Dự luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi): Cần thiết kế mô hình giám sát tài chính độc lập

Thứ Năm, 23/11/2023 21:58

|

(CAO) Từ thực tiễn một số vụ án vừa qua, đặc biệt là vụ án ngân hàng SCB, đại biểu Quốc hội cho rằng, dự luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) phải chế định chặt chẽ để kiểm soát quyền lực của cơ quan kiểm tra, thanh tra.

Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 6, chiều 23/11, Quốc hội làm việc tại hội trường để cho ý kiến về Dự luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi).

Quan tâm đến vấn đề sở hữu chéo và cho vay người có liên quan tại các tổ chức tín dụng, đại biểu Nguyễn Tạo (Lâm Đồng) phản ánh, việc này diễn ra rất tinh vi, thường thông qua người quen, qua nhiều tầng nấc và qua một nhóm cổ đông.

Do đó, đại biểu Tạo cho rằng, dự thảo luật xem xét quy định rõ vấn đề quản trị ngân hàng. Cơ quan thanh tra, giám sát ngân hàng có chức năng kiểm tra, thanh tra, giám sát cụ thể gắn với những vấn đề sở hữu chéo và cho vay đối với người có liên quan.

Đại biểu Nguyễn Tạo nêu ý kiến thảo luận

Ông Tạo cũng băn khoăn khi dự thảo luật quy định đối tượng thanh tra, giám sát chỉ có trách nhiệm, nghĩa vụ phải cung cấp kịp thời, đầy đủ, chính xác thông tin tài liệu, cũng như tất cả yêu cầu của cơ quan có trách nhiệm thanh tra, giám sát mà không quy định một quyền nào của các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam, như quyền khiếu nại, kiến nghị khi cho rằng kết luận thanh tra, quyết định xử lý không chính xác.

Từ thực tiễn một số vụ án vừa qua, đặc biệt là vụ án ngân hàng SCB, đại biểu của Lâm Đồng cho rằng, dự luật phải chế định chặt chẽ để kiểm soát quyền lực của cơ quan kiểm tra, thanh tra.

Chung mối quan tâm, đại biểu Trịnh Xuân An (Đồng Nai) đề nghị cần phải thiết kế mô hình giám sát tài chính độc lập.

“Hiện có một chương về thanh tra, giám sát ngân hàng trong Luật Ngân hàng Nhà nước. Nhưng tôi cho rằng chưa đủ và lớp phòng thủ này có thể dễ bị xuyên thủng” - ông An nhìn nhận.

Theo ông, giám sát, thanh tra cần phải có nhiều lớp và cần có cơ quan độc lập.

“Mô hình cơ quan giám sát tài chính độc lâp đã được nhiều nước trên thế giới thực hiện. Và đây là kinh nghiệm rất tốt để chúng ta tiếp tục nghiên cứu” – ông An nhấn mạnh.

Đại biểu Trịnh Xuân An góp ý cho dự luật

Đại biểu của Đồng Nai cũng thấy rằng cần rà soát xem hệ thống 50 ngân hàng lớn, nhỏ hiện nay có cần thiết không. “Ngân hàng nào yếu quá thì nên xử lý lại. Thà có một hệ thống ít, nhưng tinh, khỏe, thì tốt cho nền kinh tế” – ông An nêu quan điểm.

Trước phần thảo luận, báo cáo một số vấn đề lớn tiếp thu, giải trình, chỉnh lý dự thảo luật, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho hay, có ý kiến đại biểu đề nghị cần nghiên cứu để quy định thành 1 chương về thanh tra, kiểm tra, giám sát ngân hàng.

Theo nhóm ý kiến này, cần đặt lại mô hình cơ quan giám sát và kiểm tra tài chính độc lập để thanh tra, kiểm tra, xử lý và công khai, minh bạch trong tất cả các giao dịch.

Ý kiến khác đề nghị đánh giá kỹ công tác quản lý nhà nước, thanh tra, kiểm tra trong quản lý hoạt động ngân hàng; phát hiện sớm các dấu hiệu vi phạm của các ngân hàng thương mại, từ đó có biện pháp xử lý kịp thời, ngăn chặn những tác động xấu, nặng nề đến khách hàng.

Quan điểm của Thường vụ Quốc hội, theo ông Thanh, công tác kiểm tra, thanh tra, giám sát ngân hàng rất quan trọng, nhằm phát hiện từ sớm các rủi ro, sai phạm để có thể can thiệp từ sớm, giảm thiểu tác động tiêu cực đến thị trường.

“Đây là biện pháp phòng ngừa hữu hiệu đối với an toàn của thị trường ngân hàng, tài chính” – ông Thanh nói.

Hiện dự thảo luật mới chỉ quy định “Ngân hàng Nhà nước có thẩm quyền kiểm tra, thanh tra, giám sát tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, văn phòng đại diện tại Việt Nam của tổ chức tín dụng nước ngoài, tổ chức nước ngoài khác có hoạt động ngân hàng theo quy định của Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam”. Trong khi đó, Luật Thanh tra quy định cụ thể về hoạt động thanh tra, bao gồm cả thanh tra chuyên ngành. Thực tế, hoạt động của thanh tra ngân hàng thực hiện theo cả quy định của Luật Thanh tra và Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.

Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh báo cáo một số vấn đề lớn của dự luật

Vì vậy, Ủy ban Thường vụ Quốc hội báo cáo Quốc hội thảo luận, cho ý kiến nội dung này.

“Trên cơ sở ý kiến của đại biểu, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ đề nghị Chính phủ báo cáo, đánh giá về chức năng kiểm tra, thanh tra, giám sát ngân hàng của Ngân hàng Nhà nước, bảo đảm tính thống nhất trong áp dụng pháp luật, nhất là rà soát nâng cao hiệu quả công tác kiểm tra, thanh tra, giám sát ngân hàng, góp phần bảo đảm an toàn hệ thống, giảm thiểu những trường hợp phải xử lý tổ chức tín dụng yếu kém như thời gian qua” - ông Thanh nói.

Tiếp thu vào cuối phiên thảo luận, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cho biết, giảm thao túng, giảm sở hữu chéo trong hoạt động ngân hàng những vấn đề được Đảng, Quốc hội và Chính phủ rất quan tâm.

“Có rất nhiều chỉ đạo làm sao để xử lý, yêu cầu phải xử lý triệt để vấn đề này” – bà Hồng phản ánh và cho biết, khi soạn thảo luật đã tính đến việc đạt mục tiêu này.

Dù vậy, theo tư lệnh ngành ngân hàng, nếu chỉ có các quy định giảm tỷ lệ sở hữu cổ phần của cá nhân thì cũng không thể xử lý triệt để được vấn đề này, bởi quy định là để có căn cứ khi tổ chức tín dụng sai phạm thì xử lý, còn quan trọng nhất là vấn đề tổ chức thực hiện.

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng tiếp thu vào cuối phiên thảo luận

Khẳng định qua những vụ việc vừa qua, ngành ngân hàng đã rút ra nhiều kinh nghiệm, giải pháp, song bà Hồng cho rằng, “chỉ bản thân ngành ngân hàng cũng chưa đủ”.

“Ta quy định 5% cổ phần nhưng nếu cổ đông cứ cố tình nhờ người khác đứng tên thì cũng không thể xử lý được” – bà Hồng dẫn chứng. Theo bà, cần phải ngăn chặn việc đứng tên sở hữu hộ như thế mà ở đây đòi hỏi phải có một sự phối hợp rất chặt chẽ giữa ngành ngân hàng với các cơ quan quản lý, bộ, ngành hay địa phương.

Để giảm thao túng về đầu ra của tổ chức tín dụng trong dự thảo luật này thiết kế phải giảm tỷ lệ cấp tín dụng đối với khách hàng và những khách hàng có liên quan từ 15% xuống 10%. Nhưng bà Hồng nói, như nhiều đại biểu có ý kiến, việc này cần có lộ trình.

Nữ Thống đốc cũng thừa nhận, qua quá trình chỉ đạo điều hành và thanh tra giám sát, đã “nhận thức được việc cần phải tăng cường công tác thanh tra, giám sát”. Các tổ chức tín dụng, theo bà Hồng, cần có bộ phận kiểm soát, kiểm toán.

“Họ phải có trách nhiệm trong việc giám sát tối cao đối với hoạt động của Hội đồng quản trị và Ban điều hành” – bà Hồng nhấn mạnh.

Bình luận (0)

Lên đầu trang