Xây dựng Cơ sở dữ liệu về kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn

Thứ Ba, 21/11/2023 11:58  | Thanh Hòa

|

(CAO) Trong năm 2024, Chính phủ sẽ triển khai xây dựng Đề án Cơ sở dữ liệu quốc gia về kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn; tiếp tục hoàn thiện và thực hiện đồng bộ, có hiệu quả các giải pháp phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực.

Sáng 21-11, tại kỳ họp thứ 6, bày tỏ thống nhất cao với Báo cáo của Chính phủ và Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tư pháp về công tác phòng, chống tham nhũng (PCTN) năm 2023, đại biểu Quốc hội cũng đề nghị bổ sung một số giải pháp nâng cao công tác này.

Đề nghị bổ sung một số giải pháp nâng cao công tác phòng, chống tham nhũng

Phát biểu trước Quốc hội, đại biểu Bố Thị Xuân Linh (Bình Thuận) nhấn mạnh, đấu tranh PCTN là một việc làm rất cần thiết và tất yếu, một xu thế không thể đảo ngược. Trong năm 2023, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp, toàn diện của Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN, đứng đầu là Tổng Bí thư, Trưởng Ban Chỉ đạo về công tác PCTN đã được đẩy mạnh và có nhiều điểm đột phá đi vào chiều sâu với quyết tâm chính trị rất cao, không có vùng cấm, không có ngoại lệ, đạt được nhiều kết quả rất quan trọng, rõ rệt, được cán bộ, đảng viên và nhân dân đồng tình, ủng hộ, đánh giá cao, quốc tế ghi nhận.

Đại biểu Bố Thị Xuân Linh

“Trong Báo cáo của Chính phủ cũng đã nêu khá rõ về những tồn tại và khó khăn. Tuy nhiên, qua tiếp xúc cử tri và tổng hợp ý kiến của cử tri và nhân dân cho thấy, cử tri còn băn khoăn, lo lắng và trăn trở về thực trạng tham nhũng, tiêu cực, vẫn còn tham nhũng vặt, nhũng nhiễu đối với các doanh nghiệp và người dân, thậm chí tham nhũng, tiêu cực xảy ra ngay ở một số người làm nhiệm vụ PCTN và trong một số cơ quan thanh tra, kiểm tra và điều tra xét xử”, đại biểu Quốc hội Bố Thị Xuân Linh cho biết.

Để thực hiện hiệu quả hơn nhiệm vụ PCTN trong năm 2024 và những năm tiếp theo, đại biểu đề xuất bổ sung thêm một số giải pháp. Cụ thể là phát huy vai trò của người đứng đầu các cơ quan, tổ chức, đơn vị, địa phương trong công tác PCTN. Thực tiễn đã chỉ ra rằng, ở đâu người đứng đầu có trách nhiệm cao, gương mẫu, sâu sát trong công tác quản lý, cương quyết với những sai phạm thì ở đó công tác PCTN được thực hiện tốt hơn và ngược lại. Bởi vậy, phát huy vai trò của người đứng đầu đối với nhiệm vụ này là vấn đề cấp bách hiện nay.

Bên cạnh đó, cần có cơ chế, chế tài bảo đảm cho việc giám sát, phản biện xã hội có hiệu lực trên thực tế và tiếp tục hoàn thiện, nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động của các cơ quan chức năng.

Đồng thời, tiếp tục xây dựng và hoàn thiện chế độ tiền lương hợp lý, nâng cao mức sống của người lao động. Đặc biệt, trong quá trình xử lý những người vi phạm, cần có sự phân loại đối tượng như: đối tượng chủ mưu, cầm đầu thì cần phải có biện pháp xử lý nghiêm minh; còn đối với những người mà vi phạm do thực hiện theo sự chỉ đạo của người đứng đầu, của cấp trên thì cần phải được xem xét, có chính sách khoan hồng…

Quyết siết chặt kỷ luật, kỷ cương

Tại phiên thảo luận, báo cáo thẩm tra về công tác PCTN năm 2023, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga cũng cho biết, năm 2023, công tác đấu tranh PCTN tiếp tục được lãnh đạo, chỉ đạo mạnh mẽ, quyết liệt, đồng bộ, có bước đột phá mới, đạt nhiều kết quả toàn diện cả ở Trung ương và địa phương.

Bà Lê Thị Nga

Kết quả công tác PCTN đã tiếp tục thể hiện quyết tâm mạnh mẽ PCTN, tiêu cực không ngừng, không nghỉ, không chùng xuống của Đảng và Nhà nước, góp phần quan trọng làm trong sạch bộ máy, siết chặt kỷ luật, kỷ cương, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Về xây dựng, hoàn thiện thể chế về PCTN, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp cho biết, năm 2023, hoạt động lập pháp của Quốc hội có nhiều đổi mới, chú trọng thể chế hóa các quy định của Đảng liên quan đến công tác PCTN, tiêu cực; đẩy mạnh công tác rà soát văn bản quy phạm pháp luật nhằm phát hiện những văn bản có nội dung còn sơ hở, bất cập, có thể phát sinh tham nhũng, tiêu cực để kịp thời chấn chỉnh, khắc phục...

Công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế được Chính phủ tiếp tục quan tâm; nhiều văn bản về quản lý KT-XH và PCTN tiếp tục được sửa đổi, bổ sung và ban hành mới, đã góp phần hoàn thiện hệ thống pháp luật, tạo cơ sở chính trị- pháp lý đồng bộ, khả thi để PCTN hiệu quả.

Tuy nhiên, bà Nga đánh giá, công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế để PCTN vẫn còn hạn chế. Tình trạng chậm, nợ ban hành văn bản quy định chi tiết nội dung được giao trong luật, pháp lệnh, nghị quyết chưa được khắc phục triệt để, một số bộ, ngành chưa kịp thời sửa đổi, bổ sung các văn bản pháp luật theo quy định. Chính sách, pháp luật trên một số lĩnh vực còn thiếu đồng bộ, một số quy định còn có nội dung sơ hở, bất cập, dễ bị lợi dụng để tham nhũng, tiêu cực.

Trong công tác xây dựng pháp luật, còn trường hợp áp dụng trình tự, thủ tục rút gọn chưa phù hợp với quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật hoặc dùng hình thức văn bản khác không đúng quy định để thay thế cho việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Theo Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp của Quốc hội, mặc dù công tác truyền thông, công khai thông tin kết quả phát hiện, xử lý hành vi tham nhũng được tăng cường; chú trọng việc đấu tranh, phản bác luận điệu xuyên tạc, chống phá của các thế lực thù địch; xử lý nghiêm các trường hợp thông tin không đúng, xuyên tạc về tình hình và công tác đấu tranh PCTN, tiêu cực nhưng công tác tuyên truyền, giáo dục, phổ biến pháp luật về PCTN, tiêu cực vẫn còn những hạn chế.

Tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, tham nhũng, tiêu cực còn diễn ra ở một bộ phận cán bộ, đảng viên, trong đó có cả cán bộ lãnh đạo, quản lý; một số cán bộ, công chức, viên chức thiếu tu dưỡng, rèn luyện, vi phạm các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước về PCTN, tiêu cực…

Xây dựng Đề án Cơ sở dữ liệu quốc gia về kiểm soát tài sản

Trước đó, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Báo cáo về công tác phòng, chống tham nhũng năm 2023, Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong cho biết, trong năm 2023, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương và các cơ quan chức năng đã nỗ lực lớn, quyết tâm cao, thực hiện nghiêm túc kết luận của đồng chí Tổng Bí thư, Trưởng Ban Chỉ đạo. Công tác PCTN, tiêu cực tiếp tục được đẩy mạnh, có bước tiến mới, quyết liệt, đồng bộ, toàn diện và hiệu quả hơn, để lại dấu ấn tốt, củng cố thêm niềm tin của Nhân dân, góp phần quan trọng thực hiện thắng lợi nhiệm vụ kinh tế - xã hội năm 2023. Hoạt động PCTN, tiêu cực từng bước được mở rộng ra khu vực ngoài nhà nước…

Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong

Tuy nhiên, tình trạng tham nhũng, tiêu cực trên một số lĩnh vực còn diễn biến phức tạp, nghiêm trọng, nổi lên là các sai phạm lớn trong lĩnh vực đất đai, đấu thầu, chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp, hoạt động ngân hàng, đăng kiểm, y tế... gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng; có sự câu kết, móc nối giữa cán bộ thoái hoá với doanh nghiệp, tổ chức để trục lợi, gây bức xúc trong cán bộ, đảng viên và Nhân dân.

Bên cạnh đó, quy định của pháp luật trên một số lĩnh vực còn sơ hở, bất cập, chậm được sửa đổi, bổ sung, nhất là lĩnh vực đất đai, đấu giá, đấu thầu, định giá, chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp; công tác tự kiểm tra, phát hiện tham nhũng, tiêu cực trong nội bộ vẫn chưa nhiều chuyển biến, có ít vụ việc được phát hiện qua tự kiểm tra; vẫn xảy ra các vụ việc tham nhũng, tiêu cực trong cơ quan có chức năng PCTN, tiêu cực, gây dư luận không tốt; công tác giám định, định giá tài sản, cung cấp thông tin, tài liệu trong một số vụ án, vụ việc còn chậm, chất lượng còn hạn chế; thu hồi tài sản mặc dù tăng cao so với giai đoạn trước nhưng giá trị tài sản phải thu hồi còn tồn đọng lớn.

Về phương hướng, nhiệm vụ công tác năm 2024, Tổng Thanh tra Chính phủ cho biết sẽ tiếp tục triển khai, tổ chức thực hiện nghiêm các nghị quyết, kết luận, chỉ thị của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về PCTN, tiêu cực; tổ chức thực hiện có hiệu quả Chiến lược quốc gia về PCTN, tiêu cực đến năm 2030;

Triển khai xây dựng Đề án Cơ sở dữ liệu quốc gia về kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn; tiếp tục hoàn thiện và thực hiện đồng bộ, có hiệu quả các giải pháp phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực; xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cán bộ quản lý cấp chiến lược có đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới;

Siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính; kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm minh các hành vi tham nhũng, tiêu cực; ngăn chặn có hiệu quả tình trạng nhũng nhiễu, vòi vĩnh, gây khó khăn, phiền hà cho người dân, doanh nghiệp khi giao dịch với cơ quan nhà nước; nâng cao hiệu quả thu hồi tài sản tham nhũng.

Tăng cường công tác phối hợp giữa các cơ quan chức năng trong phát hiện, điều tra, truy tố, xét xử các vụ án tham nhũng, tiêu cực...

Bình luận (0)

Lên đầu trang