(CATP) Trên rẫy, trên nương chỉ còn trơ lại những thân rạ vàng óng. Lúa đã tuốt xong, lúa đầy kho, đầy chòi… Đêm đêm tiếng chiêng, tiếng khèn nhộn nhịp âm vang náo nức trong các buôn, làng, các ơ-lây của núi rừng Tây Nguyên. Những ngọn lửa rực hồng thâu đêm suốt sáng trên các nhà rông, nhà dài. Con trai, con gái say trong tiếng nhạc, say trong men rượu thơm nồng, chuyện trò, múa hát không dứt…
Núi rừng Tây Nguyên bước vào mùa hội, mùa Tết… Chiêng ơi Trống hỡi Hãy vang lên đến chín từng mây biếc Hãy rền xa đến chân trời xanh Cho ông trăng xuống nhanh cùng dân làng uống rượu Cho nàng biên tới cùng tề tựu ăn trâu… (Dân ca Xê Đăng) Hội mùa Tây Nguyên bắt đầu từ sau mùa gặt hái xong. Đây là thời gian vui chơi, nghỉ ngơi lại sức sau những ngày tháng lao động cực nhọc, vừa vui mừng với thắng lợi mùa qua, vừa cầu mong cho vụ tới thêm bội thu. Hơn ba mươi dân tộc đang sinh sống khắp dãy núi rừng Tây Nguyên, mỗi dân tộc bước vào hội mùa với phong thái, tục lệ, tập quán riêng biệt vừa vui tươi phấn khởi, vừa đậm đà màu sắc dân tộc. Có những dân tộc bước vào hội mùa cũng là ngày Tết đầu năm mới, dân tộc khác bắt đầu mùa hội bằng những lễ cúng “giàng” (thần), lễ đâm trâu, lễ bỏ mả… Nào, mời bạn hãy đến vui cùng hội mùa Tây Nguyên, hãy đến với mùa xuân Tây Nguyên, với núi rừng trở biếc, những chồi non nhánh mới, với những rừng hoa pơ-lang tím ngát…
Đây vùng Nam Tây Nguyên nơi sinh sống của người Kơ-ho, người Mạ, người Ching, người Chu-ru cần cù dũng cảm, đang tưng bừng rộn rã bước vào hội mùa. Người Mạ, người Kơ-ho gọi hội mùa là Tết Lia-bong, tức Tết mừng lúa mới. Hội mùa của các dân tộc này diễn ra theo từng nhà và quanh các chòi đầy ắp lúa bắp vừa mới thu hoạch. Lễ cúng thần bắt đầu vào lúc hoàng hôn, khi mặt trời đã ngả về bên kia những rặng núi xanh lơ. Mọi người trong “bon” lũ lượt kéo về tụ tập nơi nhà chủ đã hẹn trước. Một vò rượu ngon được mang đến bên cạnh chòi lúa, chủ nhà trịnh trọng mở nắp và cắm cần rượu. Trong khi đó, những người đàn ông khỏe mạnh, nhanh nhẹn, xúm vào làm thịt heo và xả ra thành nhiều mảnh, lòng heo được đựng vào một chậu to để cạnh vò rượu để cúng thần. Người chủ nhà mời thầy pháp đến đọc lời cầu nguyện. Thầy pháp ngửa cổ lên trời lâm râm xin sự phù hộ của thần linh cho sức khỏe, sự yên ổn trong “bon”, và xin cho vụ mùa tới được tốt lành. Đợi cầu nguyện xong, chủ nhà bưng vò rượu uống trước một ngụm. Nghi lễ cúng thần bên vựa lúa vừa dứt, ngọn lửa hồng ngoài sân bùng lên, mở đầu đêm vui. Mọi người vừa ăn uống, vừa nghe chiêng chống rồi dần dần đứng lên múa hát say sưa quanh ngọn lửa. Cứ thế, cuộc vui kéo dài đến tảng sáng, và chiều hôm sau mọi người lại kéo đến nhà khác trong “bon” tiếp tục ăn Tết. Hội mùa kéo dài liên miên cả tháng cho đến hết các nhà.
Lễ mừng lúa mới cảm tạ thần linh, cầu cho năm mới sung túc.
Rời vùng đất của người Mạ, người Kơ-ho, người Ching... ở phía Nam Tây Nguyên, ngược ra phía Đắk Lắk, Tây Phú Khánh... Đây là vùng các dân tộc Ê-đê, Gia-rai, Rắc-lây… sống thành từng làng, buôn pơ-lây dọc theo các triền núi tài nguyên trù phú. Hội mùa ở đây thường bắt đầu vào tháng giêng, hai âm lịch. Người Ê-đê tổ chức hội mùa rất linh đình và mở đầu bằng lễ bỏ mả. Từ sau lễ bỏ mả, những người chết sẽ thôi không còn được cúng giỗ.
Ngày hội được tổ chức nơi nghĩa địa của từng buôn. Các thầy cúng đứng ra cúng kiếng người chết, cầu nguyện thần linh phù hộ cho công việc và sức khỏe của dân trong buôn. Trâu và bò được ngã ra làm thịt ngay tại chỗ, và mọi người vừa vui chơi, múa hát, vừa uống rượu ăn thịt. Cuộc vui kéo dài suốt ngày, suốt đêm trong tiếng chiêng, tiếng trống, tiếng hát đối đáp âm vang cả một vùng rừng núi… Nhưng có lẽ, đặc sắc và thú vị hơn là hội mùa của người Xê Đăng, Ba Na, họ sống khắp miền trong các tỉnh Đắk Lắk, Gia Lai - Kon Tum, Tây Quảng Nam - Đà Nẵng... Người Xê Đăng gọi ngày Tết này là Ting - Kapô - Tết ăn trâu. Vào lễ Ting - Kapô trong khắp pơ-lây thật náo nức tưng bừng. Công việc quan trọng đầu tiên của cả pơ-lây là cử người lên rừng chọn cây chọn gỗ để làm cột “Kang” (một cây trụ cúng thần của người Xê Đăng). Cây “Kang” được đẽo gọt, chạm vẽ rất công phu với nhiều hình vẽ, màu sắc rực rỡ, tạo thành nhiều tầng, có nhiều tượng gỗ trang trí hình súc vật, chim, cá… Con trâu được chọn để cúng thần - người Xê Đăng gọi là cúng “giàng”, phải là trâu đực to khỏe, màu đen. Trâu được buộc vào cột “Kang” bằng sợi dây “pra” bện bằng mây rất khéo léo. Hai sừng trâu cắm hai ống lồ ô chuốt hoa, đuôi trâu cũng được kết thêm các giải chỉ màu để mỗi khi trâu vẫy đuôi cho thêm đẹp.
Nhiều nam nữ thanh niên áo váy sặc sỡ, tươi thắm của ngày hội nắm tay múa hát chung quanh con trâu, chung quanh cột cúng “giàng”. Những nhạc công đệm các loại nhạc cụ dân tộc như chiêng, trống, khèn, đàn t’rưng... tạo nên một không khí hội hè, giục giã. Ông Pô Xiêm (người chủ lễ) giọng trầm hùng cất lời ca.
Hỡi dân làng Ta hãy hội làng làm lễ ăn trâu Nào những chàng trai Ta lên rừng chặt cây Nào những người con gái Ta lên núi bứt dây Cả làng góp sức chung tay Hãy dựng cây “Kang” thật đẹp… Những người đâm trâu xuất hiện vào lúc lời ca chấm dứt và bằng một nhát lao tuyệt vời vào đúng tim trâu, con vật khụy xuống, máu tuôn thành vòi. Đầu trâu được chặt ra đưa lên trụ cúng “giàng”… Buổi trưa, mọi người cùng chung nhau đến tụ tập ở nhà rông uống rượu, ăn thịt.
Thịt trâu được chia đều cho mọi người, kể cả khách khứa và để phần những ai chưa kịp về. Cuộc vui kéo dài đến đêm, lửa đốt sáng trên nhà rông, trên sân bãi chung quanh. Rượu, thịt lại được các nhà tiếp tục mang đến ăn chung, đãi khách. Những người có tuổi ngà ngà say, ngồi nhìn ngọn lửa hồng nói chuyện với nhau. Trong lòng cha mẹ, các em bé đã ngủ vùi. Dưới sân nhà rông, trai gái vỗ chiêng, vỗ trống hát múa, số khác từng cặp, từng đôi ngồi riêng tâm tình, trao gửi… Đêm hồng lên trong ánh lửa, trong niềm hân hoan bất tận… Hội mùa Tây Nguyên là một phong tục, tập quán lâu đời và đậm đà màu sắc dân tộc của đồng bào ít người ở vùng rừng núi nước ta. Sau những ngày vui tưng bừng náo nức ấy, những người dân Tây Nguyên cần cù dũng cảm lại bước vào một mùa sản xuất mới với nhiều hứa hẹn tốt đẹp, nhiều hy vọng phấn khởi… Hội mùa Tây Nguyên là một sinh hoạt văn hóa tinh thần, mang nhiều yếu tố lành mạnh, độc đáo, với những nội dung nghệ thuật phong phú đa dạng, chứng tỏ một sức mạnh lớn lao của nền văn hóa các dân tộc ở nước ta. Đó là một kho tàng văn học nghệ thuật vô cùng quý giá, nhiều tiềm năng. Khai thác những tiềm năng văn hóa dân tộc truyền thống này là một điều hết sức cần thiết, chắc chắn sẽ làm giàu hơn cho việc xây dựng một nền văn hóa mới, một nền nghệ thuật âm nhạc, sân khấu, vũ điệu, hội họa… hiện đại của nước ta.
PGS.TS Phan An - Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam