Lễ hội truyền thống Văn hoá - Du lịch Dinh Thầy Thím 2023

Thứ Sáu, 27/10/2023 14:50  | Lê Long

|

(CAO) Dinh Thầy Thím là một địa điểm du lịch tâm linh nổi tiếng đã được Bộ Văn hóa, Thể Thao và Du lịch công nhận là Di tích Kiến trúc – Nghệ thuật quốc gia vào năm 1997.

Lễ hội diễn ra trong 3 ngày, từ 28 - 30/10/2023 (14 – 16/9 âm lịch) tại Dinh Thầy Thím, xã Tân Tiến, thị xã La Gi, Bình Thuận.

Dinh Thầy Thím đã có lịch sử hơn 140 năm, trong khu rừng tĩnh mịch, trên nền cát trắng và chỉ cách trung tâm La Gi 12 km về hướng Tây Bắc.

Đây là điểm đến có giá trị về văn hóa tâm linh, lịch sử, nghệ thuật điêu khắc, được người dân tôn thờ, thu hút rất đông khách thập phương đến cúng bái, chiêm ngưỡng.

Phần lễ của chương trình gồm các nghi thức như lễ nghinh thần với nghi thức thỉnh linh Thầy Thím từ mộ cách dinh theo đường vòng khoảng 7 cây số, rước sắc phong và bằng công nhận di tích, lễ nhập điện an vị, dâng cỗ bánh cúng Thầy Thím, cúng ngọ chay, thí thực phát lộc, lễ thỉnh sanh, giỗ tiền hiền và cúng binh gia, nghi thức chánh lễ.

Đêm khai hội dự kiến đầy sắc màu văn hóa dân gian, trở thành một phần hội hoành tráng nhất trong chuỗi lễ hội. Nghi thức lễ trang trọng bắt đầu từ lễ dâng hương tri ân công đức Thành hoàng, tiền hiền hậu hiền, với mục đích giáo dục lòng yêu quê hương, sống đạo nghĩa, tỏ lòng biết ơn các bậc tiền nhân. Chương trình sân khấu hóa về sự tích Thầy Thím, giới thiệu cuộc đời và công đức của Thầy Thím; quầy khám chữa bệnh và cấp phát thuốc Đông y miễn phí; giới thiệu những kỹ năng đóng thuyền đi biển của Thầy; những địa danh gắn liền với truyền thuyết như: Bàu Cát, tượng Bạch Hổ, Hắc Hổ…

Phần hội dinh Thầy Thím còn tổ chức các trò chơi dân gian đậm nét xứ biển như khiêng thúng ra khơi, hội thi gánh cá, đan lưới, kéo co, giải cờ tướng, hội thi chim hót…

Một số hình ảnh tại lễ hội Dinh Thầy Thím

Lễ hội Dinh Thầy Thím được coi là lễ hội truyền thống, tiêu biểu, là di sản văn hóa chung của nhiều tỉnh, thành lân cận ở khu vực phía Nam, là nơi củng cố, tăng cường mối đoàn kết, tương thân tương ái, nâng cao ý thức về cội nguồn dân tộc, giá trị đạo đức, nhân cách sống, gắn kết các thành viên trong cộng đồng lại với nhau, hình thành nên một nếp sống cao đẹp và tình làng nghĩa xóm ngày càng bền chặt hơn.

Bình luận (0)

Lên đầu trang