Bồi dưỡng kỹ năng, nghiệp vụ trong hỗ trợ tổ chức các phiên tòa trực tuyến

Thứ Ba, 21/11/2023 16:53  | Mai Loan

|

(CAO) Sáng 21/11, tại Hà Nội, Cục Đào tạo, Bộ Công an khai giảng lớp bồi dưỡng kỹ năng, nghiệp vụ cho cán bộ, chiến sĩ CAND trực tiếp thực hiện các nhiệm vụ hỗ trợ tổ chức phiên tòa trực tuyến. Đại tá Phan Văn Mỹ, Phó Cục trưởng Cục đào tạo tới dự.

Học viên lớp bồi dưỡng là giảng viên, giáo viên thuộc các Học viện, trường CAND; cán bộ, lãnh đạo chỉ huy Công an các đơn vị, địa phương trực tiếp tham mưu, hướng dẫn và tổ chức triển khai thực hiện các nhiệm vụ hỗ trợ tổ chức phiên tòa trực tuyến.

Đại tá Phan Văn Mỹ phát biểu khai mạc lớp bồi dưỡng

Phát biểu tại lễ khai giảng, Đại tá Phan Văn Mỹ cho biết, ngày 12/11/2021, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 33/2021/QH15 về tổ chức phiên tòa trực tuyến. Thông qua việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 33 tại Tòa án các cấp, đến nay các phiên tòa trực tuyến đã đem lại nhiều hiệu quả như giảm thiểu tối đa các rủi ro có thể xảy ra cho người tiến hành tố tụng, người tham gia tố tụng, có thể phát sinh từ việc đi lại, di chuyển hồ sơ, vật chứng đến địa điểm mở phiên tòa; các phiên tòa được ghi hình, có âm thanh, lưu trữ hình ảnh, đảm bảo trích cứu khi cần thiết; việc tổ chức phiên tòa trực tuyến cũng giúp giảm thiểu thời gian khi tham gia phiên tòa cho người dân, cơ quan, tổ chức, đặc biệt là tiết kiệm chi phí cho xã hội và người dân…

Thực hiện Nghị quyết số 33 của Quốc hội và Thông tư liên tịch số 05/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BCA-BQP-BTP ngày 15/12/2021 của Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Tư pháp quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành tổ chức phiên tòa trực tuyến, lực lượng CAND các cấp đã tích cực tham gia, tổ chức lực lượng, triển khai có hiệu quả các hoạt động tố tụng và các nhiệm vụ hỗ trợ tổ chức phiên tòa trực tuyến trong CAND theo đúng chức năng, nhiệm vụ được giao.

Học viên tham dự lớp bồi dưỡng 

Đại tá Phan Văn Mỹ nhấn mạnh, thời gian tới, việc tổ chức phiên tòa trực tuyến sẽ tiếp tục phát huy hiệu quả trong thực tiễn, nhất là kết hợp với việc ứng dụng thành tựu công cuộc cách mạng khoa học công nghệ 4.0, chuyển đổi số vào hoạt động cơ quan nhà nước nói chung, hoạt động tư pháp nói riêng sẽ giúp hỗ trợ công tác xét xử nhanh chóng, kịp thời, đồng thời giúp đương sự, bị can, bị cáo đang cư trú hoặc bị tạm giam ở những vùng bị thiên tai hoặc vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc khó khăn dễ dàng tham gia phiên tòa mà không phải đến trực tiếp, giúp bảo vệ quyền và lợi ích của các cá nhân, tổ chức, góp phần đảm bảo tư pháp không chậm trễ và giữ gìn ổn định trật tự xã hội.

Cũng theo Đại tá Phan Văn Mỹ, thực hiện nhiệm vụ lãnh đạo Bộ Công an giao, Cục Đào tạo đã phối hợp với các đơn vị có liên quan nghiên cứu, xây dựng, ban hành chương trình bồi dưỡng và tài liệu bồi dưỡng kỹ năng, nghiệp vụ cho cán bộ chiến sĩ CAND trực tiếp thực hiện các nhiệm vụ hỗ trợ tổ chức phiên tòa trực tuyến. Đồng thời, Cục Đào tạo tổ chức lớp bồi dưỡng cho đối tượng là giảng viên, giáo viên của các học viện, trường CAND và cán bộ, lãnh đạo, chỉ huy của Công an đơn vị, địa phương trực tiếp làm nhiệm vụ tham mưu, hướng dẫn và tổ chức triển khai thực hiện các nhiệm vụ hỗ trợ tổ chức phiên tòa trực tuyến.

Các đại biểu cùng học viên tại lớp bồi dưỡng nghiệp vụ

Đại tá Phan Văn Mỹ hy vọng, sau khi được cập nhật, bổ sung các chủ trương, đường lối, quan điểm của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, các quy định của Bộ Công an và các Bộ, ban ngành khác về tổ chức phiên tòa trực tuyến, các đồng chí học viên sẽ là đội ngũ cán bộ tham gia giảng dạy tại các lớp bồi dưỡng mở tại Công an đơn vị, địa phương; góp phần nâng cao nhận thức và trang bị kỹ năng cũng như trình độ nghiệp vụ của cán bộ, chiến sĩ trực tiếp thực hiện các nhiệm vụ hỗ trợ tổ chức phiên tòa trực tuyến nhằm đáp ứng yêu cầu thực tiễn công tác điều tra, truy tố, xét xử, góp phần xây dựng Tòa án điện tử, đảm bảo yêu cầu cải cách tư pháp trong giai đoạn hiện nay.

Bình luận (0)

Lên đầu trang