Luật Cư trú 2020: Những điều người dân cần biết trong đăng ký thường trú

Thứ Sáu, 24/11/2023 11:52  | Ngọc Anh

|

(CAO) Trong ngày tập huấn đầu tiên khóa tập huấn chuyên sâu về Luật Cư trú năm 2020 phục vụ thực hiện Đề án Phát triển ứng dụng dữ liệu dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số Quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến 2030 (gọi tắt là Đề án 06), rất nhiều vấn đề liên quan đến Luật Cư trú 2020 đã được đề cập và giải đáp. Đây là những vấn đề mà người dân hết sức quan tâm, đặc biệt là về đăng ký thường trú lần đầu đối với trẻ sơ sinh.

CBCS tham gia khoá tập huấn

Trẻ em luôn được ưu tiên

Ngoài những trường hợp quy định tại Khoản 2 Điều 20 Luật Cư trú 2020 là vợ về ở với chồng; chồng về ở với vợ ; con về ở với cha, mẹ; cha, mẹ về ở với con; Điều 23 Luật Cư trú 2020 quy định những địa điểm không được đăng ký thường trú mới bao gồm:

1. Chỗ ở nằm trong địa điểm cấm, khu vực cấm xây dựng hoặc lấn, chiếm hành lang bảo vệ quốc phòng, an ninh, giao thông, thủy lợi, đê điều, năng lượng, mốc giới bảo vệ công trình hạ tầng kỹ thuật, di tích lịch sử - văn hóa đã được xếp hạng, khu vực đã được cảnh báo về nguy cơ lở đất, lũ quét, lũ ống và khu vực bảo vệ công trình khác theo quy định của pháp luật.

2. Chỗ ở mà toàn bộ diện tích nhà ở nằm trên đất lấn, chiếm trái phép hoặc chỗ ở xây dựng trên diện tích đất không đủ điều kiện xây dựng theo quy định của pháp luật.

3. Chỗ ở đã có quyết định thu hồi đất và quyết định phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư của cơ quan nhà nước có thẩm quyền; chỗ ở là nhà ở mà một phần hoặc toàn bộ diện tích nhà ở đang có tranh chấp, khiếu nại liên quan đến quyền sở hữu, quyền sử dụng nhưng chưa được giải quyết theo quy định của pháp luật.

4. Chỗ ở bị tịch thu theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền; phương tiện được dùng làm nơi đăng ký thường trú đã bị xóa đăng ký phương tiện hoặc không có giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường theo quy định của pháp luật

5. Chỗ ở là nhà ở đã có quyết định phá dỡ của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Thực tế phát sinh là trường hợp trẻ em mới sinh hoặc trẻ em chưa đăng ký thường trú bất kỳ nơi nào muốn đăng ký thường trú lần đầu theo cha, mẹ nhưng chỗ ở đã bán hoặc đang tranh chấp, khiếu kiện; chỗ ở đã có quyết định thu hồi đất nhưng chưa có phương án bồi thường,...mà cha, mẹ chưa có chỗ ở hợp pháp mới (cha, mẹ vẫn còn thường trú tại địa chỉ trên).

Chủ sở hữu mới hoặc việc tranh chấp, khiếu kiện giữa các thành viên trong hộ gia đình chưa giải quyết xong dẫn đến việc không đồng ý cho đăng ký thường trú lần đầu đối với những trường hợp trẻ em nêu trên, gây bất cập và khó khăn trong việc đăng ký cư trú và nhập học của trẻ.

Ở trường hợp này, CATP đưa ra hướng mở nhằm tạo điều kiện bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của trẻ em theo quy định của pháp luật thì tại dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung các thông tư quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Cư trú đã quy định khi giải quyết đăng ký thường trú cho trẻ em mới sinh hoặc trẻ em chưa đăng ký thường trú bất kỳ nơi nào theo cha, mẹ nhưng chỗ đang tranh chấp, khiếu kiện về quyền sở hữu thì không cần phải có ý kiến đồng ý của chủ sở hữu chỗ ở hợp pháp đó trong trường hợp không xác định được chủ sở hữu, trừ trường hợp chỗ ở đã bán.

Riêng với trường hợp chỗ ở đã có quyết định thu hồi đất nhưng chưa có phương án bồi thường mà cha, mẹ chưa có chỗ ở hợp pháp mới thì vận dụng giải quyết như đối với chỗ ở đang có tranh chấp, khiếu kiện.

Cần ý kiến đồng ý của các đồng thừa kế khi có nhiều người thừa kế

Bên cạnh đó, khi áp dụng thực tế còn phát sinh trường hợp cha, mẹ không phải chủ sở hữu hợp pháp, trẻ sinh ra có được nhập hộ khẩu vào nhà của ông bà nội, ông bà ngoại hay không? Hoặc khi chủ sở hữu mất đi nhưng gia đình chưa làm thủ tục thừa kế do nhiều nguyên nhân như: những người thừa kế lớn tuổi sống tại nhiều nơi khác nhau, có người đang sống tại nước ngoài… vậy những trường hợp này những người đồng thừa kế có vợ, chồng, con, cháu nội, cháu ngoại cố đương nhiên được bảo lãnh để đăng ký thướng trú không? (Tại thời điểm không có tranh chấp).

Trong trường hợp này, CATP cũng có hướng dẫn chi tiết trong áp dụng thực tế, cụ thể, việc giải quyết đăng ký thường trú thực hiện theo quy định tại Điểm a Khoản 2 Điều 20 Luật Cư trú (được chủ hộ và chủ sở hữu chỗ ở hợp pháp đồng ý).

Đối với trường hợp chủ sở hữu đã mất nhưng chưa làm thừa kế thì hướng dẫn công dân thực hiện các thủ tục chuyển quyền sở hữu theo quy định của pháp luật dân sự để xác định chủ sở hữu mới, sau đó thực hiện thủ tục đăng ký cư trú.

Trong trường hợp có nhiều đồng thừa kế nhưng chưa kịp làm thủ tục chuyển quyền sở hữu thì giải quyết đăng ký thường trú mới cho trẻ mới sinh là con của một trong các đồng thừa kế và phải có ý kiến đồng ý của các đồng thừa kế còn lại.

Với trường hợp nhà mua bán bằng giấy tay, giấy kê khai 99, hoặc là nhà do cha, mẹ đứng tên nhưng đã mất chưa làm thừa kế và chưa cập nhật lại thông tin chủ sở hữu mới trong giấy tờ nhà vì thế khó khăn trong việc cung cấp giấy tờ chứng minh chỗ ở hợp pháp khi đăng ký cư trú hoặc giấy tờ chứng minh diện tích nhà ở khi đăng ký thường trú theo khoản 3 Điều 20 Luật cư trú, Công an địa phương có văn bản kiến nghị UBND cấp huyện chỉ đạo, hướng dẫn UBND cấp xã xác nhận về việc nhà ở, đất ở không có tranh chấp quyền sở hữu nhà ở, quyền sử dụng đất ở theo quy định tại điểm h khoản 1 Điều 5 Nghị định số 62/2021/NĐ-CP ngày 29/6/2021 của Chính phủ.

Đối với trường hợp cha, mẹ là chủ sở hữu nhưng đã mất chưa làm thừa kế thì cần hướng dẫn công dân thực hiện các thủ tục chuyển quyền sở hữu theo quy định của pháp luật dân sự để xác định chủ sở hữu mới, sau đó làm thủ tục đăng ký cư trú.

Trong trường hợp có nhiều đồng thừa kế nhưng chưa kịp làm thủ tục chuyển quyền sở hữu thì giải quyết đăng ký thường trú mới cho trẻ mới sinh là con của một trong các đồng thừa kế và phải có ý kiến đồng ý của các đồng thừa kế còn lại.

Anh Thy

Bình luận (0)

Lên đầu trang