Lân Sư Rồng ngày Tết

Thứ Năm, 08/02/2024 11:04

|

(CATP) Lân Sư Rồng từ lâu được xem là loại hình nghệ thuật truyền thống dân gian, độc đáo được nhiều người dân ưa thích vào mỗi dịp lễ, Tết.

Đạo diễn Xuân Phước hoạt động nghệ thuật từ năm 1995, đến nay đã có 3.000 MV ca nhạc, cải lương, hơn 1.000 tập phim truyền hình, phim chiếu rạp, chiếu mạng và đạt được nhiều giải thưởng trong lĩnh vực âm nhạc, điện ảnh và truyền hình. Bên cạnh đó, niềm đam mê lân sư rồng đến với ông một cách tự nhiên vì có nhiều bạn bè làm việc ở các đoàn lân rồi mê lúc nào không hay. Nam đạo diễn đánh giá cái hay của môn nghệ thuật này là vị trí nào cũng mang lại sự thú vị riêng và tính tập thể của loại hình nghệ thuật giá trị cao này. Gần đây nhất là theo lời mời của Bộ Ngoại giao, Liên đoàn đã cử một đoàn Lân Sư Rồng do Chủ tịch liên đoàn Phạm Quang Long dẫn đầu qua Pháp giao lưu trong lễ kỷ niệm 50 năm bang giao Việt - Pháp.

Lân Sư Rồng từ lâu được xem là loại hình nghệ thuật truyền thống dân gian được nhiều người dân ưa thích vào mỗi dịp lễ, Tết. Lân Sư Rồng, hay còn được gọi là múa lân, là một trong những loại hình nghệ thuật biểu diễn có mặt ở Việt Nam từ thế kỷ thứ 10 và thường xuất hiện trong các dịp lễ lớn, như Tết Nguyên đán hay các lễ hội truyền thống khác. Nó mang lại sự may mắn và thường được biểu hiện như một phần của nghi lễ tôn giáo và văn hóa.

Vùng đất Sài Gòn - Chợ Lớn xưa được xem là cái nôi của nghệ thuật Lân - Sư - Rồng của Việt Nam. Từ khi xuất hiện, loại hình nghệ thuật này đã trải qua quá trình vận động và phát triển rất thú vị trên vùng đất phương Nam. Nó không chỉ giữ vững bản chất truyền thống mà còn trở nên đa dạng, phong phú trong cách biểu diễn. Theo quan niệm của dân gian, ba linh vật Lân - Sư - Rồng là biểu tượng của sức mạnh, tài lộc và sự suôn sẻ trong cuộc sống, đại diện cho những mong ước của sự hạnh phúc, thịnh vượng, niềm may mắn và xua đuổi điềm xấu, mang đến nhiều điềm lành trong năm mới.

Múa Lân Sư Rồng là sự kết hợp hài hòa giữa nghệ thuật võ cổ truyền, múa dân gian, múa dân tộc đi kèm với các bài quyền, pháp, thế công. Chương trình múa Lân Sư Rồng đã có nhiều tiết mục hơn, như múa cờ khai đắc thắng, múa nhang, múa võ theo nhạc, thổi lửa, nhào lộn, múa lân, múa rồng, múa song sư hí cầu, múa chồng la hán, võ thuật, nội công, múa lân dũng tiến - Mai Hoa Thung, lân leo cây - Đỉnh thượng kim ngưu. Ngoài ra, có thể phối hợp múa lân với sư, múa lân với rồng hoặc phối hợp cả ba thể loại với nhau. Ở TP.Hồ Chí Minh hiện có khoảng hơn 30 đoàn Lân - Sư - Rồng chuyên nghiệp, trong đó có một số đoàn đã nhiều lần thi đấu, biểu diễn tại các giải quốc tế và đạt được thành tích nổi bật.

Trong những ngày đầu năm, sau lễ khai quang điểm nhãn, đoàn múa lân - sư - rồng sẽ đến một ngôi đình của địa phương, nơi đoàn lân đứng chân để bái thần hoàng bổn cảnh, xin phép được xuất quân đi biểu diễn, phục vụ bà con. Đây là việc làm không thể thiếu và có ý nghĩa rất quan trọng đối với quá trình hoạt động trong một năm của đoàn lân. Sau khi hành lễ xong, đoàn lân, sư, rồng sẽ di chuyển đến các công viên, sân khấu, nhà dân…. để biểu diễn. Đoàn đi đến đâu, người dân theo đến đó, nhất là các em nhỏ vừa lạ lẫm vừa háo hức đón chào những màn biểu diễn dũng mãnh, điêu luyện, thuần thục và đầy sắc màu rực rỡ, thu hút người xem. Ngoài 3 linh vật Lân, Sư, Rồng thì ông Tài, ông Địa cũng là những nhân vật được mọi người chú ý vì điệu bộ hài hước, ngộ nghĩnh và gần gũi.

Để biểu diễn tốt thần thái của các nhân vật, linh vật mà mình đảm nhận, mỗi thành viên trong đoàn, phải khổ công rèn luyện rất lâu và bài bản. Và khi biểu diễn dù mệt nhưng họ cũng rất vui và hào hứng. Đạo diễn Xuân Phước, Trưởng ban phát triển phong trào và tổ chức lễ hội Lân Sư Rồng chia sẻ: “Ngày Tết, qua hoạt động múa lân chúng tôi muốn mang đến những điều may mắn, thay lời chúc tết bà con, chúc mọi người năm mới có tài lộc, hạnh phúc và sức khỏe. Bản thân tôi cũng cảm thấy hạnh phúc. Với người dân, việc xem và tiếp đón đoàn Lân Sư Rồng, vừa tạo sự vui tươi, hoan hỷ, hứng khởi đầu năm vừa mang ý nghĩa cầu mong những điều tốt đẹp nhất sẽ đến trong năm mới”.

Tiết lộ về cơ duyên đến với bộ môn nghệ thuật Lân Sư Rồng, đạo diễn Xuân Phước kể: “Khi làm phim có yếu tố võ thuật, cần dùng cascadeur, tôi nghĩ đến những người bạn múa lân của mình. Bởi ngoài giờ đi múa lân, họ đều tham gia các hoạt động võ thuật để rèn luyện kỹ năng. Họ đã hỗ trợ tôi rất nhiều trong công tác thể hiện những phân đoạn có yếu tố võ thuật trong phim.

Sau đó, tôi có nhiều lần đi thực tế đến các đoàn lân để tìm chất liệu và ý tưởng cho phim thì như bị cuốn vào bộ môn nghệ thuật này. Vài năm gần đây, tôi dành nhiều thời gian hơn đi gần hết các đoàn lân ở TP.HCM. Các cuộc thi Lân Sư Rồng, tôi đều có mặt với tư cách là người đi góp nhặt chất liệu và đi tìm tư liệu cho mình. Tôi âm thầm làm điều đó trong suốt hơn 10 năm”.

Năm 2021, đạo diễn Xuân Phước còn thực hiện bộ phim truyền hình dài gần 30 tập Vũ điệu đón xuân, kể chuyện đời, chuyện nghề của những người tâm huyết và gìn giữ bộ môn nghệ thuật Lân - Sư - Rồng. Khi đứng trước lời mời tham gia Liên đoàn Lân Sư Rồng Việt Nam, đạo diễn Xuân Phước cho biết ban đầu ông có chút băn khoăn vì nghĩ rằng mình là người ngoại đạo.

Dù vậy, ông mong rằng với những trải nghiệm cùng kiến thức mình có được sau thời gian dài tìm hiểu, tiếp xúc trong lĩnh vực này sẽ góp phần mang loại hình nghệ thuật này đến gần hơn với công chúng.

Vừa qua, sau một năm chuẩn bị, đại hội đầu tiên của Liên đoàn Lân Sư Rồng Việt Nam nhiệm kỳ 2023 - 2028 cũng đã được diễn ra. Đây cũng là nhiệm kỳ đầu tiên, đạo diễn Xuân Phước tham gia với vai trò ủy viên ban chấp hành.

Với vai trò làm Trưởng ban phát triển phong trào và tổ chức lễ hội, đạo diễn Xuân Phước cho biết sẽ cùng ban chấp hành bàn bạc và xem xét những thế mạnh sẵn có để tạo điều kiện hỗ trợ các đoàn ổn định phong độ, vực dậy những đoàn lân còn yếu để phong trào được phát triển đồng đều. “Tôi mong muốn tạo nên những phong trào mang tính kết nối cộng đồng để lân sư rồng có thể trở thành một loại hình đặc biệt được nhiều người yêu thích. Ngoài những hoạt động lễ hội và sự kiện trong nước, chúng tôi sẽ tuyển chọn và kết nối để các đoàn lân có thể tham dự những sân chơi lớn hơn mang tầm quốc tế. Những buổi biểu diễn tại các sự kiện quốc tế, triển lãm văn hóa, hoặc thậm chí là trong các bộ phim và chương trình truyền hình quốc tế sẽ giúp đưa hình ảnh nghệ thuật Lân Sư Rồng ra nước ngoài.

Bình luận (0)

Lên đầu trang