Nỗi lo chất lượng nguồn nhân lực du lịch

Thứ Ba, 21/11/2023 09:21

|

(CATP) Sau đại dịch, ngành du lịch Việt Nam giống như bệnh nhân vừa thoát qua cửa tử. Việc bình phục nhanh hay chậm tùy thuộc vào tài năng và trách nhiệm của những người liên quan.

Nguồn nhân lực biến động chưa từng có

Đại dịch Covid-19 làm cho ngành du lịch đóng băng, các doanh nghiệp lần lượt cắt giảm 70 - 80% nhân sự. Theo thống kê của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch trong năm 2021, số lao động làm đủ thời gian chỉ chiếm 25% so với năm 2020, lao động nghỉ việc hoặc chấm dứt hợp đồng chiếm khoảng 30%, lao động tạm nghỉ việc khoảng 35%, 10% lao động làm việc cầm chừng.

Cho đến nay, sau gần 2 năm mở cửa trở lại (15/3/2022), ngành du lịch hồi phục 69% so với cùng kỳ 2019. Ngay khi "sức khỏe" ngành du lịch dần hồi phục, lại đối diện với thực trạng thiếu hụt nguồn nhân lực do có sự dịch chuyển nguồn nhân lực của ngành này sang ngành khác. Hơn một năm qua, mặc cho tiếng gọi "trở về mái nhà xưa", nhiều lao động đã rời đi "quyết chẳng trở về". Dẫn đến thực trạng không vui khi nguồn nhân lực có chuyên môn bị mất cân đối trầm trọng.

Giải pháp bổ sung nguồn nhân lực thiếu hụt được rất nhiều đơn vị lữ hành, nhà hàng, khách sạn... "rao" trên các phương tiện truyền thông nhằm tìm kiếm nguồn nhân lực khả dĩ chất lượng. Hơn một năm qua, người ta còn chứng kiến tại các ngày hội du lịch, ngày hội việc làm có rất nhiều doanh nghiệp trong ngành du lịch tham gia tìm kiếm nguồn nhân lực thay thế. Thế nhưng, nỗ lực "đãi cát tìm vàng" vẫn chưa mang lại hiệu quả như các nhà tuyển dụng mong muốn.

Hướng dẫn du khách tham quan ngôi chùa ở quận 5

Tại hội thảo nguồn nhân lực du lịch diễn ra hồi giữa năm 2023 (TPHCM), bà Đoàn Trần Phương Thảo, Giám đốc nhân sự Tập đoàn IHG (khách sạn InterContinental SaiGon) cho biết, chỉ tính riêng ngành du lịch TPHCM năm 2022 - 2023 cần 40.000 lao động có trình độ; các trường đào tạo nghề hiện nay chỉ mới đáp ứng được 15.000 lao động. Đây là khó khăn chung của các nhà tuyển dụng và cơ sở đào tạo. Về chất lượng chuyên môn, kỹ năng thực hành chưa được cải thiện nhiều. Chương trình đào tạo chưa sát với công việc thực tế tuyển dụng. Trình độ ngoại ngữ của lực lượng lao động chưa cao, còn gặp nhiều phàn nàn từ khách hàng.

Có một điều những tưởng nhỏ, ít ai chú ý, rằng tại TPHCM có khoảng 200 cơ sở đào tạo du lịch, thế nhưng tính liên thông chương trình, kết cấu chương trình đào tạo giữa các cơ sở chưa đồng nhất. Các cơ sở đào tạo nhân lực du lịch hiện nay còn gặp nhiều bất cập về cả cơ sở vật chất kỹ thuật, nội dung chương trình giảng dạy cũng như đội ngũ giảng viên và cán bộ quản lý đào tạo chưa thống nhất dẫn đến sự chênh lệch chất lượng đầu ra.

Trong một lần trao đổi vấn đề trên, giám đốc nhân sự một công ty du lịch có tiếng ở TPHCM, chia sẻ: 90% lực lượng ứng viên mới tốt nghiệp đều cần đào tạo lại mới có thể thích ứng dần với công việc. Kỹ năng giao tiếp và xử lý các tình huống phát sinh trong quá trình làm việc với khách hàng, với đồng nghiệp của một số ứng viên còn nhiều hạn chế. Năng lực ngoại ngữ và thái độ làm việc chưa đạt như kỳ vọng.

"Với chiến lược phát triển của ngành du lịch hiện nay, yêu cầu về chuyên môn nghiệp vụ, năng lực ngoại ngữ và kinh nghiệm làm nghề cũng khắt khe hơn. Điều này cũng dễ hiểu, thông thường trong kinh doanh chất lượng sản phẩm dịch vụ được quyết định bởi chất lượng nguồn nhân lực", CEO này khẳng định.

Danh thắng quốc gia rất được du khách trong và ngoài nước yêu thích

Doanh nghiệp thay đổi tư duy tuyển dụng

Theo Th.s Phan Bửu Toàn, Phó Hiệu trưởng thường trực trường Cao đẳng Du lịch Sài Gòn, sau dịch Covid-19, lĩnh vực nhà hàng, khách sạn (NHKS) tụt xuống tận đáy, trong khi lữ hành nội địa hồi phục nhanh hơn. Trong bức tranh tuyển sinh năm 2023 của trường, xu hướng sinh viên chọn khối lữ hành áp đảo khối NHKS. Trong khi lĩnh vực NHKS bao giờ cũng cần nhiều nhân sự. Vì sao? Tâm lý giới trẻ ngày nay thích xê dịch hơn, cho rằng đi chơi là sung sướng, còn phục vụ "buồng" là "buồn". Có thể nói giới trẻ bây giờ chọn lựa nghề nghiệp chú trọng "bề ngoài" nhiều hơn là thực chất "bên trong" công việc.

Để thấy rõ hơn bức tranh nguồn nhân lực du lịch, Th.s Toàn nói thị trường TPHCM là nơi cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao cho cả nước (đại học & sau đại học). Trong khi thực tế có bằng thạc sĩ, đại học liệu có chịu vào NHKS làm không? Vì rằng họ được đào tạo ra làm nghiên cứu, quản lý, chứ không được đào tạo thực hành chuyên sâu như hệ cao đẳng hay trung cấp nghề. Thế nên khi ra trường, doanh nghiệp và người lao động "chất lượng cao" khó tìm thấy nhau trong thực tế công việc. Trong khi tại các doanh nghiệp du lịch hiện nay rất cần người làm công việc thực tế. Qua đó cho thấy, doanh nghiệp giờ đây thay đổi tư duy tuyển dụng. Có bằng cấp nhưng có làm được việc không? Cho nên có bằng cấp chưa chắc có việc làm là trình trạng thất nghiệp như đã thấy.

Đồng quan điểm trên, bà Nguyễn Thị Kim Trang, Phó giám đốc khách sạn Viễn Đông, nói có nhiều bạn do học mà không định hướng trước nên ra trường gặp khó khăn trong công việc. Ngành NHKS đang cần nhân viên buồng phòng, tiếp tân, bảo vệ... nhưng trường không hút được sinh viên vào, nên có tình trạng chỗ thiếu, chỗ thừa. "Hiện nay, rất ít trường đào tạo ngành du lịch sinh viên ra trường có việc làm ngay. Những trường này thường rất chú trọng việc định hướng cho sinh viên ngay từ đầu trong việc chọn lựa ngành nghề. Sinh viên phải như thế nào mới đáp ứng công việc mà họ sẽ làm sau khi học xong. Đến khi ra trường làm đúng nơi, đúng việc nên khá dễ dàng. Nhiều sinh viên trong thời gian thực tập đã được doanh nghiệp mời ở lại làm việc. Đây là việc phải làm và thể hiện trách nhiệm của trường đối với sinh viên của mình", bà Trang cho biết thêm.

Tại Hội nghị trực tuyến Phát triển du lịch Việt Nam vào ngày 15/11 vừa qua, do Thủ tướng Chính phủ chủ trì, yêu cầu các địa phương, lãnh đạo ngành du lịch chú trọng công tác đào tạo, phát triển nguồn nhân lực du lịch, bảo đảm đủ về số lượng, cân đối về cơ cấu ngành nghề và chất lượng, phù hợp với yêu cầu cạnh tranh và hội nhập. Đây là hội nghị chuyên đề lần thứ hai tổ chức trong năm 2023, cả hai lần đều khẳng định tầm quan trọng trong công tác đào tạo, phát triển nguồn nhân lực du lịch.

Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch và đào tạo nhân lực du lịch chất lượng cao luôn là một đòi hỏi tất yếu trong thời đại kỷ nguyên số. Để phát triển nhanh, bền vững, đưa ngành du lịch Việt Nam thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, việc ưu tiên tập trung phát triển nguồn nhân lực chất lượng là cấp thiết, quan trọng hơn hết trong chiến lược phát triển du lịch quốc gia. Muốn vậy, phải tập trung tối đa nguồn lực cho công tác đào tạo, tái đào tạo nguồn nhân lực chuyên nghiệp, có tay nghề và kỹ năng. Do đó, việc khôi phục và phát triển nguồn nhân lực du lịch chất lượng để góp phần phục hồi và phát triển ngành du lịch phù hợp với xu thế mới là hết sức quan trọng và cần thiết.

Bình luận (0)

Lên đầu trang