(CAO) Đối với khoản bị chiếm đoạt trong các vụ án hình sự về kinh tế, tham nhũng, các cơ quan thi hành án đã thi hành xong 2.264 việc, thu được trên 20.405 tỷ đồng.
Báo cáo của Chính phủ gửi tới Quốc hội về công tác thi hành án cho biết, năm 2023, việc thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế phải chuyển kỳ sau còn nhiều, các khoản thu hồi nợ cho các tổ chức tín dụng chưa cao.
Theo đó, tổng số việc phải thi hành là 923.541 việc, có điều kiện thi hành 691.593 việc. Thi hành xong 575.667 việc, đạt tỉ lệ 83,24%. Tổng số tiền phải thi hành trên 392.000 tỷ đồng, có điều kiện thi hành trên 192.712 tỷ đồng; thi hành xong trên 89.505 tỷ đồng, đạt tỉ lệ 46,44%.
Đối với khoản thi hành án liên quan đến các tổ chức tín dụng, cơ quan chức năng đã thi hành xong 4.963 việc, thu được trên 21.264 tỷ đồng, tăng hơn 9.490 tỷ đồng.
Đối với khoản bị chiếm đoạt trong các vụ án hình sự về kinh tế, tham nhũng, các cơ quan thi hành án đã thi hành xong 2.264 việc, thu được trên 20.405 tỷ đồng.
Theo Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long, nguyên nhân khiến số việc thi hành án chuyển kỳ sau còn nhiều, các khoản thu hồi nợ cho các tổ chức tín dụng chưa cao, số đơn thư khiếu nại, tố cáo về thi hành án dân sự (THADS) có chiều hướng tăng là do một số quy định về THADS trở nên bất cập, quan điểm áp dụng pháp luật trong một số trường hợp còn khác nhau.
Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long báo cáo Quốc hội về công tác thi hành án năm 2023
Tài sản trong các vụ án tham nhũng, kinh tế phải xử lý ở nhiều địa phương khác nhau, tính chất pháp lý phức tạp. Số việc và tiền thụ lý mới tăng cao so với các năm trước trong khi nguồn lực bảo đảm cho công tác THADS chưa đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ.
Báo cáo của Chính phủ cũng cho biết, tính đến ngày 30/9/2023, còn 180.905 người có án phạt tù. Các trại giam trên cả nước đã khám, cấp phát thuốc cho trên trên 4 triệu lượt phạm nhân (PN); điều trị tại bệnh xá Trại giam cho gần 70.000 lượt PN... Đồng thời, đã tổ chức trên 2.300 lớp giáo dục pháp luật, nội quy cơ sở giam giữ; 199 lớp dạy văn hóa xóa mù chữ; trên 2.000 lớp giáo dục công dân... cho PN.
Trong năm qua, TAND cấp tỉnh ra quyết định tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù cho 103 PN; đề nghị giảm thời hạn chấp hành án phạt tù cho gần 98.000 PN; lập hồ sơ, đề nghị và được TAND có thẩm quyền quyết định tha tù trước thời hạn có điều kiện cho trên 1.600 PN.
Hiện nay, tổng số người chấp hành án hình sự tại cộng đồng đang quản lý là trên 65.000 người.
Sáng 21/11, báo cáo trước Quốc hội về một số nhiệm vụ trọng tâm, kiến nghị giải pháp chủ yếu trong công tác thi hành án thời gian tới, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho biết, sẽ tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện thể chế về THADS, THA hành chính, chỉ đạo hoàn thiện Dự thảo các văn bản pháp luật trình Quốc hội ban hành.
Bộ trưởng Lê Thành Long cũng đề nghị Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, các Đoàn đại biểu Quốc hội, Đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân, Mặt trận Tổ quốc các cấp tiếp tục quan tâm, tăng cường giám sát theo thẩm quyền đối với công tác thi hành án.
Đề nghị Quốc hội tiếp tục chỉ đạo, thể chế hoá các định hướng về công tác thi hành án tại Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 09/11/2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII. Đề nghị Toà án nhân dân Tối cao chỉ đạo TAND các cấp tiếp tục phối hợp có hiệu quả với cơ quan THADS; kịp thời giải quyết các yêu cầu đính chính, giải thích bản án và các kiến nghị của cơ quan THADS theo quy định; thụ lý yêu cầu phân chia tài sản chung của đương sự trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế...; Phối hợp chặt chẽ với Bộ Công an để hướng dẫn giải quyết những vướng mắc phát sinh trong tổ chức thi hành án tử hình, THAHS tại cộng đồng...