Kỳ thú tiếng Việt: Điểm nhìn trong nói năng

Chủ Nhật, 11/02/2024 08:05

|

(CATP) Người Việt rất trọng điểm nhìn trong nói năng và với lăng kính nhận thức nghiệm thân - lấy mình làm trung tâm, chúng ta thấy được rất nhiều hiện tượng ngữ nghĩa tiếng Việt thú vị.

1. KHI NÓI: CON MẮT “NHẮC” CÁI MIỆNG

Ví dụ: Có một người đến và ngồi đợi trong phòng khách. Nhỏ em chạy lên lầu nói “(a) (Chị Hai!) Anh ấy đang đợi dưới phòng khách”. Nếu chạy xuống bếp thì cô em nói “(b) (Chị Hai!) Anh ấy đang đợi trên phòng khách”. Còn như đứa em đi vào buồng báo tin thì phải nói “(c) (Chị Hai!) Anh ấy đang đợi ngoài phòng khách”.

Nếu chị đang làm ngoài vườn thì nhỏ em gọi (d) (Chị Hai!) Anh ấy đang đợi trong phòng khách”. Không biết người chị đang ở đâu thì cô em gọi “(e) (Chị Hai!) Anh ấy đang đợi ở [/tại] phòng khách”. Người nước ngoài học tiếng Việt sẽ thấy rắc rối quá, cứ “He is waiting in the living room” có phải đơn giản hơn không! Người Việt lại thấy “có rắc rối gì đâu, tất nhiên phải nói vậy thôi”. Cái “tất nhiên” này là bẩm sinh (native). Ai sinh ra và sống trong môi trường nói tiếng Việt cũng sẽ nói như vậy.

Các cụ già vừa têm chầu vừa nói chuyện vui vẻ

Chuyện này liên quan đến điểm nhìn (view point) khi nói năng. Tiếng Anh, tiếng Pháp nhấn mạnh tới quan hệ trực tiếp giữa hai đối tượng, ở đây là quan hệ vị trí người đợi với căn phòng người đó ngồi, giới từ in đảm nhận việc này. Vậy là cả 5 câu trên đều được dịch như nhau: He is waiting in the living room. Còn người Việt khi nói năng lại chú ý điểm nhìn: người nói nhận thức mình đang ở đâu, đối tượng đang ở đâu? Tùy điểm nhìn, một không gian có thể được nhìn nhận theo những quan hệ khác nhau. Ví dụ: Phòng khách thường ở ngay tầng trệt (tầng một) trong ngôi nhà, nên xếp theo quan hệ bao chứa (rộng - hẹp), thì ở ngoài so với cái buồng, nhưng là ở trong so với sân, vườn, ngõ, đường. Còn như xếp theo quan hệ cao - thấp, thì nó ở trên so với gian bếp nhưng ở dưới các tầng lầu. Khi thấy đối tượng ở vị trí thấp hơn thì dùng từ dưới (câu a), cao hơn thì dùng từ trên (câu b), rộng hơn thì dùng từ ngoài (câu c), hẹp hơn thì dùng từ trong (câu d). Còn câu (e), là lối nói “không có  điểm nhìn”, lúc này giống tiếng Anh, chỉ nêu quan hệ vị trí người đợi với căn phòng người đó ngồi. Ấy thế nên người Việt nói các câu trên đây rất tự nhiên. Cái từ trên tiếng Việt ứng với ít nhất 4 kiểu quan hệ “trên” trong tiếng Anh. Trên trời: in the sky; trên cây: on the tree; Chúng ta đang bay trên mây: We were flying over the clouds; Cờ bay phấp phới trên đầu chúng ta: The flags waved above our heads.

Lại nữa, có một người bước vào phòng tay lỉnh kỉnh túi nặng, nếu muốn khuyến cáo đừng xách túi nữa, người Anh nói “Put your bag on the table”. Vậy là người Anh chỉ chú ý tới kiểu quan hệ vị trí giữa cái túi và mặt bàn. Trong khi đó, người Việt lại “đọc” được ngay 2 tình huống chuyển động của cái túi khi khách đặt nó lên bàn ứng với 2 cách nói “Hãy đặt túi xách lên bàn”. [Khách thấp còn mặt bàn khá cao] và “Hãy đặt túi xách xuống bàn”. [Khách cao còn mặt bàn khá thấp].

Nếu trước mắt bạn có nhiều đối tượng thì lại phải hỏi thêm quan hệ vị trí giữa những đối tượng này thế nào? Lúc đó, tùy tình huống mà nói, chẳng hạn “Tôi thấy một cây bút trên mặt đường”. [Bạn chú ý tới quan hệ vị trí giữa cây bút và mặt đường], hoặc “Tôi thấy một cây bút dưới mặt đường”. [Bạn chú ý tới quan hệ vị trí cao thấp giữa mắt bạn và cây bút].

Bạn có thể áp dụng luật này để giải thích những câu “phi logic” như: “Lom khom dưới núi tiều vài chú” (thơ Bà huyện Thanh Quan); đèn treo trên trần; bằng khen treo trên tường; thuyền chạy dưới sông... Tương tự, khi chú ý tới quan hệ vị trí giữa bạn, bọn trẻ và cái sân, sẽ dễ dàng giải thích được cùng hiện tượng bọn trẻ đang chơi đùa trong phạm vi cái sân, nhưng có 5 cách nói khác nhau: (a) Bọn trẻ đang chơi trong sân./(b) Bọn trẻ đang chơi ngoài sân.//(c) Bọn trẻ đang chơi dưới sân. (d) Bọn trẻ đang chơi trên sân. (e) Bọn trẻ đang chơi ở/tại sân. Trong bài hát Trường chinh ca có đoạn “Trong mưa gió, ta ra đi/Trong đêm tối, rừng mịt mù…”. Người chiến sĩ hát “trong mưa gió” vì họ lấy chính mình làm trung tâm đang đi trong vùng mưa gió. Nhưng với điểm nhìn của người quan sát khi ở ngoài vùng sương gió thì sẽ hát “Ai đi ngoài sương gió” [tiếng hát Lệ Thu].

Những từ trên, dưới, trong, ngoài, trước, sau liên quan đến những quan hệ không gian. Kích thước của các vật thể cũng ảnh hưởng tới cách dùng những từ này. Điều này cần được bàn thảo chi tiết, chúng ta tạm không nói ở đây.

2. KHÔNG GIAN TÂM TRÍ CỦA NGƯỜI VIỆT: KHI ĐIỂM NHÌN CHUYỂN ĐỘNG

Đi và về là những trạng thái trái ngược nhau về hướng chuyển động: Con người ai cũng có “một cõi đi về” (Trịnh Công Sơn); “Hôm qua em đi tỉnh về  (Nguyễn Bính); rồi Tản Đà hỏi: “Non cao đã biết hay chưa/Nước đi ra bể lại mưa về nguồn” (Thề non nước). Ấy thế mà lại tạo ra những câu đồng nghĩa. “Ông cháu mới đi tháng trước” và “Ông cháu mới về tháng trước” đều có nghĩa là “Ông cháu mới mất tháng trước”.

Cả nhà cùng rôm rả những câu chúc mừng khi lì xì đầu năm mới

Ấy vậy nhưng cùng kiểu cửa hàng cà phê mang đi (take away) chứ không uống tại chỗ, tiếng Việt có hai cách nói: cà phê mang đi và cà phê mang về. Theo điểm nhìn mang từ cửa hàng về nhà của khách hàng thì nói “mang về”, còn mang từ cửa hàng đi, mang đi đâu tùy ý, thì nói “mang đi”, không nhất thiết mang tới nơi ở của người mua. Cách nói sau quan tâm tới lợi ích người tiêu dùng (nhà hàng không tò mò muốn biết bạn mang đi đâu). Chúng ta thường xuyên chuyển đổi điểm nhìn khi nói năng. Ví dụ: Trong câu “Thứ năm tuần sau vào giờ này chúng ta lại gặp nhau nhé!”, thì cái “giờ này” không còn ở thời hiện tại lúc nói nữa. Chúng ta đã kéo nó đến thời điểm nhìn vào một ngày trong tương lai là thứ năm tuần sau.

Chúng ta gặp nhiều kiểu chuyển điểm nhìn khi nói năng. Đó là chuyển không gian tâm trí (mental space). “Trên trời mây trắng như bông/Ở dưới cánh đồng bông trắng như mây” (ca dao). Đầu tiên ta đứng dưới mặt đất nhìn lên trời cao, vậy thì mây trắng trên trời cao.

Tiếp đến, lại hình dung mình đang ở trên trời cao mà nhìn xuống, hẳn là thành “ở dưới cánh đồng...”. Lại có những câu đứng riêng rẽ thì sai nhưng đặt trong ngữ cảnh khi người viết chuyển đổi điểm nhìn thì lại đúng. Ví dụ: “Bà nổi tiếng là một người đàn ông nghiêm nghị” (PNVN, số 30, 1984). Chắc có bạn sẽ thắc mắc “Bà mà lại là... một người đàn ông...!”. Nhưng có đọc cả bài mới thấy cái lý của câu này. Đây là đoạn viết về bà De James, người Anh, sinh thời đóng giả trai và trở thành đại tướng quân y.

Mãi tới năm 1865, khi vị tướng này mất người ta mới biết ông lại là một tướng bà. Kể chuyện về một phụ nữ nên đã viết “Bà nổi tiếng là…”, nhưng rồi nhà báo chuyển theo không gian tâm trí điểm nhìn của người đương thời khi phát hiện giới tính nữ vị tướng quân này, cho nên thành (Bà nổi tiếng là một) “người đàn ông nghiêm nghị”. Vậy câu trên chấp nhận được.

Tiếng Việt có những đặc thù về điểm nhìn. Người nói lấy mình làm trung tâm trong giao tiếp để xác định các mối quan hệ không gian và xã hội. Từ vị trí không gian và vị thế xã hội của mình mà hình thành các kiểu quan hệ giữa người nói và các đối tượng cũng như giữa các đối tượng với nhau. So sánh hai câu (1) “Anh ấy nghỉ ở nhà” và (2) “Anh ấy nghỉ ở trong nhà”. Chúng khác nhau khá xa. “Ở nhà” chỉ không gian khái quát của ngôi nhà: ở ngoài hiên, ở ngoài vườn, ở cầu ao câu cá... đều là ở nhà. Còn người nói câu (2) phải là không ở trong ngôi nhà.

Điểm nhìn có thể tạo ra những quan hệ không gian cho các đối tượng không có định hướng trước - sau. Chiếc bàn ăn tròn hay vuông, chiếc ghế đẩu không có lưng tựa, và những vật nhỏ là những đối tượng không có định hướng trước - sau. Trước câu hỏi “Chiếc Ipad ở đâu hả mẹ?”, chúng ta có thể nghe thấy câu trả lời: “Chiếc Ipad để trên chiếc ghế sau bàn ấy”. Câu trả lời này cũng phản ánh mối quan hệ vị trí giữa bàn, ghế và điểm nhìn của đứa con: từ trên chỉ mối quan hệ trên - dưới giữa chiếc Ipad và chiếc ghế, còn từ sau cho biết đó là chiếc ghế ở sau bàn theo điểm nhìn của đứa con mà người mẹ chuyển vào khi trả lời điện thoại.

3. KHÔNG GIAN CHUYỂN THÀNH THỜI ĐIỂM NHÌN

Các từ chỉ không gian có thể chuyển thành từ chỉ thời gian. Đại từ đây, đó, này và các tổ hợp từ trước đây, trước đó, sau này, sau đây, sau đó có thể chuyển thành thời điểm nhìn.

Từ đây chỉ ngay chỗ mình đứng chuyển thành ngay lúc mình nói. Vậy nên trước đây chỉ thời gian trong quá khứ, còn sau đây, sau này chỉ thời gian trong tương lai, như “Sau này lớn lên con sẽ hiểu”. Đó là những phân đoạn thời gian quy ước. Nhưng người nói luôn luôn có thể sử dụng thời điểm nhìn để chuyển những phân đoạn thời gian quy ước thành những phân đoạn thời gian theo điểm nhìn.

Câu “Trước đây tôi cứ đơn giản nghĩ rằng sau này tình hình sẽ tốt đẹp hơn, nhưng thực tế không phải vậy” được nói tức thời lúc này. Nhưng thời điểm nhìn khi nói câu trên được đặt trong phạm vi quá khứ trước đây. Lúc nói tôi nghĩ trong tương lai “sau này”. Từ nhưng báo hiệu sự tình được nói sau đó đã xảy ra. Thế là từ sau này lại chuyển thành trỏ một thời điểm trong quá khứ. Cái “thực tế không phải vậy” đã xảy ra.

Từ rồi đặt sau một sự tình sẽ trỏ sự tình đó đã xảy ra: Anh ấy đi rồi. Nhưng nếu đặt vào thời điểm nhìn ở tương lai thì sự tình vẫn chưa xảy ra: Anh hãy ở lại chơi với anh Ba một ngày nữa. Mai anh ấy đi rồi. Lại xét hai câu (a) Trước đó, tôi luôn luôn nghĩ mình đúng. Và (b) Sau đó, tôi chỉ im lặng. Người nói đã chuyển thời điểm nhìn về trước hoặc ngay sau thời điểm “đó” trong quá khứ. Các sự tình liên quan đã xảy ra.

Tóm lại, người Việt rất trọng điểm nhìn trong nói năng và với lăng kính nhận thức nghiệm thân - lấy mình làm trung tâm, chúng ta thấy được rất nhiều hiện tượng ngữ nghĩa tiếng Việt thú vị.

Bình luận (0)

Lên đầu trang