Tết Giáp Thìn xem triển lãm về hình tượng con rồng trong văn hoá Việt

Thứ Sáu, 09/02/2024 21:14  | Anh Duy

|

​(CAO) Theo lịch can chi, năm 2024 là năm Giáp Thìn với linh vật là con rồng, một trong tứ linh (long – lân – quy – phụng).

Theo quan niệm của người Á Đông, rồng là con vật uy nghiêm và tôn quý, tượng trưng cho vua. Ngoài ra phải kể đến hình tượng long vương, vị thần được Ngọc hoàng thượng đế giao cho việc cai quản sông nước và tạo mưa giúp mùa màng bội thu. Long vương (vua của loài rồng) là một hình tượng đẹp trong tín ngưỡng dân gian của nhiều nước Á Đông như Việt Nam và Trung Quốc.

Tại Việt Nam, hình tượng con rồng từ lâu đã ăn sâu vào văn hoá. Tương truyền vua Lý Thái Tổ khi đi thuyền cập bến thành Đại La bỗng nhìn thấy một con rồng vàng xuất hiện. Rồng bay lên (thăng long) khuất trong mây. Thấy cảnh này vua truyền chỉ đổi tên thành Đại La thành Thăng Long (Hà Nội) ngày nay rồi chuyển đô đến Thăng Long vào năm 1010.

Các triều đại phong kiến Việt Nam đã mang hình tượng con rồng vào nhiều đồ vật từ long bào vua mặc đến ngai vua ngồi. Rồng cũng đi vào sinh hoạt thường ngày khi được khắc trên các vật dụng đời thường như lư hương, giá đỡ gương.

Dòng chén đĩa bằng sứ men lam có hình tượng rồng cũng trở thành những hiện vật quý được giới sưu tầm săn đón.

Những ngày cận Tết, tại Bảo tàng lịch sử TPHCM đã diễn ra triển lãm ý nghĩa có tên Long Vân Khánh Hội – Hình tượng rồng trong văn hoá Việt Nam, trưng bày những hiện vật quý chạm khắc hình tượng con rồng theo phong cách cung đình và phong cách sinh hoạt dân gian.

Đến triển lãm, du khách sẽ được cung cấp một cái nhìn có hệ thống về hình tượng con rồng ảnh hưởng đến văn hoá trong suốt chiều dài lịch sử dân tộc.

Bình luận (0)

Lên đầu trang