Công đoàn Công an TPHCM tổ chức về nguồn, sinh hoạt chính trị ý nghĩa

Thứ Bảy, 07/10/2023 21:22

|

(CAO) Nhằm thiết thực chào mừng thành công Đại hội Công đoàn Công an TP.HCM, tiến tới chào mừng Đại hội VI Công đoàn CAND và Đại hội XIII Công đoàn Việt Nam, nhiệm kỳ 2023_2028, Công đoàn Công an TP.Hồ Chí Minh vừa tổ chức đợt sinh hoạt chính trị về nguồn, kết hợp tuyên dương cán bộ, đoàn viên công đoàn có thành tích xuất sắc trong Đợt thi đua đặc biệt chào mừng kỷ niệm 30 năm Ngày thành lập Công đoàn Công an nhân dân (12/6/1993_ 12/6/2023). Hoạt động ý nghĩa này được công đoàn viên, người lao động trong Công đoàn CATP nhiệt liệt hưởng ứng và đánh giá cao.

Xác định sinh hoạt chính trị là một trong những hoạt động rất cần thiết nhằm tuyên truyền, giáo dục đạo lý 'uống nước nhớ nguồn', thể hiện lòng biết ơn của thế hệ trẻ với các bậc tiền nhân đã có công dựng nước và giữ nước, đồng thời cũng kích thích người lao động hăng say làm việc, tích cực sáng tạo để đạt được hiệu quả cao nhất trong công việc, nên năm nào Công đoàn Công an TP.HCM cũng tổ chức đợt sinh hoạt chính trị về nguồn.

Năm nay, chương trình có ý nghĩa đặc biệt hơn khi thiết thực chào mừng thành công Đại hội Công đoàn CATP, tiến tới chào mừng Đại hội VI Công đoàn CAND và Đại hội XIII Công đoàn Việt Nam, nhiệm kỳ 2023 - 2028; kết hợp tuyên dương cán bộ, đoàn viên công đoàn có thành tích xuất sắc trong Đợt thi đua đặc biệt chào mừng kỷ niệm 30 năm Ngày thành lập Công đoàn Công an nhân dân (12/6/1993 - 12/6/2023). Vì ý nghĩa đặc biệt này, Công đoàn CATP đã chọn điểm đến về nguồn năm nay là Đồng Tháp và An Giang vào các ngày 06 và 07/10/2023.

Trưởng ban tổ chức đợt sinh hoạt chính trị về nguồn lần này là Thượng tá Trần Anh Thanh - Phó trưởng Phòng Công tác Đảng và công tác Chính trị CATP; Trung tá Cao Hoài Nam - Phó trưởng Ban phụ trách Công đoàn làm Phó trưởng Ban, cùng nhiều cán bộ công đoàn chủ chốt và các đoàn viên ưu tú. 

Trung tá Cao Hoài Nam thay mặt Đoàn báo công tại mộ Cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc

Điểm đầu tiên Đoàn chọn để dâng hương, báo công là Khu di tích Cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc. Là người dân Việt Nam chắc ai cũng ít nhiều hiểu biết về những đóng góp của Cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc cho đất nước. Cuộc đời Cụ có thể tóm lược: Sau khi đỗ Cử Nhân (1894) rồi Phó bảng vào năm Tân Sửu (1901), Cụ không ra làm quan mà về quê dạy học, sống hòa mình với bà con nghèo khổ, bạn đồng tâm và giáo dục con cái. Năm 1906, Cụ buộc phải ra làm quan, nhận chức Thừa biện Bộ Lễ, rồi Tri phủ lĩnh nhiệm tri huyện Bình Khê (Bình Định). Cụ thường bênh vực, giúp đỡ người nghèo, người thiếu thuế, chống thuế bị giam cầm, trừng trị bọn cường hào... Do đó Cụ bị cắt chức vào năm 1910.

Công đoàn viên dâng hương cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc

Ngày 26 tháng 2 năm 1911, Cụ Nguyễn Sinh Sắc xuống tàu từ Đà Nẵng vào Sài Gòn, cùng con trai Nguyễn Tất Thành (Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại của dân tộc Việt Nam) xuống Mỹ Tho gặp cụ Phan Châu Trinh (một người bạn của cụ đang hoạt động cách mạng, cũng là người có nhiều quan điểm, tư tưởng giống cụ), lúc này cụ Phan Châu Trinh đang chuẩn bị sang Pháp. Sau đó, Cụ Sắc ở lại Sài Gòn, miền Nam một thời gian, dạy chữ Nho và làm một số công việc khác để kiếm sống. 

Gần cuối đời, Cụ đến định cư tại làng Hội Hòa An, Sa Đéc, Đồng Tháp. Cụ từ trần ngày 27 tháng 11 năm 1929. Phần mộ của Cụ hiện nằm ở đường Phạm Hữu Lầu, phường 4, thành phố Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp.

Đoàn chụp ảnh lưu niệm tại Mộ Cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc

Chiều cùng ngày, Đoàn tiếp tục dâng hương báo công tại Khu lưu niệm Chủ tịch Tôn Đức Thắng, ở Cù lao Ông Hổ, xã Mỹ Hòa Hưng, thành phố Long Xuyên, tỉnh An Giang. Chủ tịch Tôn Đức Thắng là người chiến sĩ cộng sản kiên trung của cách mạng Việt Nam, là người bạn chiến đấu thân thiết của Chủ tịch Hồ Chí Minh, người con ưu tú là niềm tự hào của dân tộc và quê hương An Giang. Trải qua 92 tuổi đời, hơn 60 năm hoạt động cách mạng, Bác Tôn đã cống hiến cả cuộc đời mình cho sự nghiệp cách mạng Việt Nam, vì độc lập tự do cho Tổ quốc, vì hạnh phúc của nhân dân, vì sự phát triển của phong trào cộng sản và công nhân quốc tế.

Các bộ, công đoàn viên Công đoàn CATP dâng hương tại Đền thờ Bác Tôn Đức Thắng

Bác Tôn Đức Thắng là hình mẫu phong phú, hoàn chỉnh về lối sống nhân cách, đạo đức cách mạng suốt đời hết lòng, hết sức phục vụ nhân dân. Đặc biệt, Bác Tôn là người đặt nền móng cho tổ chức Công đoàn Việt Nam, là thế hệ công nhân đầu tiên của giai cấp công nhân Việt Nam, một hình mẫu về sự uyên thâm nghề nghiệp. Đối với giai cấp công nhân và tổ chức Công đoàn Việt Nam, cuộc đời và sự nghiệp của Bác Tôn là di sản quý báu, tạo nền tảng định hướng cho tổ chức hoạt động của Công đoàn Việt Nam không chỉ trong cách mạng giải phóng dân tộc mà cả trong xây dựng và phát triển đất nước. 

Các công đoàn viên ưu tú dâng hương lên Bác Tôn

Tại các điểm dâng hương, báo công với Cụ thân sinh của Bác Hồ và Chủ tịch Tôn Đức Thắng, các cán bộ chiến sĩ, đoàn viên Công đoàn CATP thành kính, trang nghiêm tưởng nhớ và tỏ lòng biết ơn sâu sắc đến các vị tiền bối đã có công dựng xây đất nước qua các thời kỳ, giai đoạn lịch sử. Trung tá Cao Hòa Nam thay mặt Công đoàn Công an TPHCM đọc diễn văn báo công.

Phần nội dung báo công cho biết trong những năm qua công đoàn viên, người lao động trong CATP không ngừng sáng tạo, đã đóng góp hàng trăm sáng kiến trong việc ứng dụng khoa học, công nghệ vào công tác chuyên môn nên đạt được hiệu quả tốt cho công việc. Song song đó, đoàn viên người lao động trong CATP còn tích cực chuyển đổi số, thực hiện tốt Đề án 06... đã mang lại cho nhân dân những tiện ích tối đa, giảm thiểu tốn kém và phiền phức vì thủ tục hành chính... Cùng với đó, việc chăm lo cho đời sống công đoàn viên, người lao động cũng được  Công đoàn quan tâm nhiều nhất có thể, tạo điều kiện cho họ yên tâm làm việc, cống hiến cho đất nước.

Đoàn chụp ảnh lưu niệm tại Đền thờ Bác Tôn

Trong khuôn khổ đợt sinh hoạt về nguồn, Công đoàn Công an TPHCM còn tổ chức giao lưu với Công đoàn Công an tỉnh An Giang. Đây là hoạt động sôi nổi, được các đoàn viên công đoàn nhiệt tình hưởng ứng vì học hỏi được nhiều kinh nghiệm từ đồng nghiệp, thắt chặt hơn mối kết giao giữa các đơn vị để cùng tiến, mang lại hiệu quả tốt nhất cho công việc.

Chia sẻ về đợt sinh hoạt chính trị lần này, Thiếu tá Lê Tiến Đắc- Công đoàn viên Nhà tạm giam- tạm giữ Chí Hòa phát biểu: "Mỗi lần tham gia sinh hoạt chính trị lại giúp cho tôi có thêm nhiều hiểu biết về các bậc tiền nhân, anh hùng, liệt sĩ, những cống hiến, hy sinh của bao lớp cha ông đi trước để chúng ta có được đất nước thanh bình, phát triển như hôm nay. Chúng ta thật tự hào biết bao về thế hệ đi trước, đồng thời cũng thôi thúc thế hệ trẻ quyết tâm hăng say lao động, không ngừng sáng tạo, áp dụng mọi tiến bộ của khoa học, công nghệ để dựng xây đất nước ngày càng mạnh giàu, tươi đẹp hơn".

Lần đầu tiên tham gia sinh hoạt chính trị về nguồn, chị Hà Thị Loan, Ban Chuyên đề Công an TPHCM hào hứng: "Đây là một hoạt động rất có ý nghĩa, tôi mới tham dự lần đầu nhưng thấy thật thú vị, học hỏi được rất nhiều điều bổ ích. Ngoài việc được tuyên truyền, giáo dục về truyền thống uống nước nhớ nguồn, đợt sinh hoạt chính trị này còn mở ra cơ hội giao lưu giữa CATP với tỉnh bạn An Giang, cũng như kết nối, thắt chặt sự khắng khít giữa các đơn vị trong CATP".

Bình luận (0)

Lên đầu trang