Thỏa ước lao động tập thể ký kết đạt tỷ lệ 71,68%
Với nhiệm vụ là đại diện bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, người lao động (NLĐ), CĐVN đạt kết quả nổi bật, góp phần xây dựng quan hệ lao động (LĐ) hài hòa, ổn định và tiến bộ. Tổng Liên đoàn LĐ Việt Nam đã chủ động, tích cực đổi mới và nâng cao chất lượng tham gia xây dựng chính sách, pháp luật liên quan đến NLĐ và hoạt động công đoàn (CĐ); phát hiện, đề xuất nhiều kiến nghị, góp ý xây dựng pháp luật để chăm lo, bảo vệ tốt hơn quyền lợi của NLĐ như quyền lựa chọn việc làm, đơn phương chấm dứt hợp đồng LĐ, tiền lương, vấn đề nhà ở, điều kiện làm việc, các chính sách hỗ trợ NLĐ bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19... Cụ thể, đề xuất nâng mức lương tối thiểu tăng 23,3%, góp phần cải thiện đời sống đoàn viên, NLĐ.
Tổ chức nhiều hoạt động tuyên truyền, tiếp xúc, đối thoại trong xây dựng chính sách, pháp luật, đặc biệt là chương trình Thủ tướng Chính phủ đối thoại với công nhân; Diễn đàn NLĐ do Chủ tịch Quốc hội chủ trì; Hội nghị NLĐ và đối thoại tại nơi làm việc; Hoạt động thương lượng, ký kết thỏa ước LĐ tập thể. Trong đó, với 14.006 bản thỏa ước LĐ tập thể doanh nghiệp được ký kết, nâng tổng số thỏa ước LĐ tập thể đã ký kết lên 42.324 bản (đạt tỷ lệ 71,68% tổng số doanh nghiệp đã thành lập CĐ cơ sở) với hơn 6,19 triệu NLĐ; ký kết 22 bản thỏa ước LĐ tập thể nhóm doanh nghiệp với 224 doanh nghiệp, 119.336 LĐ được thụ hưởng. Tăng cường hoạt động đối thoại ở nhiều cấp, góp phần giảm 56,6% số cuộc ngừng việc tập thể so với nhiệm kỳ 2013 - 2018. Công tác kiểm tra, thanh tra, giám sát tiếp tục được tăng cường, tập trung vào thực hiện các chính sách về tiền lương, bảo hiểm xã hội, hợp đồng LĐ, an toàn vệ sinh LĐ. Với 890.432 cuộc kiểm tra, 166.263 cuộc giám sát, 27.000 người được giải quyết về các chế độ, chính sách... tổng số tiền bồi thường, hỗ trợ là 113 tỷ đồng.
Ứng dụng những tiến bộ công nghệ thông tin để tuyên truyền, huấn luyện về an toàn vệ sinh LĐ; triển khai hiệu quả "Tháng Hành động về an toàn, vệ sinh LĐ", từ đó đề xuất các giải pháp để cải thiện điều kiện và môi trường làm việc, phòng chống tai nạn LĐ, bệnh nghề nghiệp, đề xuất bổ sung bệnh nghề nghiệp được bảo hiểm.
Xây dựng tổ chức công đoàn vững mạnh
Công tác xây dựng tổ chức CĐ, nâng cao chất lượng hoạt động CĐ các cấp được quan tâm. Điều chỉnh chỉ tiêu về kết nạp đoàn viên khi tiến hành sơ kết giữa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội XII CĐVN, bảo đảm phù hợp với mục tiêu theo Nghị quyết số 02-NQ/TW ngày 12/6/2021 của Bộ Chính trị. Trong 5 năm qua, đã kết nạp mới 4.460.933 đoàn viên CĐ; thành lập 24.320 CĐ cơ sở. Tính đến tháng 6/2023, cả nước có 11.072.214 đoàn viên CĐ và 123.129 CĐ cơ sở (tăng hơn 1,02 triệu đoàn viên và giảm 3.000 CĐ cơ sở so với đầu nhiệm kỳ). Cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số rộng rãi trong tổ chức CĐ. Hiện đã có 7,2 triệu đoàn viên có thông tin được cập nhật trên hệ thống.
Sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy. Thực hiện vai trò giám sát, phản biện xã hội; phát huy trí tuệ, trách nhiệm của cán bộ, đoàn viên tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền trong sạch vững mạnh. Triển khai nhiều giải pháp giới thiệu những đoàn viên ưu tú cho Đảng. Từ năm 2018 đến nay, giới thiệu 557.301 đoàn viên ưu tú (tăng 1,4 lần so với nhiệm kỳ trước), trong đó số đoàn viên ưu tú được kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam là 327.882 đoàn viên (tăng 1,2 lần so với nhiệm kỳ trước), tỷ lệ đoàn viên ưu tú ngoài khu vực nhà nước là hơn 11%.
Các phong trào thi đua như: "LĐ giỏi, LĐ sáng tạo", "Giỏi việc nước, đảm việc nhà”, "Xanh - Sạch - Đẹp, bảo đảm an toàn vệ sinh LĐ", "Văn hóa, thể thao", "Đổi mới, sáng tạo, hiệu quả trong hoạt động của tổ chức CĐ", "Giải thưởng Nguyễn Văn Linh", "Cán bộ, công chức, viên chức nói không với tiêu cực"... được phát động và triển khai sâu rộng trong các cấp CĐ... Hưởng ứng lời kêu gọi của đồng chí Tổng Bí thư và phong trào thi đua "Cả nước đoàn kết, chung sức, đồng lòng thi đua phòng, chống và chiến thắng đại dịch Covid-19" do Thủ tướng Chính phủ phát động, tổ chức CĐ triển khai phong trào "Công nhân, viên chức, LĐ nỗ lực vượt khó, sáng tạo, quyết tâm chiến thắng đại dịch Covid-19", cụ thể hóa bằng Chương trình "75.000 sáng kiến vượt khó, phát triển" và Chương trình "Một triệu sáng kiến, nỗ lực vượt khó, sáng tạo quyết tâm chiến thắng đại dịch Covid-19" với nhiều đổi mới về cách thức, nhất là việc ứng dụng công nghệ thông tin.
Việc sắp xếp, nâng cao hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp của tổ chức CĐ theo Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 25/10/2017. Công tác sắp xếp, xử lý tài sản công được các cấp CĐ quan tâm. Đến quý III/2023 đã kiểm tra hiện trạng toàn bộ cơ sở nhà, đất của tổ chức CĐ tại 63/63 tỉnh, thành phố. Ủy ban kiểm tra CĐ các cấp đã kiểm tra 890.432 cuộc, giám sát 166.263 cuộc, giải quyết 3.741 đơn khiếu nại, 248 đơn tố cáo, can thiệp cho 5.950 người trở lại làm việc, 1.168 người được hạ mức kỷ luật, hơn 27.000 người được giải quyết về lương, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, trợ cấp thôi việc; tổng số tiền bồi thường, hỗ trợ là hơn 113 tỷ đồng; kiến nghị xử lý kỷ luật 155 tập thể, 169 cán bộ, 237 đoàn viên CĐ; truy nộp gần 1.073 tỷ đồng.
Thực hiện tốt các chương trình an sinh
Các mô hình chăm lo cho đoàn viên, NLĐ tiếp tục được phát triển, hoàn thiện. "Tết sum vầy" lan tỏa mạnh mẽ nhất là ở cơ sở, có hơn 27 triệu lượt đoàn viên, NLĐ được chăm lo với tổng số tiền hơn 26.000 tỷ đồng; Tháng công nhân triển khai cùng Tháng hành động về an toàn vệ sinh LĐ thăm, động viên, tặng quà công nhân, LĐ có hoàn cảnh khó khăn, công nhân bị tai nạn LĐ, bệnh nghề nghiệp, mắc bệnh hiểm nghèo, tôn vinh, tri ân công nhân có nhiều thành tích trong sản xuất; Chương trình "Mái ấm CĐ" giúp hơn 9.200 NLĐ được xây dựng hoặc sửa chữa nhà ở với tổng số tiền hỗ trợ gần 490 tỷ đồng; Chương trình "Phúc lợi đoàn viên"... Từng bước cải thiện sinh kế, hạn chế "tín dụng đen", triển khai hệ thống 13 quỹ trợ vốn cho NLĐ nghèo từ tổ chức tài chính vi mô (CEP), từ đó giải quyết 1,4 triệu lượt đoàn viên, NLĐ vay với tổng số tiền 5.166 tỷ đồng. Đào tạo 347.000 lượt người, trong đó đào tạo nghề cho hơn 112.000 NLĐ, góp phần xây dựng đội ngũ nhân lực có chất lượng.
Nhằm tháo gỡ các khó khăn về phát triển nhà ở dành cho công nhân, NLĐ, Tổng Liên đoàn đã tham mưu đề xuất Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án "Đầu tư xây dựng các thiết chế của CĐ tại các KCN, KCX", phối hợp với các cơ quan, địa phương, đơn vị tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh việc triển khai xây dựng thiết chế CĐ tại các KCN, KCX.
Lần đầu tiên Tổng Liên đoàn chủ động ban hành và triển khai các gói hỗ trợ đa dạng, quy mô lớn dành cho NLĐ với tổng số tiền hỗ trợ gần 6.000 tỷ đồng, thông qua chủ trương lùi thời điểm đóng kinh phí CĐ và miễn đóng đoàn phí CĐ do dịch bệnh Covid-19...
Bảo đảm quyền lợi LĐ nữ; công tác bình đẳng giới, gia đình và trẻ em, sức khỏe sinh sản; tập trung vào lĩnh vực việc làm, đời sống, cải thiện điều kiện làm việc, nâng lương, nâng bậc, chế độ thai sản, hỗ trợ nuôi con nhỏ; đặc biệt chính sách về nhà trẻ mẫu giáo cho con công nhân, LĐ các KCN. Các hoạt động chăm lo cho đoàn viên, LĐ nữ, xây dựng gia đình công nhân, viên chức, LĐ no ấm, tiến bộ, hạnh phúc như "Sức khỏe của bạn", "Lễ cưới tập thể", "Phòng vắt trữ sữa mẹ tại nơi làm việc"... Công tác bình đẳng giới và phòng, chống bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em chuyển biến tích cực.
Hưởng ứng lời kêu gọi của đồng chí Tổng Bí thư và phong trào thi đua "Cả nước đoàn kết, chung sức, đồng lòng thi đua phòng, chống và chiến thắng đại dịch Covid-19" do Thủ tướng Chính phủ phát động, Trung tướng Lê Hồng Nam - Giám đốc Công an (CA) TPHCM tin tưởng giao nhiệm vụ cho Ban Chuyên đề CA TPHCM phối hợp cùng Phòng Công tác Đảng và công tác chính trị - CA TPHCM làm đầu mối vận động các nguồn lực, đồng thời cùng các đơn vị CA trực thuộc thực hiện kế hoạch nhân văn. Chương trình "CA TPHCM - Hạt gạo nghĩa tình" đã được thực hiện với mục tiêu chăm lo công tác an sinh xã hội, quyết tâm không để người dân nào thiếu gạo và tinh thần "ở đâu dân khó, ở đó có CA" đã được thực hiện xuyên suốt đối với các lực lượng nghiệp vụ, CA 21 quận, huyện và TP.Thủ Đức trong đợt dịch Covid-19 năm 2021. Suốt thời gian chống dịch, Chuyên đề CA TPHCM đã vận động gần 1.000 tấn gạo, hơn 3.000 tấn rau củ quả, gần 5.000 bộ trang phục phòng hộ, hơn 50.000 khẩu trang N95, 35 máy trợ thở, 20.000 thùng nước, 10.000 thùng sữa, 10.000 thùng mì tôm, 100.000 suất cơm cho tuyến đầu và người dân, 6 "Bếp ăn 0 đồng" (trung bình mỗi ngày cung cấp 800 suất ăn cho công nhân, sinh viên, người dân...) cùng nhiều trang thiết bị y tế, nhu yếu phẩm gửi đến các bệnh viện, lực lượng tuyến đầu chống dịch... trị giá hàng tỷ đồng.