Trong phiên làm việc chiều 28/11, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết Thí điểm một số chính sách đặc thù về đầu tư xây dựng công trình đường bộ với tỷ lệ tán thành 93,93%.
Tại Nghị quyết được thông qua, Quốc hội cho phép tỷ lệ vốn nhà nước tham gia dự án đầu tư theo phương thức đối tác công tư được vượt quá 50% tổng mức đầu tư đối với 02 dự án, là Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường bộ ven biển tỉnh Thái Bình (không quá 80%) và Dự án đầu tư xây dựng tuyến cao tốc Đồng Đăng (tỉnh Lạng Sơn) - Trà Lĩnh (tỉnh Cao Bằng) theo hình thức đối tác công tư, giai đoạn 1 (không quá 70%).
Phiên làm việc của Quốc hội chiều 28/11
Việc xem xét, quyết định cơ quan chủ quản đầu tư dự án đường bộ được Quốc giao cho Thủ tướng Chính phủ.
Quốc hội cũng yêu cầu Thủ tướng chịu trách nhiệm trong việc giao UBND cấp tỉnh được làm cơ quan chủ quản, được sử dụng ngân sách địa phương và vốn hợp pháp khác đầu tư dự án đường quốc lộ, đường cao tốc đối với 07 dự án, gồm: Dự án nâng cấp, mở rộng đường QL14 đoạn Đồng Xoài - Chơn Thành; Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường bộ cao tốc Hòa Bình - Mộc Châu, đoạn qua tỉnh Sơn La; Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường bộ cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng, đoạn qua tỉnh Ninh Bình; Dự án nâng cấp mở rộng tuyến nối Cần Thơ - Hậu Giang (Quốc lộ 61C); Dự án phát triển mạng lưới giao thông vùng Đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu - Dự án 1: (Nâng cấp, mở rộng QL61C, đoạn qua địa phận thành phố Cần Thơ và Đường kết nối quận Ô Môn, huyện Thới Lai, thành phố Cần Thơ với huyện Giồng Riềng, tỉnh Kiên Giang, đoạn qua địa phận thành phố Cần Thơ); Dự án nâng cấp, mở rộng đường Quốc lộ 26B, tỉnh Khánh Hòa; Dự án đường cao tốc TP.Hồ Chí Minh - Thủ Dầu Một - Chơn Thành đoạn qua địa bàn tỉnh Bình Phước.
Trong 7 dự án trên hiện mới có dự án nâng cấp, mở rộng đường QL14 đoạn Đồng Xoài - Chơn Thành đủ thủ tục đầu tư. 06 dự án còn lại chưa đủ thủ tục đầu tư, Quốc hội yêu cầu UBND cấp tỉnh được giao làm cơ quan chủ quản chịu trách nhiệm hoàn thiện thủ tục đầu tư trong thời gian Nghị quyết này có hiệu lực.
Vẫn theo yêu cầu của Quốc hội, Thủ tướng xem xét, quyết định và chịu trách nhiệm trong việc giao một UBND cấp tỉnh được làm cơ quan chủ quản, được sử dụng ngân sách địa phương này hỗ trợ địa phương khác thực hiện hoạt động đầu tư công của dự án qua các địa phương đối với 14 dự án. Trong số này có 05 dự án chưa đủ thủ tục đầu tư, UBND cấp tỉnh được giao làm cơ quan chủ quản chịu trách nhiệm hoàn thiện thủ tục đầu tư trong thời gian Nghị quyết này có hiệu lực.
Chính quyền cấp tỉnh cũng được giao làm cơ quan chủ quản thực hiện hoạt động đầu tư công của dự án theo quy định đối với dự án do địa phương quản lý theo quy định của pháp luật về đầu tư công, xây dựng và pháp luật có liên quan; chịu trách nhiệm quản lý, khai thác, bảo trì đối với tuyến đường bộ trong quá trình đầu tư nâng cấp, mở rộng.
Về khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường, Quốc hội cho phép nhà thầu thi công trong thời gian Nghị quyết này có hiệu lực không phải thực hiện thủ tục cấp Giấy phép khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường nằm trong Hồ sơ khảo sát vật liệu xây dựng phục vụ 21 dự án, trong đó có nhiều dự án đường bộ cao tốc trọng điểm.
Việc khai thác khoáng sản theo quy định trên được thực hiện đến khi hoàn thành dự án. Trường hợp không phải lập dự án đầu tư khai thác khoáng sản thì không phải thực hiện thủ tục lập báo cáo đánh giá tác động môi trường.
Nhà thầu thi công khi khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng phải cam kết bảo vệ môi trường; Bố trí kinh phí và thực hiện cải tạo, phục hồi môi trường sau khi kết thúc khai thác theo quy định của pháp luật; Chịu sự quản lý, giám sát đối với việc khai thác, sử dụng khoáng sản theo quy định của pháp luật và Nộp thuế, phí, nghĩa vụ tài chính khác theo quy định của pháp luật.
Các đại biểu bấm nút biểu quyết việc thông qua Nghị quyết
Cùng với các nội dung trên, Quốc hội cũng quyết nghị việc sử dụng nguồn dự phòng chung của Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 tương ứng với nguồn tăng thu ngân sách trung ương năm 2022 đối với 12 dự án. Việc quản ý công trình sau đầu tư cũng được Quốc hội quy định cụ thể tại Nghị quyết.
Để tổ chức thực hiện, Nghị quyết nêu rõ, Chính phủ, các Bộ, cơ quan trung ương và địa phương đề cao trách nhiệm, nhất là trách nhiệm của người đứng đầu trong lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức triển khai thực hiện các nội dung, chính sách quy định tại Nghị quyết này, bảo đảm công khai, minh bạch, hiệu quả, khả thi và tiến độ; không để trục lợi chính sách, thất thoát, lãng phí.
Chính phủ chịu trách nhiệm toàn diện về danh mục dự án kèm theo Nghị quyết, bảo đảm đáp ứng nguyên tắc, tiêu chí do Chính phủ đề xuất. Chính phủ trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, có trách nhiệm tổ chức thực hiện Nghị quyết này; thực hiện đồng bộ các giải pháp để bảo đảm hiệu quả của chính sách; tổng kết việc thực hiện Nghị quyết, báo cáo Quốc hội tại kỳ họp cuối năm 2025.
Thủ tướng Chính phủ có trách nhiệm trong việc quyết định, chỉ đạo các Bộ, cơ quan trung ương và địa phương tổ chức thực hiện bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất, hiệu quả của dự án...
Quốc hội cũng giao Kiểm toán nhà nước tổ chức thực hiện kiểm toán việc thực hiện Nghị quyết, bảo đảm thực hiện hiệu quả, công khai, minh bạch, chống tiêu cực, tham nhũng, lợi ích nhóm, báo cáo Quốc hội tại kỳ họp cuối năm 2025.
Nghị quyết có hiệu lực thi hành từ ngày thông qua và được thực hiện đến hết ngày 30/6/2025. Các dự án được áp dụng chính sách thí điểm của Nghị quyết này đến khi hoàn thành dự án.