(CAO) Những ngày cận Tết, cộng đồng người Hoa ở khu Chợ Lớn – TPHCM tấp nập đi chợ mua những chiếc bánh truyền thống dâng cúng với mong muốn năm mới mọi việc hanh thông, làm ăn phát đạt.
Chợ Phùng Hưng (nằm ở góc đường Phùng Hưng – Nguyễn Trãi, quận 5), còn được người dân gọi với tên chợ Bà Hoa là nơi bán những chiếc bánh truyền thống của người Hoa mỗi dịp Tết.
Đến đây người mua có thể tìm thấy nhiều loại bánh đặc trưng như bánh tổ, bánh xếp, bánh trái lựu, bánh phát tài, bánh đào tiên hay bánh đường. Mỗi loại bánh đều có ý nghĩa riêng.
Dâng cúng những chiếc bánh truyền thống lên gia tiên đã tạo nên bản sắc riêng của cộng đồng người Hoa mỗi khi Tết đến xuân về.
Một gian bán bánh truyền thống của người Hoa tại chợ Phùng Hưng - quận 5 - TP.HCM
Những ngày cận Tết cộng đồng người Hoa tấp nập đến mua bánh về cúng
Bánh tổ là loại bánh đặc trưng của người Hoa làm từ bột nếp và đường. Bánh có nhiều ý nghĩa. Phát âm của bánh trong tiếng Hoa đồng âm với từ "niên cao" - mang ý nghĩa cầu mong một năm mới tốt đẹp hơn.
Người dân chọn bánh trái lựu mang đi
Bánh trái lựu có lớp ngoài được phủ mè, được nặn thành hình 4 cánh hoa trước khi đem chiên ngập trong dầu. Bên trên bánh vẽ các thông điệp ý nghĩa như phát tài được người Hoa chưng trong nhà xuyên Tết với nguyện ước thành hiện thực như chữ được vẽ trên chiếc bánh.
Một gian hàng khác sặc sỡ màu sắc của những loại bánh
Bánh đường làm từ đường ngọt được chế theo hình quả đào tiên, loại quả trong truyền thuyết được cho ăn vào sẽ trường thọ
Một loại bánh truyền thống khác của người Hoa tại chợ
Bánh đào tiên (màu đỏ ngoài cùng bên phải) được bày bán tại chợ
Những chiếc bánh phát tài làm từ bột gạo lên men. Tên bánh này diễn tả quá trình bột gạo "nở ra" khi thành hình nên bánh, cũng là cách đọc đồng âm trong tiếng Hoa với thông điệp cầu cho mọi việc hanh thông, làm ăn phát đạt
Khu chợ tấp nập vào những ngày cận Tết 
Ngoài mua bánh người dân còn dừng lại mua những câu đối chúc Tết