1. Song, tạo nên dấu ấn mạnh mẽ cho chuyến công diễn nghệ thuật đầu tiên ra nước ngoài của một nước Việt Nam hòa bình lại chính là cái “đơn hàng” ấy. Từ đó, nó mang luôn số hiệu 2-84, cũng là thương hiệu của một đoàn hát quy tụ gần như toàn bộ anh chị em nghệ sĩ vẫn được khán giả yêu quý gọi là “thế hệ vàng”.
Một trong những khoảnh khắc đáng nhớ trong đời đi hát của tôi là khi vở diễn đã kết thúc, chúng tôi cúi chào khán giả, khán giả đáp lại bằng những tràng pháo tay, có khi ngưng một chặp để cúi đầu, để vẫy tay và rồi lại vỗ tay. Những ông hội đồng Thăng (NSND Diệp Lang), Võ Minh Thành (NSND Thanh Tòng), bà Hai Hương, cô Bảy cán vá (NSND Ngọc Giàu), Kim Anh (NSND Lệ Thủy), Võ Minh Luân (NSND Minh Vương)… và tôi - cô Lựu đều đứng lại, cung kính đáp tạ tấm lòng người mộ điệu; hơn thế là tình cảm của đồng bào cật ruột.
Có một bác tiến lại gần sân khấu, chào tất cả chúng tôi rồi nói, tôi muốn nghe các anh, các chị nói, nói gì cũng được, miễn là tôi được nghe lại tiếng Việt. Chúng tôi bất ngờ đưa mắt nhìn nhau, chưa kịp đáp lời thì bác đến gần chỗ tôi hơn rồi nói, tôi muốn nghe chị Bạch Tuyết nói, tôi nhớ và yêu cái giọng miền Nam của chị lắm… Đời nghệ sĩ cải lương, sinh ra từ dòng sông “chín khúc”; ai mà không nằm nôi tiếng hò, câu vọng cổ. Huống gì những tên tuổi danh ca đang hiện diện ở đây, ca không biết bao nhiêu bài tân cổ, vậy mà một lời đề nghị thiết tha “chỉ muốn được nghe nói”, bởi thèm tiếng nói quê hương khiến chúng tôi rất xúc động. Khoảnh khắc ấy, sau này, trong mọi chuyến lưu diễn nước ngoài, tôi đều mang theo.
Quả thật, sau đêm diễn ấy, tôi đã nhận lời mời đến gặp gỡ (điều mà tôi hiếm khi làm) một nhóm khán giả, đúng hơn là bà con Việt kiều chỉ để… nói! Nói chuyện bên nhà và nghe chuyện bên này. Nghe cứ như chưa bao giờ ai nấy rời xa đất nước. Trong tâm khảm của những người con xa xứ, quê và nhà vẫn bám chặt, như “sợi dây còn níu giữ đất quê hương”.
Nhiều năm sau, tôi có dịp sang Mỹ, ghé thăm nhà người bạn thân. Trong căn nhà rộng thênh thang, má bạn, tuổi ngoài 80 ngồi trước màn hình, bên cạnh là chồng băng đĩa, bạn nói, là nhờ mấy đứa nhỏ bên nhà sao chép phim Việt trên VTV, xách qua cho ngoại coi, đỡ nhớ. Bà là người gốc Bắc, theo con sang định cư cũng cả hơn mười năm.
2. MV Tia sáng cuối cùng - cuộc phiêu lưu của tôi và rapper Wowy qua hai thể loại âm nhạc ngũ cung/cải lương và RAP, ra đời vào năm ngoái, 2023. Sau thành công ngoài mong đợi của MV Về nghe mẹ ru, một ngày chúng tôi kết nối, tôi đã “để ý” cậu bé Ròm (trong bộ phim cùng tên với nhân vật do Wowy thủ vai) và ngạc nhiên với sự “dậy thì thành công” của Wowy tại Rap Việt mùa đầu tiên.
Buổi gặp ấy có cả… bà ngoại của Wowy đi cùng. Tôi được nghe nhiều hơn về tuổi thơ, về niềm yêu thích vọng cổ “theo ngoại” của Wowy và cả những suy tư, ý niệm vô hình lẫn hữu hình ở chàng trai tài hoa và nhân ái này. Sau tất cả, chúng tôi, với khoảng cách thế hệ, tưởng chừng như là sự đối lập của hai dòng âm nhạc, hai “hệ hình” về thẩm mỹ làm nghề lẫn công chúng đã có cùng một điểm gặp, đó là “Đời là cô đơn…Trên vai bóng tối mà mình mang ơn”.
Chỉ có thể là Wowy mới thốt lên những dòng chữ đẹp và giai điệu vừa khỏe khoắn vừa tự do một cách… đơn độc như thế. Tôi tròn mắt nhìn chàng trai chào đời cách mình cả nửa thế kỷ. Chưa kịp nói thì Wowy đã “chốt đơn”, con cần cô ở chỗ này… Đó là một khúc thức ngũ cung sẽ được thả xuống, nó là tiếng lòng, là thanh âm từ muôn trùng vạn kiếp, là nơi mình sinh ra và mình trở về, trước giờ kết thúc một kiếp người. Đôi khi, người ta chỉ cần (và thèm) nghe một tiếng ru, câu ngâm, lời à ơi đổ xuống một chữ hò da diết.
Và tôi (cùng nhạc sĩ, NSND Thanh Hải) đã chọn điệu thức Oán, với một nét chấm phá để phác thảo nên bản mật ngữ của thế giới nội tâm con người. Trong tận cùng của nỗi cô đơn, ấy là vẻ đẹp thiêng liêng nhất, là niềm kiêu hãnh độc bản của con người.
Chỉ khi cô đơn, bạn mới thực sự là Con Người. Nên, không gì hơn, không thể khác, chúng tôi, chúng ta mang ơn cái cuộc đời đầy cô đơn và đẹp đẽ này. Âm nhạc cải lương đã cho tôi (và chàng trai Wowy) cả hai thứ quà tặng quý giá ấy, sự nhân văn và lòng biết ơn. “Cô mới là người cảm ơn con, cảm ơn mấy đứa con…” - tôi đã nói thế sau khi nghe bản demo đầu tiên của Tia sáng cuối cùng. Nghệ thuật, đôi khi và nhiều khi là sự khai phóng cho chính người nghệ sĩ, nó có thể chưa hẳn thuộc về đại chúng nhưng lại là sự cứu rỗi cho mỗi một bản ngã mà từ đó, sự sáng tạo khơi nguồn.
Ngày tôi chuẩn bị cho đứa con trai duy nhất của mình đi du học, tôi hỏi, con muốn mang theo cái gì. Con trả lời ngay, mẹ cho con cây đờn bầu. Con đã học đàn từ bé. Giữa những chuyến công tác, con ghé thăm, hỏi con thích gì mẹ đãi. Con bảo, mẹ cho con một cây guitar phím lỏm, cây đờn tranh, cây đờn kìm. Và anh chàng ngồi đó với cây độc huyền cầm, đờn cho mẹ ca.
Khi lập gia đình, có con, chữ tiếng Việt hiếm hoi mà con trai tôi dạy cho các con mình nói rành nhất lại là hai chữ “bà nội”. Mới đây, nhân sinh nhật tôi, cũng là mùa đoàn tụ, con dẫn vợ và các con về, cùng mẹ đưa ba ra Côn Đảo, thủy táng theo di nguyện là được hòa vào nơi ông nội của con đã nằm xuống.
Đời đi hát, đứng hàng ngàn đêm trước hàng triệu khán giả nhưng cũng như cái đêm xa xôi ấy ở giữa lòng nước Pháp, tôi lại thêm một lần rơi vào khoảnh khắc vô ngôn, vô tướng. Chỉ có cảm thức cội nguồn trỗi dậy và muốn ôm chầm lấy những yêu thương..