Rồng trong văn hóa Việt

Thứ Sáu, 09/02/2024 22:31

|

(CATP) TRONG nền văn hóa Phương Đông, rồng là con vật trong tứ linh: Long, Lân, Quy, Phụng. Theo quan niệm từ xưa nếu thuần hóa được Long thì các loài có vảy quy phục, nếu thuần hóa được Phụng thì các loài chim chóc quy phục, nếu thuần hóa được Lân thì các loài muông thú quy phục, còn nếu thuần hóa được Quy thì lòng người quy phục. Đứng đầu tứ linh là Rồng còn gọi là Long.

Theo người Trung Quốc, hình ảnh của Rồng đã xuất hiện từ 8.000 năm trước. Rồng được hình thành từ thân hình của rắn, vảy của cá, sừng của hươu, bờm sư tử, mũi lân, biết bay cao dù không có cánh.

Ở phương Đông, Rồng ảnh hưởng đến văn hóa của Trung Quốc, Nhật Bản, Triều Tiên và Việt Nam.

Riêng Việt Nam, từ xưa hình ảnh Rồng gần gũi, thân quen đối với người Việt. Rồng trở thành biểu tượng tâm linh, văn hóa của Việt Nam. Người Việt theo truyền thuyết là con của Rồng và mẹ là Tiên. Cho nên chúng ta tự hào là con Rồng cháu Tiên. Lấy truyền thuyết Tiên Rồng làm biểu tượng của dân tộc là niềm tự hào về sự dũng mãnh, linh thiêng và hào khí kết tinh từ Rồng dưới nước và Tiên ở trên trời. Đó là sự kết hợp giữa trời và đất.

Tuy ảnh hưởng đầu tiên từ con Rồng Trung Hoa, nhưng mỗi nước, mỗi thời kỳ hình ảnh Rồng được thay đổi. Rồng Trung Quốc thường được biểu hiện bằng thân dày, có vảy màu, mạnh mẽ, hung dữ biểu lộ uy quyền, không mang cánh.

Ban đầu, rồng Trung Hoa có hình dáng sơ sài, kết hợp giữa rắn và một số động vật có trong đời sống. Từ lúc mới hình thành Rồng Trung Hoa có quan hệ với nước như từ nước bay lên, phun nước... Qua các di chỉ khảo cổ tìm thấy từ trước đến nay đã cho thấy hình tượng Rồng có nhiều thay đổi theo từng vùng miền và thời gian. Rồng Trung Quốc có nhiều vảy và nhiều họa tiết chuộng màu đỏ và vàng, tượng trưng cho sự may mắn và giàu có.

 Hình tượng rồng thời nhà Lý

Rồng Việt Nam có dáng linh hoạt, thanh mảnh, đôi cánh lớn và thân dẹp. Đồng thời có màu sắc sặc sỡ hơn với nhiều chi tiết sống động. Rồng Việt Nam mang phong cách mỹ thuật khác qua nét hiền, vui với cái mũi to hơn, lông nhiều hơn, bờm phong phú hơn thay vì nhiều sừng như Rồng Trung Hoa. Trong khi Nhật, Triều hay Trung Rồng thường giữ ngọc bằng chân trước thì Rồng Việt luôn ngậm châu ở miệng. Viên châu là biểu tượng của tri thức, nhân văn. Đầu Rồng Việt ngậm quả châu ngọc thể hiện tinh thần gìn giữ các giá trị cao quý đó. Rồng Việt cũng thường có đầu vuông, mõm ngắn tuy rất thần thái, đạo mạo nhưng cũng không thiếu tính chất lạc quan, không mang tính dọa nạt, hung dữ như Rồng của các nước.

Rồng là vật tổ của người Việt, là biểu tượng linh thiêng. Là vật linh trong tín ngưỡng văn hóa dân gian. Rồng được sáng tạo thành hình tượng nghệ thuật và có mặt trong các thời kỳ nghệ thuật truyền thống của các vương triều tự chủ.

Không như người Trung Hoa hình dung Rồng từ hình dạng con rắn. Người Việt sinh sống vùng sông nước, là cái nôi của văn minh lúa nước nên tôn sùng và gần gũi với cá sấu. Cá sấu với người Việt là sức mạnh. Và đã thần thánh hóa con cá sấu thành con Giao Long. Người Việt đã tô điểm hình hài cá sấu, cách điệu nó lên thành Rồng Việt. Con rồng này tồn tại cùng tâm thức của người Việt trong suốt thời Văn Lang - Âu Lạc.

Ở nước ta ngày xưa, hình ảnh của Rồng gắn với quyền uy của bậc đế vương. Từ ấn tín cho tới hoàng bào, đồ ngự dụng của vua đều có bóng dáng của Rồng. Đó là sự khẳng định uy quyền, biểu tượng của sự mạnh mẽ và uy dũng trước kẻ thù. Rồng dành cho vua thường có 5 móng. Tuy vậy, vì là con vật đứng đầu trong tứ linh nên Rồng cũng xuất hiện trong không gian tín ngưỡng của người Việt.

Ta có thấy hình ảnh của Rồng xuất hiện nhiều ở chùa, lăng, miếu... Rồng ở những nơi này thường ở tư thế nằm chầu, quấn cột, uốn lượn trên mái đình, nóc chùa, đền thờ. Rồng ở đây chỉ có 4 hoặc 3 móng. Đó là thể hiện sự chở che, sẵn sàng phục vụ và bảo vệ. Tất cả tư thế nằm chầu đều hướng đầu ra phía ngoài và đặc biệt Rồng không bao giờ được thờ cúng trong các đền, chùa như những vật khác trong tứ linh.

Từ thời Hùng Vương, Rồng đã xuất hiện trên trống đồng với thân dài, vảy như cá sấu. Rồng cũng thấy trên những di chỉ khảo cổ bằng đồng từ ngàn xưa trên đất Việt. Người Việt thời kỳ đó có tục xăm mình để trấn áp các loài vật khác khi ở dưới nước. Xăm mình cũng là một hình thức tâm linh. Con vật thường được xăm là hình Giao Long, một nguồn gốc của con Rồng. Đến đời vua Trần Anh Tông, tục xăm mình mới chấm dứt.

Rồng Việt định hình rõ nét vào thời nhà Lý. Năm Canh Tuất 1010, vua Lý Thái Tổ đã quyết định dời đô từ Hoa Lư (Ninh Bình) về Thành Đại La (tức Thăng Long), vùng đất Rồng bay. Rồng thời Lý có thân dài như rắn, lưng cong có vây. Thế mềm mại, thuôn dần về phía đuôi. Rồng có 4 chân, mỗi chân có 3 móng, đường nét uốn khúc, nhẹ nhàng, bố cục hoàn chỉnh, phong cách đơn giản. Đâu rồng ngẩng cao, mắt Rồng to tròn và hơi lồi, trên lông mày kết xoắn, và trán kết xoắn, miệng há rộng với hai răng ngậm ngọc. Mũi phát ra lửa. Bờm dài bay ngược như cờ đuôi nheo. Không có sừng trông như rắn, đây là điều khác biệt so với các con rồng khác của các triều đại sau? Trên trán rồng có hoa văn giống chữ “S”, tượng trưng cho sấm sét và mưa.

Rồng thời Lý là rồng văn học và rồng Phật giáo. (Theo Mỹ thuật đời Lý). Qua đến nhà Trần, Rồng Việt có nhiều thay đổi. Nước Việt vừa ba lần đánh bại quân Nguyên, Mông. Rồng thời Trần mạnh mẽ, đầu có thêm sừng, thân cứng cáp, tròn trịa, nhỏ dần phía đuôi và uốn lượn. Hình dáng Rồng uy nghi mang ý nghĩa mới của vương triều. Nổi rõ phong cách với những hình khối, đường nét mập khỏe, tinh lọc giản dị, vững chãi mà không nặng nề, không tĩnh của cốt cách truyền thống, cũng nằm trong bối cảnh khí thế Đông A thượng võ thời Trần. Đuôi rồng có nhiều hình dạng, lúc thì thẳng và nhọn, lúc thì hình xoắn ốc. Các vảy cũng rất đa dạng, có khi là những nụ hoa hình bán nguyệt, có khi chỉ là những đường cong duyên dáng. (Theo Mỹ thuật thời Trần). Hình dáng Rồng thời Trần đa dạng, nên trong cùng một thời gian, những chi tiết hình Rồng đã có những khác nhau. Có Rồng chạm ba móng, lại có Rồng bốn móng.

Đến thời Lê, Rồng khác hẳn thời Lý, Trần. Thân ngắn, đầu to, không còn mào lửa, mũi to hơn như mũi lân, chân có năm móng sắc, nhìn dữ hơn, đe dọa hơn Rồng trước. Rồng lúc này là biểu tượng của quyền lực phong kiến đã định hình.

Đến triều Nguyễn, Rồng trở lại uy nghiêm với nhiều tư thế, thường ẩn trong mây. Thân rồng vừa vặn, không dài, không ngắn uốn lượn mềm mại. Đầu to, mắt to, mũi sư tử, sừng như sừng hươu, miệng há rộng lộ răng nanh. Vây trên lưng có tia, thân quấn hoa văn lửa hoặc mây.

Bộ râu rồng uốn cong dưới mắt và nhô ra đối xứng hai bên. Hình tượng rồng dùng cho vua chúa có năm móng khỏe mạnh, trong khi quan lại và quý tộc chỉ được phép sử dụng rồng bốn hoặc ba móng, đuôi không có lông bờm. Rồng trên nóc các đền, miếu thường chỉ có 4 móng.

Trải qua nhiều triều đại, Rồng Việt có nhiều thay đổi nhưng tựu trung vẫn mang nét điển hình của Việt Nam. Qua nhiều biến thiên của lịch sử, hình tượng con Rồng vẫn mang dáng hùng dũng nhưng mềm mại, hiền lành nhưng không thể khuất phục. Rồng vẫn tồn tại trong văn hóa và tín ngưỡng của Việt Nam. Rồng được khắc họa trong nhiều kiến trúc, đền, chùa, miếu mạo thể hiện hình ảnh Rồng đã khắc sâu vào tâm tưởng của người Việt.

Nhà Lý đã đặt tên thành Thăng Long, tên như dáng rồng bay lên. Con Rồng Việt Nam hy vọng sẽ mãi bay lên như ước vọng của tổ tiên.

BÀN VUI THÊM:

Trong chế độ phong kiến, nhà vua là thiên tử, được xem như Rồng. Do đó, cái gì của vua cũng có chữ Long gắn vào. Ví dụ: Dung mạo vua gọi là “Long nhan”, thân thể vua gọi là “Long thể”. Mắt vua “Long nhãn”, râu vua “Long tu”, áo vua mặc được định danh “Long bào”, giường vua nằm là “Long sàng”, chỗ vua ngồi gọi là “Long ngai”, ghế vua ngồi thì gọi là “Long ỷ”, xe vua đi gọi là “Long liễn”, “Long xa”, kiệu vua là “Long đình”, gậy của vua là “Long trượng”. Vua đăng cơ gọi là “Long phi”, vua cất bước gọi là “Long hành hổ bộ”, vua chẳng may băng hà gọi là “Long ngự tân thiên”, cái bụng bầu do vua tạo ra cho hoàng hậu hay các phi tần thì gọi là “Long thai”, “Long chủng”. Khi vua cởi áo khoác ngoài thì thái giám hô “Khai long bào!”, cởi áo trong thì thái giám hô “Thoát long khố!”.

Bình luận (0)

Lên đầu trang