Kỷ niệm 93 năm Ngày Phụ nữ Việt Nam (20/10/1930 - 20/10/2023):

Lê Thị Kim - nữ sĩ đa tài

Thứ Tư, 18/10/2023 09:44

|

(CATP) Hơn 40 năm qua, "kỳ nữ" (người con gái tài, sắc) Lê Thị Kim (LTK) đã "lên báo", "lên tivi"... rất nhiều và được vô số người yêu thơ, họa các thời kỳ mến mộ. Nhưng không nhiều người biết rằng bên cạnh những thành công rực rỡ về nghệ thuật, khoa học hay kinh doanh, LTK là một số phận chịu nhiều thử thách.

Mười năm "trung thành" với thơ

Tên thật là Lê Thị Ngà, SN 1950 ở Thanh Hóa. Gia đình có 6 chị em và cả mẹ cùng lót chữ "Kim" nên chị chọn bút danh "Kim" đến bây giờ. Chị đến với thơ từ thời đầu sinh viên khoa Hóa - Đại học Khoa học. Có một buổi hẹn hò và người ấy đã trễ hẹn làm chị buồn, nảy ra bài thơ Hoa tím... Đó là sáng tác đầu tay của LTK, nhưng chị bắt đầu được chú ý với bài Khi tình yêu đến đăng trên Báo Văn nghệ TPHCM năm 1978; sau đó là bài Đừng nhìn em như thế được nhiều nhạc sĩ cùng phổ nhạc... Trong năm 1980, chị được tặng thưởng thơ hay của Báo Văn nghệ - Hội Nhà văn Việt Nam cho cụm thơ 3 bài được giới sinh viên thời đó rất thích: Thu, Vòm me mùa hạ, Tôi và cỏ.

Năm 1980 dù chưa ra Trường Sa, nhưng chị cũng làm nhiều người kinh ngạc, với bài Gần lắm Trường Sa, bài thơ được phổ nhạc. Là nữ nhà thơ duy nhất tham gia nhóm ca khúc chính trị của Hội Trí thức yêu nước với những sáng tác nổi bật, lưu diễn nhiều nơi, nên LTK càng được nhiều người biết đến. Năm 1990, chị được bạn đọc Báo Tuổi Trẻ bầu chọn là nhà thơ trẻ được yêu thích nhất. Hai lần được biểu dương Văn học trẻ TPHCM 20 năm và 30 năm vào các đợt 1975 - 1995, 1975 - 2005; chị còn được vào danh sách 13 phụ nữ tài năng của TPHCM cùng nhiều người nổi tiếng trên các lĩnh vực khác...

Tổng Biên tập Báo Công an TPHCM Huỳnh Bá Thành trao đổi với nhà văn Sơn Nam (đeo kiếng, quay lưng) trong ngày khai mạc triển lãm tranh LTK (tháng 01/1993)

Những cô gái "cổ dài"

Sau hơn 10 năm (1978 - 1989) rất thành công với thơ, năm 1990 LTK âm thầm chuyển sang vẽ tranh. Chị cho biết đã học vẽ từ cha - một thầy giáo dạy toán và Pháp văn, nhưng đam mê hội họa. Nhớ cha chị lại cầm cọ... Đầu tháng 01/1993, giáp Tết Quý Dậu, tại Tòa soạn Báo Công an TPHCM, 110 Nguyễn Du, quận 1, nhà thơ LTK đã mở triển lãm tranh đầu tiên với 38 bức sơn dầu. 33 năm sau, chị kể với chúng tôi rằng: "Anh Huỳnh Bá Thành - Tổng biên tập Báo CATPHCM khi ấy (vốn là họa sĩ Ớt nổi tiếng từ trước 1975) - đã đánh giá cao các tác phẩm hội họa của Kim với câu nói nhiều người còn nhớ: "Tranh đẹp vầy mà không triển lãm thì uổng phí quá!".

Ngày ấy Báo CATPHCM khai trương những phòng tranh từ thiện, bán các tác phẩm của các họa sĩ nổi tiếng như vậy. 50% số tiền thu được sẽ trở thành những phần quà Tết cho đồng bào nghèo ở khắp các vùng miền đất nước. Trong 38 bức tranh của LTK triển lãm hôm đó, đã bán được 22 bức với số tiền 12.000 USD, tương đương với 30 lượng vàng (theo giá vàng hiện nay khoảng 2 tỷ đồng), một nửa trong số tiền đó được đưa vào Quỹ từ thiện - xã hội của Báo CATPHCM để giúp đỡ đồng bào nghèo...

Đầu tháng 12/2016, tại Hội Mỹ thuật TPHCM, LTK tổ chức triển lãm tranh lần 2 với chủ đề "Thanh âm từ lồng ngực trái". Lần này tác phẩm của chị triển lãm cùng tác phẩm của con trai là họa sĩ Nguyễn Trọng Hiếu, SN 1993. Chị dạy con vẽ tranh và cùng triển lãm. Hai mẹ con đã trích ra 76 triệu đồng từ tiền bán tranh để góp vào Quỹ học bổng Môtô do nhà văn Nguyễn Đông Thức và Đoàn Thạch Biền thành lập từ năm 2012.

Lê Thị Kim và một bức tranh trong triển lãm tại Tòa soạn Báo Công an TPHCM (tháng 01/1993)

Lần thứ 3, tranh LTK xuất hiện trong Gallery Littman - Trường Đại học Portland, Oregon, Hoa Kỳ vào tháng 8/2010 cùng một số họa sĩ nữ Việt Nam, như: Cao Thị Được, Đặng Thị Dương, Trần Thùy Linh, Nguyễn Thị Quang Vinh...

Nhiều người đánh giá tranh của LTK tràn đầy nữ tính với màu tím chủ đạo (đây là màu áo dài đồng phục của trường nữ trung học Gia Long ngày xưa - nơi chị từng học), những nét vẽ duyên dáng, nhẹ nhàng như thơ của chị. Đặc biệt chị thường vẽ những cô gái có cổ dài, rất dài với biểu cảm rất tâm tư, sâu lắng. Chúng tôi đã hỏi vì sao, và chị giải thích: "Trong cuộc sống Kim gặp nhiều điều không may, như chồng (nhà văn Đông Quân) chết khi hai con trai còn nhỏ, Kim phải một mình nuôi con. Con trai út của Kim không may bị khuyết tật, Kim phải cố làm mọi cách để giúp con... rồi vô vàn những khó khăn, thử thách khác...

Bức tranh "cô gái cổ dài" của LTK bán được giá cao

Những cô gái trong tranh của Kim muốn ngẩng cao đầu để tìm hướng đi, để vượt qua chính mình, để chu toàn bổn phận làm người... Vì thế họ có cổ dài hoặc rất dài"... Nhờ những ước vọng và tâm tư trong sáng tác này, tranh LTK trở nên độc đáo, rất riêng, không "đụng hàng" và gây tò mò, thích thú cho người mê tranh. Theo thông tin báo chí, vào cuối tháng 10/2020, 27 nữ họa sĩ trưng bày 38 tác phẩm tại triển lãm "Nhịp cầu xanh 2020", nhằm góp tiền bán tranh ủng hộ đồng bào bị thiệt hại vì lũ lụt ở miền Trung. Bức tranh Mắt tím của nhà thơ LTK vẽ một cô gái cổ rất dài, tóc bay theo gió và hoa đã bán được giá cao nhất (khoảng 1.000 USD)...

Những nghị lực phi thường cùng với tài năng của chị đã để lại cho đời hàng trăm tác phẩm thơ, nhạc, họa... Cùng tấm lòng hướng đến thương yêu, chia sẻ...

Bình luận (0)

Lên đầu trang