(CATP) TPHCM đang thực hiện dự án xây dựng hai tuyến đường chạy dọc bờ sông Sài Gòn, từ trung tâm thành phố (TP) đến huyện Củ Chi. Hiện dự án đang khởi động những bước đi ban đầu, với ý tưởng thiết kế cải tạo, chỉnh trang, sử dụng tạm không gian bờ Đông sông Sài Gòn (đoạn từ cầu Ba Son đến nóc hầm Thủ Thiêm, TP.Thủ Đức)…
Những thủ đô, TP lớn trên thế giới thường gắn với những con sông lớn, như: London (Anh) với sông Thames, Paris (Pháp) với sông Seine, Bangkok (Thái Lan) với sông Chao Phraya… và tất cả đều đã được quy hoạch, xây dựng, trở thành những địa danh du lịch nổi tiếng, góp phần rất lớn về phát triển kinh tế cho các TP này.
Sông Sài Gòn lợi thế hơn nhiều so với những con sông trên, nhưng cho đến nay, tiềm năng của nó vẫn chưa khai thác bao nhiêu, chủ yếu cho vận tải bằng đường thủy, còn các lợi ích lớn khác vẫn nằm ở dạng tiềm năng. Bắt đầu từ mùa xuân con rồng này, bạn sẽ thấy có sự thay đổi, từ bờ sông Sài Gòn phía Thủ Thiêm, để bờ sông thuộc về tất cả người dân và mọi người đều có quyền tiếp cận các không gian công cộng ven sông.
Tập đoàn Tuần Châu từ năm 2017 đã đề xuất với UBND TPHCM về tuyến đại lộ ven sông Sài Gòn dài khoảng 64km nối từ cầu Bến Súc (Củ Chi) dọc theo sông Sài Gòn đến điểm cuối là ngã ba Tôn Đức Thắng - Hàm Nghi (quận 1), đi qua các quận huyện Củ Chi, Hóc Môn, 12, Bình Thạnh. Thường trực UBND TPHCM lúc ấy đã chấp thuận chủ trương và đơn vị này đã tiến hành khảo sát, thuê đơn vị thiết kế dự án. Rất tiếc, cuối cùng dự án này đã “tắt” từ năm 2020.
Hiện TPHCM đang muốn khởi động lại dự án. Sở Tài nguyên - Môi trường TP đang thực hiện cắm mốc chỉ giới hành lang bảo vệ sông suối, kênh rạch, hồ công cộng 59 tuyến, với tổng chiều dài khoảng 553,2km.
Theo kế hoạch, từ năm 2025 - 2045, TPHCM sẽ triển khai các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng xanh tích hợp với hoạt động du lịch và kinh tế, dịch vụ giải trí, hoàn chỉnh pháp lý về quy hoạch tại khu vực dọc sông… Lãnh đạo TPHCM cũng đã mời các chuyên gia, nhà khoa học, kiến trúc sư giàu kinh nghiệm để tìm cách phát huy hết giá trị của sông Sài Gòn.
Sông Sài Gòn vỗ về Thành phố suốt hơn 300 năm
Ngày 18/4/2023, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải (GT-VT) TPHCM Trần Quang Lâm đã dẫn đoàn chuyên gia, doanh nghiệp Pháp lên tàu của Saigon Waterbus tham quan, khảo sát sông Sài Gòn. Trong đoàn chuyên gia Pháp, có bà Helene Peskine, Tổng thư ký thường trực cơ quan liên bộ của Pháp Plan Urbanisme Construction Architecture (PUCA), cơ quan liên bộ lớn của Pháp chịu trách nhiệm thúc đẩy đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực xây dựng và nhiều chuyên gia thuộc các lĩnh vực dự án bền vững đô thị, ngân hàng đầu tư công... Ngoài ra còn có lãnh đạo của 8 tập đoàn lớn trên các lĩnh vực quy hoạch, kiến trúc, môi trường, khí hậu, công nghệ, ngân hàng, quỹ đầu tư đến từ Pháp, Mỹ và Thụy Sĩ.
Nhân chuyến thăm Pháp, sáng 25/6/2023, Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên cùng đoàn công tác cấp cao của TP đã khảo sát thực địa để học tập kinh nghiệm quy hoạch bờ sông Seine. Tất cả cho thấy TPHCM rất quyết tâm khai thác tiềm năng sông Sài Gòn về du lịch, giao thông và cảnh quan. Sau 48 năm giải phóng và thống nhất đất nước, diện mạo và tiềm năng của sông Sài Gòn vẫn chưa thay đổi lớn. Đặc biệt, về quy hoạch hai bên bờ sông vẫn nằm trên giấy là một lãng phí lớn.
Trước mắt, để tạo cảnh quan cho đô thị Sài Gòn, sáng 09/11/2023, công nhân đã tiến hành phát quang, san lấp mặt bằng bờ sông Sài Gòn phía Thủ Thiêm (TP.Thủ Đức) để ươm lên những cánh đồng hoa hướng dương, tô điểm cho bờ sông trong dịp Tết Dương lịch, Tết con rồng. TP.Thủ Đức đã đề xuất cải tạo khu vực từ cầu Ông Cậy đến cầu Ba Son từ nguồn xã hội hóa. Nơi đây sẽ hình thành sân chơi mới cho người dân trong thời gian chờ dự án đầu tư xây dựng công viên dọc bờ sông và quảng trường trung tâm theo quy hoạch và thực hiện kế hoạch lớn cải tạo, xây dựng đại lộ ven sông Sài Gòn.
Khi hình thành, cánh đồng hoa hướng dương có view đẹp khi nhìn ra các hướng sông Sài Gòn, công viên bến Bạch Đằng, cầu Ba Son và ngược lại. Ngoài ra còn có hạng mục chuỗi bè nổi thủy sinh kéo dài từ gần cầu Ba Son đến giáp đường hầm Thủ Thiêm. Bên trên được trồng cỏ thủy sinh hoặc trang trí hoa kiểng, mỗi module dự kiến sẽ gắn một đèn LED năng lượng mặt trời, chiếu sáng về đêm.
Quốc hội đã có Nghị quyết 98 tạo điều kiện cho TPHCM khơi thông nguồn lực, tạo đà phát triển, khai thác tối đa tiềm năng, thế mạnh, đặc biệt được áp dụng thí điểm mô hình phát triển đô thị theo định hướng phát triển giao thông bằng nhiều hình thức, sẽ là chìa khóa để đầu tư tuyến đại lộ ước mơ dọc theo sông Sài Gòn.
Trước mắt có thể là từng đoạn tuyến, như làm các tuyến từ Nhà Bè - quận 1 - TP.Thủ Đức (khoảng 80km). Chỉ với đoạn tuyến này, nếu thành hiện thực, áp lực giao thông của TP sẽ được giải tỏa rất lớn, không gian sinh cảnh, văn hóa, kinh tế dịch vụ ven sông phát triển gần như ngay lập tức.
TPHCM cũng đang tăng tốc các dự án hạ tầng lớn như dự án cải tạo rạch Xuyên Tâm (dự kiến khởi công tháng 8/2024); các dự án xây dựng hạ tầng, cải tạo kênh Tham Lương - Bến Cát - rạch Nước Lên, đường Vành đai 3 (đã khởi công), cùng các dự án giao thông ở các cửa ngõ vào TPHCM cũng đang được khởi động.
TPHCM trong tương lai gần sẽ có một diện mạo khác hẳn. Tết này, chúng ta có thể ngắm “Hòn ngọc Viễn Đông” lung linh về đêm...