Một mùa xuân nho nhỏ

Thứ Sáu, 09/02/2024 19:25  | Minh Thư

|

(CATP) Niên vụ 2023 “là năm cà phê được giá”, nhiều người dân trồng cà phê của miền cao nguyên nói như vậy. Giá cao, trừ phần chi trong năm qua, họ còn lại kha khá tiền để mua phân, tưới nước cho niên vụ kế tiếp và đón mùa xuân mới với niềm vui rạng rỡ.

1. Tròn năm trước, những hạt cà phê đầu vụ, dù tươi hay khô vẫn nằm ở mức giá 40.000 đồng/kg (quy chuẩn giá cà phê nhân khô). Mức giá đó, theo nhiều lão nông đã tồn tại “lâu lắc”, chắc cũng gần vài chục năm. Ông Khánh (IaBlang, Chư Sê, Gia Lai) cho biết: “20 năm trước, người dân ở Gia Lai cứ cắm đầu vào cây tiêu nên diện tích cây cà phê chẳng còn bao nhiêu. Vậy mà giá vẫn cứ lòng vòng ở mức 35.000 - 40.000đ/kg, thậm chí có lúc đầu vụ, giá còn thấp hơn nữa, chỉ ở mức 32.000 đồng/kg”. Mức giá đó đủ sức cho cây cà phê “trổ bông một cách hà tiện” vì nông dân đang “đắm đuối với vàng đen” có giá hấp dẫn “cứ 10 ký tiêu đen sắm được 1 chỉ vàng”!

Nhà nhà trồng tiêu. Không chỉ có nông dân trồng tiêu, cán bộ trồng tiêu còn dữ hơn. Dân phố thị Pleiku, thậm chí từ Quy Nhơn (Bình Định), Đà Nẵng, có cả dân từ Hà Nội nghe lời bà con tìm đến Chư Sê, Chư Puh, Chư Prông, Đức Cơ… mua đất trồng tiêu. Ít, cũng cả ngàn trụ. Còn “thường thường bậc trung”, từ vài ngàn cho đến chục ngàn trụ! Rừng bị phá lấy trụ trồng tiêu. Kiểm lâm làm gắt, chuyển sang trồng keo lấy trụ, đổ xi-măng thành trụ. Đâu đâu cũng thấy trụ tiêu chĩa thẳng lên trời xanh.

Nhắc lại chuyện cây tiêu một chút để thấy cây cà phê, từng là biểu tượng của cả miền cao nguyên Trung phần bước vào đời sống văn nghệ của cố nhạc sĩ Y Moan, Nguyễn Cường… đã từng bị rẻ rúng như thế nào. Khi giá tiêu vượt qua ngưỡng 100.000 đồng/kg (2005) lên tới 210.000 đồng/kg (2017), nhiều vườn cà phê “trốc gốc”, nhường chỗ cho cây tiêu “xanh mướt” trong vòng vài chục năm.

Nụ cười đã nở trên gương mặt nhà nông khi cà phê được giá

Nhiều vườn cà phê xơ xác lá vì chẳng còn mấy ai mặn mà thêm phân, tỉa cành, tưới tắm như hồi trước. Tháng Chạp, mùa cà phê trổ bông vậy mà chỉ còn vài vườn lốm đốm sắc trắng của những bông cà phê nở sớm. Chẳng mấy ai để tâm đến mùi hương nồng nàn và quyến rũ của bông cà phê trong cái lạnh có lúc đến 7 - 8oC. Sẵn tưới tiêu, tạt ngang tưới vài tiếng, chỉ vừa đủ thấm đất, cầm cự cho qua 6 tháng mùa khô. Chờ những hạt mưa của trời lúc sớm, lúc trễ.

Nhưng những vườn cà phê hàng “lão” vẫn lặng lẽ cho bông, cho trái bỏ mặc đằng sau thói “có trăng quên đèn” của con người. Nhưng thị trường vẫn lạnh lùng khi giá cà phê Việt vẫn nằm im ở mức giá 32.000 - 40.000 đồng/kg hàng chục năm trời. Nhiều khu vườn cà phê chín đỏ cành nhưng vẫn không tìm ra công hái mà chẳng thấy kẻ trộm nào mò đến. Có mùa, ai rảnh, cứ báo với chủ vườn, hái cà phê ăn chia theo tỷ lệ 50 - 50! Chuyện chưa từng có ở miền cao nguyên này. Người trồng cà phê tiếc nuối hồi giá tăng rần rần suốt 5 năm, từ 1993 - 1998 đã thay đổi cuộc đời của nhiều gia đình khi con cái được học hành, sắm sửa đồ đạc, xây nhà xây cửa…

2. Khoảng 6 năm trước, người dân vùng cao nguyên hoang mang khi bỗng dưng những vườn tiêu hôm qua xanh ngắt một màu, vậy mà chỉ vài tháng sau, thậm chí là 3 - 4 tuần, lá tự nhiên chuyển sang màu vàng, rồi “tuột cành” (cành chết khô)! Mời các chuyên gia cả nước về bắt bệnh. Đến ở vài tuần, các thầy phán xong rồi về, để lại nhiều nguyên nhân kèm theo những toa thuốc.

Chính quyền nói nông dân làm theo nhưng tiêu vẫn bệnh ngày càng nặng hơn. Thời của tiêu ở miền cao nguyên đã chấm dứt. Có thể nói vậy vào những ngày cuối năm này. Nhiều chủ vườn phá tiêu trồng cây ăn trái, cây có múi: sầu riêng, chanh dây, mít, chuối… nhiều nhất vẫn là sầu riêng. Không ít hộ quay lại với cây cà phê: phục hồi những vườn cà phê già, trồng xen trong vườn trái cây và trồng mới từ những vườn tiêu giờ chỉ còn trơ cọc.

Giá cà phê của nhiều năm nay vẫn vậy. Nhưng không thể bỏ cây cà phê vì nhiều lẽ: không lo dịch bệnh, chăm sóc đơn giản, ít bị ăn trộm... Ông Tri, một lão nông ở xã IaPia (Chư Prông, Gia Lai) chỉ vào khu vườn rộng 1,3 héc-ta rồi nói: “Vườn của tui có đủ loại: cà phê, tiêu, sầu riêng, mít, chuối… Nhưng 500 gốc cà phê với giá 40.000 đồng/ kg, đủ cho tui có tiền chăm sóc cả vườn và sống an nhàn tuổi già. Năm ngoái, trừ công chăm sóc còn dư được 30 triệu đồng. Vậy là đủ sống”. Nói về vụ mùa cà phê năm ngoái, bà Loan (IaBlang, Chư Sê, Gia Lai) tỏ vẻ tiếc nuối: “Chậm thêm vài tháng nữa, tui có thêm ít nhất là 50 triệu đồng với diện tích 1 héc- ta nhưng trồng thưa 900 gốc (chuẩn là 1.100 gốc - PV). Thu được 3 tấn cà phê nhân khô, bán giữa mùa, giá 40.000 đồng/kg, trừ chi phí tưới nước, chăm sóc… kiếm được 60 triệu đồng. Ai ngờ cuối vụ giá lên 60.000đ/kg. Tiếc ơi là tiếc”. Nhưng nhiều chủ vườn vào hồi đầu năm nay, còn bán cà phê với giá sững sờ: 72.000 - 75.000 đồng/kg! Nhiều nông dân tiếc hùi hụi.

Năm ngoái, nhiều vùng cà phê lớn như Brasil, Indonesia… mất mùa; Việt Nam sụt giảm 30% diện tích nên giảm sản lượng, trong khi đó nhu cầu tăng cao sau năm đại dịch toàn cầu nên hụt hàng. Vì lỡ ký hợp đồng với khách nên nhà xuất khẩu phải “bấm bụng” nâng giá mới đủ hàng xuất đi. Giá tăng là vậy.

3. Niên vụ cà phê 2023 vừa thu hoạch xong. Giá ngay từ đầu vụ là 12.500 - 13.000 đồng/kg cà phê tươi. Cứ đem cà phê về tới nhà, lập tức có thương lái tới chở đi. Chủ vườn nào có sân rộng, phơi khô, bán được 59.000 - 60.000 đồng/kg nhân với những công đoạn tốn nhiều sức lực: phơi khô rồi sạc lấy nhân. Coi như lấy công làm lời.

Giá cà phê đầu vụ như vậy, theo phân tích của ông Nguyễn Đình Hoan- chuyên gia thị trường cà phê đang làm việc cho một công ty Thụy Sĩ (có văn phòng tại Q.3, TPHCM) thì “đầu vụ giá cà phê ở mức 55.000 - 60.000 đồng/kg là do những hợp đồng nợ hàng còn lại, cộng với tỷ giá USD tăng. Bên cạnh đó, với dự báo sản lượng cà phê Việt Nam niên vụ 2023 chỉ còn 1,6 triệu tấn, giảm chừng 400.000 tấn do “xâm hại” của cây sầu riêng trong 3 - 4 năm qua, đã làm giá cà phê năm nay cao hơn năm trước từ 10 - 20%”.

Ông Hoan bình luận: “Để cà phê có được mức giá như vậy, người trồng cà phê hãy nói lời cảm ơn những người trồng sầu riêng. Hiện người trồng “sầu” đi xe hơi, người trồng cà phê đi xe 2 bánh, tất nhiên không phải là xe đạp”.

Theo lời vị chuyên gia này, trong chuyến khảo sát thị trường cà phê miền cao nguyên vừa rồi, ở Đắk Nông, Đắk Lắk và Gia Lai, diện tích đất trồng sầu riêng đã chiếm 40 - 50% diện tích cà phê và tiêu trước đây. Hay nói cách khác, người dân chuyển diện tích cà phê và tiêu sang trồng sầu riêng (có cả xen canh). Riêng vùng Kon Tum, cà phê và sầu riêng cứ “tuần tự mà tăng” vì quỹ đất trống còn lớn.

Diện tích giảm, sản lượng giảm trong khi nhu cầu của thế giới về thứ nước “đăng đắng” cao, giá ắt sẽ cao hơn. Với mức giá dao động từ 50.000 - 60.000 đồng/kg nhân, nụ cười của nông dân tỏa sáng. Sầu riêng vừa rồi giá cao quá xá. Giờ đến lượt giá cà phê làm nhiều chủ vườn gật gù.

Đã nhìn thấy những nụ cười trên gương mặt người trồng cà phê và những dịch vụ cho cây cà phê như bán phân, dụng cụ làm vườn… ngay từ những ngày đầu hái cà phê niên vụ này. Ông Vinh, chủ một cửa hàng bán phân bón ở Chư Sê cười tươi: “Với mức giá cà phê như hiện nay, cuối năm cửa hàng sẽ thu đủ nợ. Giá năm ngoái mà thu nợ còn đủ, nói gì đến giá như hiện nay”.

Xuân này ấm áp, nhiều chủ vườn cà phê nói như vậy. Quán xá sẽ đông đúc, chợ, trung tâm thương mại sẽ vui hơn, hứa hẹn Tết Giáp Thìn là tết ấm êm với Nụ cười đã nở trên gương mặt nhà nông khi cà phê được giá người dân miền cao nguyên…

Bình luận (0)

Lên đầu trang