Trong phiên thảo luận về Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH) sửa đổi ngày 23/11, đại biểu Ma Thị Thúy (Tuyên Quang) thắc mắc, tại sao không coi các khoản đóng BHXH bắt buộc như khoản thu thuế và quy định chế độ quản lý thu BHXH bắt buộc như quản lý thu thuế?
Theo đại biểu Thuý, nhiều nước trên thế giới quy định cơ quan thuế thực hiện luôn nhiệm vụ thu BHXH bắt buộc, sau đó chuyển cho cơ quan BHXH. "Hành vi trốn, chậm, nợ đọng BHXH bắt buộc được xử lý hình sự theo pháp luật quản lý thuế, cho nên không có tình trạng chây ỳ, trốn, chậm đóng, nợ đọng kéo dài” - bà Thuý phản ánh.
Phó Chủ tịch thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn điều hành phiên thảo luận
Từ đó, đại biểu Thuý cho rằng, nếu áp dụng kinh nghiệm của các nước, hiệu quả quản lý thu BHXH sẽ được cải thiện, bớt đi việc bàn thảo, sửa đổi luật không cần thiết; giảm nhẹ gánh nặng về thanh tra, kiểm tra, tố tụng khiếu kiện, giải quyết vi phạm.
Dẫn số liệu thống kê số tiền các doanh nghiệp, đơn vị trốn đóng, chậm đóng BHXH giai đoạn 2016-2022, đại biểu Nguyễn Thị Thuỷ (Bắk Kạn) cho hay, có khoảng gần 10.000 tỷ đồng bị trốn, chậm đóng mỗi năm.
"Cả nước có tới 198.000 doanh nghiệp, đơn vị chậm đóng BHXH trong năm 2022" - bà Thuỷ thông tin.
Cũng trong năm này, người lao động bị chậm đóng BHXH lên đến 2,6 triệu, trong đó 2.500 tỷ đồng khó có khả năng thu hồi do doanh nghiệp giải thể, phá sản hoặc chủ doanh nghiệp trốn ra nước ngoài.
Nêu lại điều 36 dự thảo luật quy định “trốn đóng BHXH là trường hợp người sử dụng lao động không đóng BHXH mặc dù có khả năng đóng”, đại biểu Thủy đề nghị cân nhắc để tránh xung đột với các quy định khác trong hệ thống pháp luật.
Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp Nguyễn Thị Thuỷ nêu ý kiến
Lý do là điều 216 Bộ luật Hình sự về tội trốn đóng BHXH quy định “người nào có nghĩa vụ đóng BHXH mà không đóng thì thuộc trường hợp trốn đóng BHXH”.
Với quy định tại dự thảo, bà Thủy nhận định, sẽ rất khó xác định khi nào gọi là “không có khả năng đóng BHXH”, trong khi hàng tháng người sử dụng lao động vẫn trích trừ tiền lương của người lao động để đóng bảo hiểm.
“Chúng tôi rất lo rằng, doanh nghiệp có thể lợi dụng và đưa ra lý do là làm ăn kinh doanh gặp khó khăn, do đó không có khả năng đóng thì sẽ không thể xử lý được về hành vi trốn đóng BHXH” - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Thị Thuỷ bày tỏ.
Về đề xuất hoãn xuất cảnh với người có hành vi trốn đóng BHXH từ 12 tháng trở lên, bà Thủy cũng đề nghị phải quy định rõ hơn để không mâu thuẫn với Bộ luật Hình sự, Bộ luật Tố tụng hình sự.
“Điều 216 của Bộ luật Hình sự và Điều 124 của Bộ luật Tố tụng Hình sự quy định, người nào có hành vi trốn đóng từ 6 tháng trở lên, kèm theo một số dấu hiệu khác là cấu thành tội trốn đóng BHXH” - bà Thủy phản ánh.
Tranh luận, đại biểu Nguyễn Công Long (Đồng Nai) nói quy định về trốn đóng BHXH trong dự thảo luật có lẽ sẽ “làm thay đổi rất lớn về chính sách”.
“Tôi ủng hộ phương án của Chính phủ trình, đó là chỉ nên coi trốn đóng BHXH khi nào người ta có điều kiện mà không đóng" - ông Long nêu quan điểm.
Theo ông, thực tiễn cho thấy thực trạng khó khăn của doanh nghiệp. Rất nhiều lý do người ta không thể thực hiện được đóng hoặc chậm hoặc chưa thực hiện được nghĩa vụ của mình.
Đại biểu Nguyễn Công Long tranh luận
Đại biểu của Đồng Nai cho rằng, không phải Bộ Luật Hình sự quy định như vậy thì tất cả các quy định của luật chuyên ngành phải theo. Ngược lại, ông Long nói, có những hành vi vi phạm phải xác định ở luật chuyên ngành như Luật BHXH xác định thế nào là trốn đóng bảo hiểm, trên cơ sở đó, Bộ luật Hình sự mới quy định tội đó.
Lấy ví dụ về tội cho vay lãi nặng, ông Long cho hay, trước đây xác định theo lãi suất cơ bản của ngân hàng, bây giờ ngân hàng bỏ quy định về lãi suất thì phải sửa Bộ Luật Hình sự. Để hạn chế chậm đóng, trốn đóng BHXH, dự thảo luật quy định cụ thể cơ quan có quyền khởi kiện.
Tuy nhiên, theo bà Thuỷ phân tích, quyền khởi kiện của công đoàn với doanh nghiệp trốn đóng BHXH đang chịu điều chỉnh của 4 luật: Luật BHXH, Luật Công đoàn, Bộ luật Tố tụng dân sự và Bộ luật Lao động, mà 4 luật này lại quy định không thống nhất.
"Các công đoàn phản ánh “rất lúng túng” khi triển khai thực hiện. Qua giám sát chúng tôi thấy chỉ quy định cho công đoàn cấp cơ sở có quyền khởi kiện hành vi trốn đóng, chậm đóng BHXH sẽ không tránh khỏi tâm lý e ngại, bởi cán bộ công đoàn cấp cơ sở hưởng lương từ doanh nghiệp” - bà Thuỷ thông tin.
Không chỉ thế, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp nói, quy định ách tắc nhất hiện nay là khi công đoàn đứng ra khởi kiện phải có sự ủy quyền của từng người lao động. Nhiều công đoàn cơ sở chia sẻ đi lấy giấy ủy quyền của người lao động "rất gian nan", nhất là với những doanh nghiệp đã dừng hoạt động, người lao động đã trở về quê hoặc chuyển việc khác.
"Lấy giấy ủy quyền gian nan, nhưng không phải thế là xong, mà còn phải đến UBND cấp xã nơi người lao động cư trú để xin chứng thực, theo quy định của pháp luật" - bà Thuỷ tiếp tục phản ánh.
Trước thực tế này, nữ đại biểu đề nghị sửa nội dung liên quan nằm trong các đạo luật theo hướng giao công đoàn các cấp có quyền đứng ra khởi kiện, chứ không chỉ công đoàn cấp cơ sở như hiện nay.
“Nếu công đoàn đứng ra khởi kiện thì không cần phải có ủy quyền của người lao động. Bởi vì theo quy định của Điều 10 Hiến pháp, công đoàn là đại diện đương nhiên của người lao động” - bà Thuỷ chỉ ra.