"Mưa xuân” được sáng tác năm 1936, khi Nguyễn Bính mới 18 tuổi, kể về tâm tình của cô thôn nữ với mối tình đầu mang đủ cung bậc cảm xúc trong một đêm hội xuân, cũng là bức tranh mùa xuân ở vùng quê Bắc Bộ những năm nửa đầu thế kỷ 20. Đó là cô thôn nữ ở miền quê làm nghề trồng dâu nuôi tằm, quanh năm dệt lụa bên mẹ già trong nếp nhà êm đềm, đầm ấm. Cô gái ấy trẻ trung, xinh tươi, hồn nhiên, lòng còn trong sáng, tinh khôi, chưa một lần yêu:
Em là con gái trong khung cửi,
Dệt lụa quanh năm với mẹ già.
Lòng trẻ còn như cây lụa trắng
Mẹ già chưa bán chợ làng xa.
Và rồi mùa xuân đến với những hạt mưa bụi bay bay, vương vấn cùng hoa xoan phơn phớt tím khắp không gian, với tiếng trống chèo giục giã lòng người:
Bữa ấy mưa xuân phơi phới bay
Hoa xoan lớp lớp rụng vơi đầy
Hội chèo làng Đặng đi ngang ngõ
Mẹ bảo: Thôn Đoài hát tối nay.
Chỉ bốn câu thơ nhẹ nhàng, hai từ láy gợi hình, gợi cảm “phơi phới”, “lớp lớp”, người thi sĩ tài hoa đã phác họa toàn bộ vẻ đẹp đặc trưng của mùa xuân nơi miền quê Bắc Bộ. Bởi mưa xuân là thứ thời tiết rất đặc trưng xứ Bắc, chỉ là những hạt mưa bụi li ti, vì quá nhỏ mà không đủ rơi xuống đất, chỉ lất phất trong không gian cho vạn vật đâm chồi, nảy lộc. Hoa xoan cũng là loại hoa với 5 cánh nhỏ, tim tím rất đặc trưng của các tỉnh đồng bằng Bắc Bộ, không quá hương sắc nhưng từng chùm, từng chùm như những quầng pháo hoa nở rộ trong tiết xuân, rụng rơi, vương vấn khắp đất trời.
Cũng bởi đặc điểm thời tiết này mà “Tháng giêng là tháng ăn chơi”, “Tháng giêng ngày rộng tháng dài”, hầu như làng nào cũng mở hội hát chèo - loại hình nghệ thuật dân gian bắt nguồn từ xứ Bắc. Hội làng chính là nơi gặp gỡ, giao lưu, sinh hoạt văn hóa, tinh thần của người dân. Và cũng từ đây, nhiều mối tình của các chàng trai, cô gái bắt đầu nảy nở:
Lòng thấy giăng tơ một mối tình
Em ngừng thoi lại giữa tay xinh
Hình như hai má em bừng đỏ
Có lẽ là em nghĩ đến anh.
Tình yêu đã bắt đầu vương vấn trong lòng cô gái trẻ, nhưng vẫn sâu kín đến mức khiến cô chỉ mới nghĩ tới thôi đã thẹn thùng. Rồi tình yêu nhanh chóng lớn dần với bao hồi hộp, rạo rực, hăm hở:
Bốn bên hàng xóm đã lên đèn
Em ngửa bàn tay trước mái hiên
Mưa thấm bàn tay từng chấm lạnh
Thế nào anh ấy chẳng sang xem
Em xin phép mẹ vội vàng đi
Mẹ bảo: xem về kể mẹ nghe
Mưa nhỏ nên em không ướt áo
Thôn Đoài cách có một thôi đê.
Tình yêu có một sức mạnh thật kỳ diệu. Từ một cô gái quê e ấp, ngượng ngùng, luôn được cha mẹ bảo bọc mà trở nên mạnh mẽ và cương quyết.
Trong đêm tối, cô gái ấy một mình băng qua dải đê, một mình đi xem hội mùa xuân, chỉ mong gặp được người yêu. Thế nhưng, hy vọng bao nhiêu lại tủi thân, hụt hẫng bấy nhiêu vì chàng trai không đến như lời hẹn ước, để mình cô ôm nỗi tương tư:
Thôn Đoài vào đám hát thâu đêm
Em mải tìm anh chả thiết xem
Chắc hẳn đêm nay đường cửi lạnh
Thoi ngà nằm nhớ ngón tay em
Chờ mãi anh sang anh chả sang
Thế mà hôm nọ hát bên làng
Năm tao bảy tuyết anh hò hẹn
Để cả mùa xuân cũng bẽ bàng.
Cái tài tình của nhà thơ Nguyễn Bính là ở chỗ, cùng một làn mưa ấy, đoạn đê ấy mà chỉ vì “người buồn, cảnh có vui đâu bao giờ” (Nguyễn Du) nên:
Mình em lầm lụi trên đường về,
Có ngắn gì đâu một dải đê!
Áo mỏng che đầu, mưa nặng hạt
Lạnh lùng em tủi với đêm khuya.
Vì thất vọng, buồn tủi nên “một thôi đê” - cách nói dân dã diễn tả độ dài của đoạn đường đê bằng sức đi của một người. Và mưa xuân khi nhỏ thì chỉ làm ẩm không gian, nhưng dầm lâu dưới mưa, hay mưa nặng hạt hơn cũng sẽ khiến ướt áo, thấm hơn cái lạnh trong đêm khuya của tiết trời vừa mới qua mùa đông.
Em giận hờn anh cho đến sáng,
Hôm sau mẹ hỏi hát trò gì
“- Thưa u họ hát...” Rồi em thấy
Nước mắt tràn ra, em ngoảnh đi.
Cũng vì giận hờn, oán trách, buồn tủi nên những bông hoa xoan đẹp đẽ, nên thơ, giăng mắc khắp trên cành cây, ngọn cỏ bỗng chốc trở thành cảnh tượng thật tàn tạ, xấu xí, vướng cả lối đi. Không có anh, mùa xuân như đã tàn phai, đã kết thúc:
Bữa ấy mưa xuân đã ngại bay,
Hoa xoan đã nát dưới chân giày
Hội chèo làng Đặng về ngang ngõ
Mẹ bảo mùa xuân đã cạn ngày.
Vậy nhưng, lòng cô vẫn không thôi hy vọng một ngày nào đó, cô lại được gặp anh và tình yêu đơn phương của cô được đáp lại.
Anh ạ! Mùa xuân đã cạn ngày!
Bao giờ em mới gặp anh đây?
Bao giờ Hội Đặng đi ngang ngõ
Để mẹ em rằng hát tối nay?
Ngày xuân, đọc bài thơ nhẹ nhàng, dìu dịu như những làn mưa bụi của Nguyễn Bính, ta như được thả hồn mình về với một miền quê yên vui thanh bình, với những cảnh sắc tươi đẹp, rộn rã hội hè và một tình yêu đầu trong sáng, nhẹ nhàng, man mác.
Gần 100 năm đã trôi qua, “Mưa xuân” vẫn như một cơn rung động lất phất rơi xuống lòng ta. Có thể, tâm hồn đã chai sạn ngày hôm nay không còn đủ run rẩy, tương tư như thời mới lớn, nhưng cơn mưa ấy vẫn gợi thương gợi nhớ, vẫn gợi biết bao những kỷ niệm trở về, làm tươi tắn, phập phồng lại biết bao cung bậc tưởng chừng đã mất từ lâu.