Hà Nội trong hương vị bánh chưng của má

Thứ Năm, 08/02/2024 11:38

|

(CATP) Đã qua rồi cái tuổi hóng Tết để được mặc áo mới, để được xem gói bánh giã giò, để được vui với rất nhiều thứ chỉ có Tết mới có, nhưng khi nhìn tờ lịch dần tới ngày giáp Tết Nguyên đán là tôi lại có chút bồi hồi, xuyên không thời gian để ngược về miền ký ức, đến những cái Tết lưu giữ bao kỷ niệm của mình như hoài niệm thật khó quên. Trong miền ký ức đó, không thể quên những chiếc bánh chưng của má.

Má tôi là một phụ nữ Nam Bộ gốc, quê ngoại của má ở Nha Mân - Sa Đéc, quê nội ở Rạch Giá - Kiên Giang, hai miền quê nổi tiếng gái đẹp, làm bánh khéo. Má theo kháng chiến từ năm 14 tuổi, nhưng đã kịp học làm những món bánh mang hương vị đặc trưng của vùng châu thổ sông Cửu Long và mang ra Bắc trong hơn 20 năm tập kết, lâu lâu làm vài loại bánh, để như một góc nhớ, góc thương, góc quê hương.

Nhưng thiệt lạ, 20 mùa Tết Bắc, ngoài những đòn bánh Tét truyền thống của Nam Bộ, má đã học và gói cả bánh chưng - bánh chưng Lang Liêu. Những chiếc bánh chưng của má cũng rất đặc biệt, không gói bằng khuôn, chỉ cắt và xếp lá dong thành hình khối, nhưng chiếc bánh gói ra vuông vức rất đẹp.

Khó mà quên được gần 50 năm trước ăn Tết miền Bắc, không khí chuẩn bị cho một “cuộc tiệc” gói bánh chưng rất háo hức, nhà nhà đua nhau đi chợ mua nếp, đậu, thịt, lá dong, dây lạt…, rồi ngâm đậu, đãi vỏ, ngâm nếp, ướp thịt, rửa lá, cắt lá… để gói bánh chưng.

Vật liệu để làm nên chiếc bánh chưng đẹp, ngon

Đêm 30, nhà nhà xúm xít quanh nồi nấu bánh chưng, nghe nước sôi, mùi bánh tỏa hương và đợi bánh chín, vớt chiếc bánh ra, nén, rồi trang trọng đặt lên bàn thờ tổ tiên. Và bánh chưng của má, từ cái Tết Bính Thìn thống nhất Bắc - Nam năm 1976, khi má trở về quê, đã thành món quà Tết rất độc đáo của nhà tôi biếu tặng bà con thân tộc, như một cách giới thiệu chút hương vị Tết Bắc, cũng là như má nói: “Để đỡ nhớ Hà Nội, nhớ miền Bắc”.

Sài Gòn - TP Hồ Chí Minh cũng thật kỳ lạ, có một phiên chợ độc nhất trong năm, là phiên chợ mang hồn “Ngàn năm thương nhớ đất Thăng Long”, nằm ở ngã ba Ông Tạ, giao nhau giữa đường Phạm Văn Hai - Cách Mạng Tháng Tám (Q.Tân Bình) - Chợ lá dong Ông Tạ, họp đúng vào dịp giáp Tết Nguyên đán, tương truyền chợ đã có mấy trăm năm bằng tuổi Sài Gòn. Chợ đặc biệt bán loại lá dong sống nhỏ mềm, lá dai, xanh mướt, sợi lạt giang mềm dai chắc và các loại đậu xanh, nếp mang từ ngoài Bắc vào để gói ra những chiếc bánh chưng đúng kiểu Lang Liêu.

Tôi thích cùng má chuẩn bị các thức để gói bánh như rửa lá, cắt lá, vo nếp, đãi đậu xanh, ướp thịt… và thích nhất là lúc ngồi bên xem má gói bánh. Má vừa thao tác từng công đoạn, vừa rỉ rả nói chuyện xung quanh chiếc bánh chưng. Mà thiệt, không biết má đọc từ đâu, tìm hiểu lúc nào, mà nghe má nói, tôi cứ hút vào đó, để bỗng nhiên thấy chiếc bánh chưng của má thật sự đầy ắp huyền thoại, đầy ắp linh khí trời đất.

Con có biết bánh chưng xuất hiện sớm nhất ở Việt Nam, trong sách “Lĩnh Nam Chích Quái” mục “Chưng bính truyện”, chép: “Chọn gạo nếp được giã trắng, chọn hạt tròn đều không vỡ, gạo mang vo sạch, lấy lá có sắc xanh bọc gói buộc lại thành hình vuông, những đồ ăn ngon ngọt quý hiếm được đặt ở trong, tựa thiên địa bao bọc vạn vật. Nấu tới chín, nên gọi là bánh chưng”.

Nồi bánh “truyền thống” của người Việt

Bánh chưng mang triết lý vũ trụ âm dương thể hiện trong hình dáng chiếc bánh: Lớp vỏ ngoài, hình vuông là âm, nhân bên trong nặn hình tròn là dương. Theo ngũ hành tương sinh, khi cắt bánh ra, sẽ thấy năm màu sắc tượng trưng: màu trắng của nếp - mệnh kim, màu vàng của đậu - mệnh thổ, màu đỏ của thịt heo - mệnh hỏa, màu đen của hạt tiêu - mệnh thủy, màu xanh của lá dong - mệnh mộc. Ngay cả quá trình luộc bánh cũng thể hiện ngũ hành tương khắc, hỗ trợ hài hòa. Phải dùng nồi kim loại lớn (kim), xếp bánh vào rồi đổ nước (thủy), nhóm lửa (hỏa) đốt từ củi (mộc) trên nền đất (thổ).

Gói bánh chưng ngon, luộc bánh chưng xanh ngày Tết, để có chiếc bánh chưng xanh - rền - thơm ngon, là cả sự tổng hòa nghệ thuật từ tinh chọn nguyên liệu cho đến cách sơ chế rồi gói, rồi nấu… Tôi thấy ngay từ khâu chuẩn bị nguyên liệu, má đã rất kỹ, có phần khắt khe, từ lá gói, lạt buộc, đến nếp, đậu, thịt, hành, tiêu… Rồi má chăm chút gói từng chiếc, cảm giác như mỗi chiếc bánh chưng má gói là một tác phẩm nghệ thuật, không chỉ là sắp đặt khéo léo tinh tế nếp - đậu - thịt - bao lá - buộc lạt, mà còn có cả sự chú tâm nghiêm cẩn, trân trọng.

Chưa hết, khi buộc lạt, má chỉ cho tôi hai cách buộc, để phân biệt bánh chưng dùng để cúng tế và bánh chưng dùng để ăn bình thường. Bánh chưng cúng tế, buộc bánh bằng 4 lạt, chia bánh thành 9 phần bằng nhau, tượng trưng cho cửu cung của trời đất. Bánh chưng thường, chỉ cần buộc 3 lạt, chia thành 6 phần, miễn chắc, đẹp, không câu nệ. Má còn dặn, tuyệt đối không buộc 2 lạt, chia bánh 4 phần, vì kị đồng âm “tứ - tử”. Khi dâng bánh chưng cúng tế, bắt buộc để nguyên cả lá, không bóc và để nguyên cặp, khi cúng trên mâm cỗ, bánh được bóc vỏ chia 9 phần… Bánh chưng Tết của má tôi thật sự là một “mỹ vị” nhân gian, thỏa mãn cả ngũ quan. Khi xẻ chiếc bánh ra, những màu sắc các tầng lớp nếp - đậu - thịt mang đến cảm quan thị giác bắt mắt như xem một tác phẩm nghệ thuật sắp đặt, và khi nếm một miếng bánh, hương vị là sự hòa quyện tuyệt mỹ của các nguyên liệu, từ hương của lá dong đến sự dẻo mềm của nếp, bùi ngọt của đậu, béo dịu của thịt…

Bánh chưng của má mỗi khi Tết đến, không chỉ để có cái ăn ngày Tết, mà theo má để giữ một nét xuân truyền thống, để không quên truyền thống, không quên một phần quá khứ, không quên lòng biết ơn các tiền nhân tổ tiên... Cơn gió nghinh xuân mỏng nhẹ hư ảo lướt qua chạm vào vạn vật, cho bừng lên sức sống chồi non, gieo lộc biếc từng ô cửa gia đình, cho hương khói trầm mang linh khí phảng phất bảng lảng trong không gian.

Ước nguyện một năm mới mưa thuận gió hòa, ấm no, hạnh phúc, an lạc, thái bình, thịnh vượng, trường tồn cho bản thân, gia tộc, đồng bào, đất nước…

Bình luận (0)

Lên đầu trang