Sáng 21/11, tại trụ sở Công an TPHCM diễn ra buổi làm việc giữa Đoàn Giám sát của Ban Pháp chế Hội đồng nhân dân TPHCM với Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TPHCM. Tham dự buổi làm việc, về phía CATP có Đại tá Trần Thị Kim Lý, Chánh Văn phòng Cơ quan CSĐT; lãnh đạo các phòng chức năng thuộc CATP. Về phía Đoàn giám sát có ông Nguyễn Văn Đạt, Phó Trưởng Ban Pháp chế HĐND TP làm trưởng đoàn, cùng đại diện các sở, ban, ngành.
Nội dung giám sát xoay quanh tình hình vi phạm pháp luật và tội phạm; Việc chấp hành pháp luật trong công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật của các cơ quan, đơn vị; Việc chấp hành pháp luật của Cơ quan điều tra trong tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố; khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt, tạm giữ, tạm giam, điều tra, giải quyết vụ án hình sự; Tình hình chấp hành pháp luật trong tiếp nhận, giải quyết khiếu nại, tố cáo của Cơ quan điều tra; Tình hình cơ sở vật chất, chất lượng đội ngũ cán bộ, những khó khăn, vướng mắc, tồn tại, hạn chế về cơ sở vật chất, công tác cán bộ và nguyên nhân, đồng thời phân tích làm rõ những nguyên nhân của tồn tại, hạn chế, bất cập; giải pháp thực hiện hiệu quả công tác của các đơn vị trong thời gian tới.
Quang cảnh buổi làm việc
Theo báo cáo tại hội nghị, tính từ ngày 15/12/2022 đến 14/11/2023, Công an TPHCM đã triển khai các đợt cao điểm tấn công, trấn áp các loại tội phạm, đảm bảo ANTT dịp lễ, Tết, đồng thời đã triển khai thực hiện quyết liệt Nghị quyết, Chương trình công tác năm 2023 ngay từ các tháng đầu năm (giao chỉ tiêu công tác năm cụ thể cho từng đơn vị, địa phương), các đơn vị thuộc Cơ quan CSĐT hai cấp trong CATP tăng cường công tác phòng ngừa, đấu tranh với các loại tội phạm hình sự, kinh tế, ma túy, qua đó không để tồn tại các băng nhóm tội phạm lộng hành, hoạt động công khai, thách thức dư luận.
Đoàn Giám sát của Ban Pháp chế Hội đồng nhân dân TPHCM
Về công tác đấu tranh với tội phạm về trật tự xã hội (TTXH), trong 11 tháng năm 2023, CATP ghi nhận xảy ra 5.844 vụ phạm tội về TTXH, đã điều tra, khám phá 3.440 vụ. Qua công tác phòng ngừa, đấu tranh cho thấy tội phạm về TTXH vẫn tiếp tục tiềm ẩn nhiều nguy cơ phức tạp, đặc biệt là tội phạm xâm phạm sức khỏe, nhân thân có dấu hiệu gia tăng với tính chất côn đồ, manh động, nguy hiểm cao.
Tội phạm xâm phạm sở hữu vẫn chiếm tỷ lệ cao trong cơ cấu tội phạm về TTXH, trong đó tội phạm trộm cắp tài sản chiếm 42,36% trong tổng số tội phạm về TTXH, nổi lên là các vụ trộm “nhập nha” trộm cắp tài sản giá trị lớn. CATP đã tập trung lực lượng truy xét, khám phá, bắt giữ các đối tượng thực hiện hành vi phạm tội, thu hồi tài sản bị chiếm đoạt.
Hầu hết các vụ án rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng, được dư luận xã hội quan tâm đều được tập trung điều tra, khám phá, bắt giữ nhanh đối tượng gây án. CATP đã tăng cường các biện pháp nghiệp vụ đấu tranh có hiệu quả đối với các băng nhóm tội phạm hoạt động có tổ chức và đổi mới phương thức tuần tra, kiểm soát, phát huy hiệu quả hoạt động của lực lượng tuần tra 363 nhằm kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý tội phạm và vi phạm pháp luật.
CATP cũng đã tập trung triệt phá các băng nhóm tội phạm “núp bóng” các cơ sở cầm đồ, công ty tài chính, công ty luật, cho vay nặng lãi và các hoạt động đòi nợ sau đó có dấu hiệu vi phạm pháp luật... Qua đó, CATP đã phát hiện 219 vụ, 346 đối tượng; khởi tố 81 vụ án, 217 bị can là các đối tượng thu hồi nợ về hành vi “Cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự”, “Cưỡng đoạt tài sản” thông qua phương thức đòi nợ kiểu đe dọa, khủng bố, tung tin sai sự thật và xử phạt vi phạm hành chính 26 vụ, 29 đối tượng.
Trong công tác đấu tranh phòng chống tội phạm tham nhũng, kinh tế, buôn lậu, CATP đấu tranh, phát hiện 1.378 vụ, 1.439 đối tượng có dấu hiệu vi phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu; khởi tố mới 226 vụ án, 626 bị can, xử lý vi phạm hành chính 952 vụ, 785 cá nhân, 180 tổ chức trong lĩnh vực trật tự quản lý kinh tế, phạt tiền hơn 21,7 tỷ đồng.
Tội phạm tham nhũng, chức vụ tiếp tục được nhận diện, phát hiện, xử lý triệt để ở các lĩnh vực kinh tế trọng điểm và xuyên suốt, đã khởi tố mới 53 vụ án, 334 bị can. Nổi bật, CATP đã tập trung mở rộng xử lý các đối tượng thuộc các Trung tâm đăng kiểm phương tiện cơ giới đường bộ, Chi cục đăng kiểm đường thủy có hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn được giao để đưa, nhận hối lộ trong quá trình đăng kiểm các loại phương tiện cơ giới đường bộ, đường thủy; trong lĩnh vực đào tạo, sát hạch lái xe; tình hình tội phạm tham nhũng, tiêu cực xảy ra trong các tổ chức, doanh nghiệp có xu hướng gia tăng.
Trên mặt trận đấu tranh phòng, chống tội phạm ma túy, lực lượng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy phát hiện, triệt phá 2.077 vụ, 4.537 đối tượng có hành vi vi phạm pháp luật về ma túy; thu giữ gần 800kg ma túy các loại, 49 cây cần sa tươi, 1.200ml dung dịch có chứa ma túy; 88,8kg tiền chất; 10,767kg chất chưa xác định, 36 khẩu súng; 253 viên đạn các loại cùng nhiều công cụ, phương tiện liên quan.
Theo Cơ quan CSĐT CATP, nguồn ma túy đi vào TPHCM chủ yếu từ Tam giác vàng qua Campuchia, Lào thẩm lậu qua các tỉnh giáp biên giới vào Việt Nam; được các đối tượng vận chuyển, mua bán trái phép chất ma túy từ các tuyến Tây Nam, Đông Bắc về TPHCM bằng đường bộ, đường sắt; từ các nước Châu Âu, Mỹ... vào TPHCM bằng đường hàng không dưới dạng “quà biếu” bằng chuyển phát nhanh hoặc hàng “xách tay” (thông qua việc lợi dụng người làm dịch vụ giao và chuyển hàng, du học sinh, tiếp viên hàng không) qua Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất với phương thức, thủ đoạn ngày càng tinh vi, nhằm che giấu các cơ quan chức năng.
CATP đã tập trung lực lượng, áp dụng đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ để phát hiện, điều tra, xử lý triệt để. Đồng thời, tiếp tục tăng cường công tác kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về ma túy tại các cơ sở kinh doanh có điều kiện về ANTT và tập trung đấu tranh, triệt xóa các điểm, tụ điểm phức tạp về ma túy…