn rã đáng yêu vô cùng. Mà này mới đòi mẹ mua tò he:
Con lại níu tay đòi mua thêm nữa
Cá quẫy, tôm nhảy lại trố mắt nhìn
Bỗng nghe ó o tiếng gà trống gáy
Quang quác vang trời, ối, lũ vịt xiêm…
Nhộn quá, vui quá. Khi lẩm nhẩm trong đầu mấy câu thơ này, tự dưng tôi tủm tỉm cười. Mua sắm Tết trong siêu thị hiện đại của thời buổi này, đố ai có thể nghe gà trống gáy ò ó o, lũ vịt xiêm quang quác, cũng không thể như ông nhà thơ Đoàn Văn Cừ miêu tả: “Con gà trống mào thâm như cục tiết/ Một người mua cầm cẳng dốc lên xem”. Thế đấy, khi lẽo đẽo bước theo sau vợ con nhưng tâm hồn người ta lại quay ngược về quá khứ để tìm lấy tuổi thơ của mình. Hiện tại và quá khứ xen lẫn vào nhau. Tại sao thế? Đơn giản là họ nhìn thấy tuổi thơ của họ qua đứa con đấy thôi. Chao ôi là nhớ. Ấm áp niềm thương. Chằng chịt tơ vương. Chuyến xe của thời gian đang chầm chậm đưa tôi về miền hoa trái của ký ức xa xăm:
Chợ Tết quê nhà sao mà nhộn nhịp
Con nhìn lạ lẫm, phụng phịu đòi mua
Mẹ lại cầm tay dẫn con bước vội
Nhanh nhanh cho kịp kẻo sắp nắng trưa.
Ối dào, nhanh ơi là nhanh. Mới nắng sớm non tươi lại sắp trưa nắng gắt. Về nhà thôi. Ở nhà còn biết bao nhiêu việc phải làm để chuẩn bị cho ngày Tết. Ngày xửa ngày xưa ấy, từ Chợ Cồn (Đà Nẵng) đi về nhà, ngồi với mẹ trên xe xích lô với biết bao hàng Tết vừa mua sắm, nay tôi vẫn nhớ những lời trò chuyện của hai mẹ con. Trìu mến ghê gớm! Ngày ấy, tôi thích nhìn những lồng đèn ngày Tết trên đường Hoàng Diệu. Tôi nhớ từ con đường này, đi ngang qua một chút gặp đường Ông Ích Khiêm, có chùa Tỉnh Hội, vẫn là nơi nhộn nhịp nhất, đông người nhất vào lúc hái lộc đêm giao thừa, ngày Tết viếng chùa nguyện cầu quốc thái dân an… Ngày Tết, trang trí lồng đèn đa màu đa sắc cho cây cối trên phố, há chẳng phải là nét đẹp của văn hóa Tết đấy sao?
3. Lúc hai mẹ con tươi giòn trò chuyện
Có người theo sau lặng nhớ ngày xưa
Nhớ mẹ ùa về trong tâm tưởng
Nắng ấm mà sao buốt gió lùa?
Không là riêng tôi, có lẽ đó cũng chính là nỗi lòng của bất kỳ ai lúc không còn trẻ nữa. Tự nhủ, ngày xưa mẹ đã cho mình niềm vui bát ngát trong năm tháng tuổi thơ, nay mình theo vợ con đi chợ Tết cũng là để tìm về ngày tháng đó. Thoáng nghĩ đến đó, tôi đã nghe từ tâm vọng lên tiếng reo: “Tết ơi”.