CUNG ĐƯỜNG VẢY RỒNG
“Trong rừng đêm, anh em không sợ cọp, chả sợ rắn rết, địch cũng không sợ, nhưng sợ nhất là sự yên lặng, nỗi cô quạnh, cách biệt với loài người. Có lúc còn mong nghe tiếng máy bay hoặc có một quầng pháo sáng trên bầu trời, hay một loạt súng, miễn sao có dấu hiệu về sự sống của loài người” - cựu chiến binh Nguyễn Hữu Thức kể lại. Ông Thức sinh năm 1951, quê ở phường Hữu Nghị (TP.Hòa Bình, tỉnh Hòa Bình), năm 20 tuổi đã đi theo hướng Đông Trường Sơn vào tận khu vực tỉnh Bình Phước (năm 1971). Ông thuộc biên chế đơn vị đặc công B2, khu vực Campuchia và chiến trường Tây Nam Bộ.
Chàng trai trẻ càng đi sâu vào rừng già, đặt chân tới những vách đá ngàn năm con người chưa từng in dấu. Những nhánh rẽ trên con đường Đông Trường Sơn liên tục thay đổi. Nếu bị trực thăng oanh tạc tuyến đường này thì quân ta lập tức mở hướng mới. Đặc biệt, anh em xuyên rừng luôn được đồng bào giúp đỡ.
Trong số nhiều nhân chứng mà chúng tôi từng gặp, ông Thức là nhân vật rất am tường những cung đường trên dãy Trường Sơn. Con đường đi qua các tỉnh Thừa Thiên - Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Kon Tum… rừng đầy thú dữ và âm thanh của đại ngàn mênh mông. Cái tối tăm của rừng được ông Thức hồi tưởng: “Nó kinh khủng, tối như hũ nút và màn đêm giống như đặc quánh tới mức chạm tay vào được. Rừng già có một sức mạnh vô hình nào đó”.
Những con đường mòn trên đỉnh núi Giăng Màn thuộc dãy Trường Sơn đoạn qua Quảng Bình
Ông Nguyễn Tấn Đồng sinh năm 1944, quê ở TP.Đà Nẵng, nhắc đến chuyến đi vào giữa năm 1961 xuất phát từ rừng núi Quảng Nam, đi men theo tuyến Đông Trường Sơn sang Tây Trường Sơn và ra tới chốt giao liên cuối cùng ở sông Bến Hải, đặt chân qua bờ Bắc vĩ tuyến 17 trong hơn 30 ngày ròng rã. Sau nhiều năm điều trị vết thương, vào mùa khô năm 1970 ông Đồng có chuyến công tác xuyên rừng trở lại Miền Trung. Thời đó, tuyến Tây Trường Sơn đã hình thành rất nhiều nhánh đường đi trên đất của nước bạn Lào. Cây khộp, dầu rái thưa thớt nên ôtô cứ đi xuyên rừng, đổ về nhiều ngả.
Thời điểm dãy Trường Sơn còn bạt ngàn những loại cây to đã mấy trăm năm, rừng trở thành một chiến lũy khiến kẻ địch không thể nào tiến vào được. Cụ Hồ Văn Lớp (dân tộc Pa Kô) sống trên các trục đường nằm ở độ cao 800 mét so với mực nước biển, thuộc địa phận huyện A Lưới (Thừa Thiên - Huế) cho biết, sau năm 1965, lính Mỹ chiếm mấy đỉnh núi cao và đặt súng đại bác, nhưng vì rừng quá dày nên bộ đội vẫn đi lại bình thường ngay dưới chân núi, thiết lập trạm giao liên để dẫn quân giải phóng đi đúng hướng.
RỪNG THIÊNG
Tại bản Ka Tăng (thị trấn Lao Bảo, huyện Hướng Hóa, Quảng Trị), chàng thanh niên Hồ Thanh Bình (sinh năm 1935, dân tộc Pa Kô) là người xẻ dọc hai tuyến đường Đông Trường Sơn và Tây Trường Sơn từ năm 1959. Ông Bình nhắc lại vào ngày 19/5/1959, Bộ Chính trị và Trung ương quyết định thành lập Đoàn 559. Năm đó mới 24 tuổi, anh Bình đã cầm rựa tham gia mở đường ở tuyến Đông Trường Sơn. Dù sinh ra ở rừng, tối treo võng lưng chừng cây ngủ để tránh cọp, gấu, rắn, nhưng hơn 60 năm sau người đàn ông dân tộc Pa Kô vẫn nhớ những khoảnh khắc rùng rợn ở rừng sâu. Giữa đêm khuya, rừng có tiếng rì rào kỳ lạ, tiếng hoẵng, tiếng cọp gầm, tiếng côn trùng kêu lít chít. Tai của anh Bình ù đặc. Có lúc anh phải tự hét lên thật to: “Đừng có dọa… Tại sao lại dọa bộ đội? Không nghe là tôi bắn đó nghen!”.
Sau tiếng hét, anh kéo quy lát khẩu súng Carbine phát ra tiếng “soạt”… Ông Bình đã trở thành già làng của bản Ka Tăng. Già làng đúc kết rằng chỉ có những người dân bản địa, những người lính giải phóng mới có thể tồn tại trong những cánh rừng bí hiểm. Còn kẻ thù tiến vô rừng thì khó mà sống sót để quay trở ra, nếu đánh nhau với quân giải phóng thì không bao giờ thắng được vì đồng bào miền núi, những người sống ở đây chỉ ủng hộ cách mạng. Có những toán biệt kích của địch vào rừng dù nghe phía xa xa có tiếng xe cơ giới, biết có một tuyến đường mòn Hồ Chí Minh đi qua nhánh đó, nhưng việc tiếp cận không hề dễ dàng vì không quen đường, rất dễ bị đồng bào phát hiện, báo cho lực lượng an ninh vũ trang bảo vệ tuyến đường này bao vây, tiêu diệt.
Bà Căn Nhật từng tải đạn ở nhánh Tây Trường Sơn, sau năm 1975 đã định cư tại bản La Lay A Sói của Lào
Mùa đông năm 2012, trên mỏm đồi cao ở thôn A Rớt (xã A Nông, huyện Tây Giang, Quảng Nam), có người lính trẻ tên A Bling Plong (dân tộc Cơ Tu) đang quét dọn một ngôi nhà rất nhỏ nằm dưới lùm cây. Ngôi nhà nằm đơn độc giữa rừng bạt ngàn, sương giá tỏa ra lạnh toát khiến chúng tôi phải dừng lại. Thì ra đây là ngôi đền thờ liệt sĩ được lập sau ngày giải phóng, khi người dân phát hiện ra nhiều hài cốt với tăng, võng và súng AK.
Khu vực nhánh Đông Trường Sơn có vô số tuyến đường, nhánh rẽ; có nhánh khép lại và rừng phủ lấp, mọi thứ bị lãng quên vì đoàn quân phải tiếp tục trải dài về phía trước. Khu vực này có một mỏm núi chắn ngang, dọc sống núi là đường mòn tuyến Đông Trường Sơn. Sau gần 40 năm trôi qua, con đường vẫn còn nguyên hình dạng, nằm giữa hai bên vách núi thoai thoải dẫn vào những ngọn núi xanh rì, trập trùng trong mây trắng.
Ông A Lăng Mời (sinh năm 1937) là nhân chứng trực tiếp tham gia hoạt động tại con đường này hồi tưởng lại nhiều kỷ niệm. Ông kể trước năm 1975, trực thăng của Mỹ loại L 19 thường vo ve trên đầu để trinh sát, sau đó là HU-1A, từ Mốc 678 đến xã A Tép là trọng điểm vây ráp của các loại trực thăng… Chúng tôi đi khắp núi rừng ở các tỉnh, nhiều cuộc phỏng vấn thực hiện cách đây hơn 10 năm, nghe các cụ già khẳng định chỉ có quân giải phóng mới có thể trụ được trên những cánh rừng mênh mông. Còn tại các bản làng, nơi nào cũng có sẵn mũi tên tẩm lá cây độc, bẫy chông, bẫy đá, nếu đối phương tiến vào thì sẽ phải đối mặt với cuộc chiến tranh du kích từ chính những người dân bản địa.
Trên những nhánh đường mòn Hồ Chí Minh giờ đây trở thành các buôn làng, đời sống của bà con từng ngày phát triển
LƯNG NGƯỜI PHI THƯỜNG
Từ TP.Đà Nẵng đi theo Quốc lộ 14G hướng về dãy núi Tà Xiên, nửa cung đường là trung tâm huyện miền núi Tây Giang (Quảng Nam). Thủ phủ của người dân tộc Cơ Tu đầy ánh sáng, được tô điểm bằng những cây hoa đào bén duyên với xứ lạnh. Huyện Tây Giang tạo ra điểm nhấn rất khác biệt, đó là trưng bày chiếc ôtô của quân giải phóng nằm cạnh chiếc trực thăng Mỹ. Chiếc ôtô ZIL 131 của Liên Xô (cũ) - loại xe thường xuất hiện trong phim ảnh tư liệu về cuộc chiến tranh Việt Nam. Còn chiếc trực thăng HU-1A số 68-25834 là loại không vận thường bám đuổi theo xe chở vũ khí, thường được báo chí nước ngoài nhắc đến trước đây với địa danh oanh tạc nhiều nhất là đèo Mụ Giạ (Mu Gia pass), khu vực Mốc 789 đến xã A Tép bằng cái tên “Operation Rolling Thunder” (“chiến dịch Sấm Rền”), xuất phát từ sân bay trên đất Thái Lan. Bom đạn rải khắp rừng để chặn những tuyến đường xuyên rừng, nhưng sau đó là hình ảnh máy bay Mỹ rơi xuất hiện trên khắp báo chí thế giới, với hơn 3.243 máy bay Mỹ bị bắn rơi.
Tôi tìm đến xã Ch’Ơm (huyện Tây Giang) nằm ở độ cao 1.750 mét, dưới chân núi Tà Xiên. Hai cựu chiến binh Ta Ngol Vá (sinh năm 1939) và người em trai là Ta Ngol Vân (sinh năm 1941) tự hào kể về việc năm 2005, lực lượng vũ trang và nhân dân địa phương này đã được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân. Anh em ông Ta Ngol Vá kể lại những khả năng phi thường và những câu chuyện nghe “nổi cả da gà”.
Anh em ông Ta Ngol Vá và Ta Ngol Vân từng gùi cả trăm ký đạn hỏa tiễn DKB trên lưng
Năm 1966, cứ vào buổi chiều, các cán bộ A Lăng On, A Lăng Điệp, Zơ Râm Tuốc hú gọi, cả làng lập tức tập trung lại để nhận nhiệm vụ. A Lăng On nói: “Người Vân Kiều ở Quảng Trị, người Mày ở Quảng Bình cũng ngày đêm vác đạn cho Cụ Hồ, nên người Cơ Tu cũng phải tiếp tục tham gia”. Lúc ông On nói thì ông Điệp đổ hạt ngô (bắp) ra bàn và đếm từng hạt, còn ông Tuốc thì cầm sợi dây rừng liên tục gấp - gút - cắt rời… rồi đặt xuống bàn. Cả ba ông cán bộ to nhất xã không ai biết chữ, vì vậy nội dung, số liệu, trọng lượng đạn được ông Điệp và ông Tuốc ghi chép bằng hạt ngô và sợi dây thắt nút, sau đó giao cho từng tổ, từng người.
Đoàn có từ 50 - 60 người bắt đầu vào rừng để tải đạn trên lưng. Thỉnh thoảng có người nhắc khẽ về việc coi chừng “pàn đà”, tức cọp rừng. Sức mạnh huyền bí của rừng khiến người Cơ Tu dưới chân núi Tà Xiên và cả người Cơ Tu phía Lào đều thêu dệt về cọp rừng đầy màu sắc huyền hoặc. Theo đó, cọp có hai loại, một loại cọp rừng và một loại là… người biến hóa thành cọp (!). Ta Ngol Vá và Ta Ngol Vân đều có tấm lưng được ví như xe tải, dù mỗi người nặng chỉ gần 50 ký, nhưng khi xếp đạn DKB lên lưng thì cả hai ông cứ nói: “Thêm nữa vào!”. Vậy rồi mỗi người cõng một lúc gần cả trăm ký. Vác vật thể nặng gấp đôi cơ thể, anh em ông Ta Ngol Vá bước đi trên con đường dốc dựng đứng, cứ đi khoảng một cây số thì nghỉ chân một lần.
Bà Căn Nhật (người dân bản La Lay A Sói, huyện Sa Muội, tỉnh Salavan, Lào) cùng rất nhiều người dân trong bản hiện nay vẫn treo ảnh Bác Hồ và nhiều loại giấy tờ chứng minh mình từng là người Việt Nam. Bà kể về những năm tháng đi tải đạn, làm giao liên, binh trạm ở trên tuyến đường nhánh Tây Trường Sơn.
Những người như bà đều khẳng định, giữa những năm tháng chiến tranh, quân giải phóng phải dựa vào rừng núi mênh mông, thứ hai là dựa vào đồng bào dân tộc sống dọc dãy Trường Sơn, có lòng dân thì mới có được sự che chở, dẫn đường cho tới ngày chiến thắng.