Không để xảy ra khiếu nại tố cáo vượt cấp, bức xúc, kéo dài

Thứ Tư, 22/11/2023 11:44

|

(CAO) Yêu cầu không để xảy ra tình trạng khiếu nại, tố cáo vượt cấp, bức xúc, kéo dài, Quốc hội đề nghị Chính phủ báo cáo Danh mục các vụ việc tồn đọng, phức tạp để có cơ sở giám sát việc giải quyết.

Sáng 22/11, thảo luận về kết quả tiếp công dân, xử lý đơn thư và giải quyết khiếu nại, tố cáo (KNTC) của công dân năm 2023 tại kỳ họp thứ 6, các ý kiến đều đánh giá, lĩnh vực này đang có những chuyển biến tích cực nhưng tình hình công dân khiếu kiện vượt cấp tăng mạnh, nhất là về số lượng đoàn đông người.

Quang cảnh phiên họp

Thẩm tra Báo cáo của Chính phủ về công tác tiếp công dân, giải quyết KNTC về hành chính năm 2023, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng đánh giá, công tác tiếp công dân, giải quyết KNTC năm 2023 tiếp tục có sự đổi mới, đạt kết quả tích cực, giải quyết kịp thời theo quy định của pháp luật đối với 81,7% số vụ việc khiếu nại, 86,3% số vụ việc tố cáo thuộc thẩm quyền.

Ủy ban Pháp luật đánh giá cao nỗ lực, quyết tâm của Chính phủ, các Bộ, ngành, địa phương; những kết quả đạt được trong công tác này đã góp phần giữ vững ổn định chính trị, trật tự, an toàn xã hội.

Tuy nhiên, việc công dân trực tiếp đến các Bộ, ngành để KNTC, kiến nghị, phản ánh tăng mạnh, nhất là về số lượng đoàn đông người cho thấy hiệu quả công tác giải quyết KNTC ở cơ sở còn hạn chế.

Số vụ việc tố cáo tăng nhiều cho thấy hoạt động của bộ máy hành chính công vụ còn không ít bất cập, người dân còn thiếu tin tưởng vào sự khách quan, công tâm của một bộ phận công chức, người có thẩm quyền trong giải quyết công việc của người dân, doanh nghiệp.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng

Do đó, đề nghị Chính phủ chỉ đạo đánh giá làm rõ nguyên nhân để có giải pháp giải quyết dứt điểm ngay từ cơ sở, không để xảy ra KNTC vượt cấp, bức xúc, kéo dài.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật nhấn mạnh, một số hạn chế, bất cập và nguyên nhân là những vấn đề tồn tại từ nhiều năm, đã được nêu trong Báo cáo của Chính phủ các năm trước, được Ủy ban Pháp luật chỉ ra trong các báo cáo thẩm tra hằng năm song đến nay vẫn chưa được khắc phục triệt để.

Do đó, đề nghị Chính phủ báo cáo bổ sung, làm rõ “địa chỉ” cụ thể cơ quan, địa phương còn nhiều tồn tại, hạn chế để xác định trách nhiệm và có chế tài xử lý thích hợp, giúp cho công tác tiếp công dân, giải quyết KNTC trong thời gian tới tại những nơi này có chuyển biến thực sự.

Uỷ ban Pháp luật cũng đề nghị, từ Báo cáo năm sau, Chính phủ trình Quốc hội kèm theo Danh mục các vụ việc KNTC tồn đọng, phức tạp, kéo dài để có cơ sở giám sát việc giải quyết.

“Năm 2024, cùng với các dự án đầu tư lớn đã và đang được triển khai, các dự án phát triển kinh tế - xã hội khác tại các địa phương có tốc độ đô thị hóa cao dự báo vẫn tiếp tục là điểm nóng phát sinh KNTC hành chính liên quan đến đất đai, môi trường, nhất là đối với các dự án phải thu hồi đất, bồi thường, tái định cư... Vì vậy, Chính phủ cần quan tâm, bám sát tình hình, quyết liệt chỉ đạo, đề ra các nhiệm vụ cụ thể tăng cường trách nhiệm của các cơ quan có liên quan để kịp thời xử lý các vấn đề phát sinh, không để xảy ra tình trạng KNTC phức tạp” - Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật lưu ý.

Tham gia thảo luận tại hội trường, đại biểu Thái Thị An Chung - Đoàn ĐBQH tỉnh Nghệ An đã đề nghị một số giải pháp để nâng cao chất lượng công tác tiếp công dân, xử lý đơn thư và giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo. Theo đại biểu, tiến độ thực hiện nâng cấp, mở rộng hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo như vậy là chậm, chưa xác định được lộ trình cụ thể để đưa Cơ sở dữ liệu quốc gia về khiếu nại, tố cáo vào vận hành đáp ứng yêu cầu của Quốc hội.

Đại biểu Thái Thị An Chung

Đại biểu đề nghị Chính phủ, Thanh tra Chính phủ cần chỉ rõ nguyên nhân của tồn tại, hạn chế này- ngoài việc chưa được đầu tư thoả đáng thì nguyên nhân khách quan, nguyên nhân chủ quan khác là gì, để sớm có giải pháp khắc phục và cam kết tiến độ hoàn thành để tránh lãng phí thời gian, công sức của người dân và cán bộ, công chức.

Ngoài ra, đại biểu kiến nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội nghiên cứu chỉ đạo việc xây dựng, hoàn thiện và đưa vào sử dụng phần mềm cơ sở dữ liệu quản lý đơn thư sử dụng chung giữa các cơ quan của Quốc hội, Đoàn ĐBQH để thuận tiện trong việc quản lý, lưu trữ, tra cứu, xử lý đơn thư và theo dõi, đôn đốc việc giải quyết, trả lời đơn thư, từ đó có thể lựa chọn các vụ việc để tập trung giám sát, đáp ứng được nguyện vọng của cử tri.

Năm 2023, có 391.512 lượt người đến khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh về 294.909 vụ việc, có 2.943 đoàn đông người. Tòa án nhân dân các cấp đã tiếp 285 lượt người về 253 vụ việc. Về kết quả tiếp nhận và xử lý đơn khiếu nại, tố cáo, đối với các cơ quan hành chính tiếp nhận 453.097 đơn các loại; đã xử lý 428.955 đơn, có 348.181 đơn đủ điều kiện, trong đó có 52.637 đơn khiếu nại, 22.342 đơn tố cáo; có 29.040 vụ việc khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền. Tòa án nhân dân các cấp đã tiếp nhận 386 đơn các loại, trong đó có 74 đơn khiếu nại, 313 đơn tố cáo; 141 đơn đủ điều kiện thụ lý. Viện kiểm sát nhân dân các cấp đã tiếp nhận 99 đơn, trong đó 05 đơn khiếu nại, 57 đơn tố cáo, 37 đơn kiến nghị, phản ánh; có 04 đơn đủ điều kiện thụ lý. Kiểm toán nhà nước đã tiếp nhận 112 đơn, trong đó có 12 đơn thuộc thẩm quyền (tố cáo 10 đơn, kiến nghị phản ánh 02 đơn).

Bình luận (0)

Lên đầu trang