Bảo đảm tiến độ khởi công cao tốc Tân Phú - Bảo Lộc vào quý I/2024

Thứ Năm, 22/02/2024 23:27

|

(CAO) Văn phòng Chính phủ vừa có thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà tại buổi làm việc về tình hình thực hiện các công trình giao thông trọng điểm quốc gia trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng. Trong đó có dự án quan trọng cao tốc Tân Phú – Bảo Lộc. Phó Thủ tướng chỉ đạo UBND tỉnh Lâm Đồng đảm bảo kế hoạch khởi công tuyến cao tốc Tân Phú – Bảo Lộc trong quý 1/2024. Đây là dự án nằm trong danh mục trọng điểm quốc gia.

Sơ đồ cao tốc Tân Phú - Bảo Lộc và Bảo Lộc - Liên Khương được chia làm 2 giai đoạn. Tuyến Tân Phú - Bảo Lộc sẽ khởi công vào quý 1-2024

Bảo đảm tiến độ khởi công cao tốc Tân Phú - Bảo Lộc vào quý I/2024

Dự án cao tốc Tân Phú – Bảo Lộc dài 66km (là dự án thành phần thuộc tuyến cao tốc Dầu Giây – Liên Khương với tổng chiều dài hơn 200km) nối hai tỉnh Đồng Nai và Lâm Đồng, là hạ tầng quan trọng kết nối các tỉnh Đông Nam Bộ với khu vực Tây Nguyên. Trong đó, đoạn Tân Phú - Bảo Lộc qua địa phận tỉnh Lâm Đồng có chiều dài 55km, đoạn thuộc tỉnh Đồng Nai dài 11km, bề rộng nền đường 17m với 4 làn xe.; đã được Thủ tướng Chính phủ quyết định chủ trương vào năm 2022 và giao UBND tỉnh Lâm Đồng là cơ quan có thẩm quyền thực hiện theo phương thức đối tác công tư.

Theo BQL Dự án giao thông tỉnh Lâm Đồng, dự kiến tổng mức đầu tư dự án Tân Phú - Bảo Lộc là 17.200 tỷ đồng. Trong đó, phần vốn nhà nước 6.500 tỷ đồng, chiếm 37,79% tổng mức đầu tư của dự án (ngân sách Trung ương 2.000 tỷ đồng, chiếm 11,63% và ngân sách địa phương 4.500 tỷ đồng, chiếm 26,16%). Còn lại là phần vốn sở hữu các nhà đầu tư và nguồn vốn huy động khác khoảng 10.700 tỷ đồng, chiếm 62,21% (trong đó vốn nhà đầu tư 1.605 tỷ đồng và vốn huy động khác 9.095 tỷ đồng).

Đoạn cao tốc Bảo Lộc - Liên Khương tiếp nối cao tốc Tân Phú - Bảo Lộc, có chiều dài khoảng 74 km, quy mô 4 làn xe, dự kiến tổng mức đầu tư 19.521 tỷ đồng.

Về việc thẩm định báo cáo nghiên cứu khả thi dự án cao tốc Tân Phú - Bảo Lộc, dưới sự chỉ đạo quyết liệt của Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà, Bộ Giao thông vận tải (GTVT) khẩn trương thẩm định thiết kế cơ sở của dự án hoàn thành trong tháng 11/2023; Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) hoàn thành báo cáo thẩm định, báo cáo nghiên cứu khả thi dự án, bảo đảm tiến độ khởi công vào quý I năm 2024.

Theo đánh giá của Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà, thời gian qua, tỉnh Lâm Đồng chủ động đề xuất đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, đặc biệt là các tuyến đường bộ cao tốc, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng an ninh của địa phương. Năm 2023, kinh tế tỉnh Lâm Đồng được phục hồi và tiếp tục phát triển sau đại dịch Covid-19, tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt 6,02% so với cùng kỳ.

Phó Thủ tướng yêu cầu UBND tỉnh Lâm Đồng rà soát, chuẩn bị các điều kiện để khẩn trương hoàn thiện thủ tục điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án theo đúng quy định ngay sau khi được cấp có thẩm quyền thông báo vốn. Đồng thời, nghiên cứu điều chỉnh các quy hoạch có liên quan để đầu tư, khai thác có hiệu quả hạ tầng kinh tế, xã hội liên quan đến tuyến cao tốc này. Bộ Quốc phòng khẩn trương chỉ đạo các đơn vị liên quan phối hợp với UBND tỉnh Lâm Đồng thực hiện các hồ sơ, thủ tục thu hồi đất để đẩy nhanh tiến độ bồi thường, giải phóng mặt bằng của dự án.

Cao tốc Tân Phú - Bảo Lộc và Bảo Lộc - Liên Khương sẽ nối với cao tốc Prenn - Liên Khương hiện nay

Đẩy mạnh phát triển kinh tế vùng

Đến nay, tỉnh Lâm Đồng đã triển khai các thủ tục liên quan theo đúng quy định (như chuyển đổi mục đích sử dụng rừng; phê duyệt khung chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; trình thẩm định báo cáo nghiên cứu khả thi và thiết kế cơ sở...) và chủ động triển khai thực hiện thống kê, tính toán khối lượng, phạm vi giải phóng mặt bằng, cũng như chuẩn bị đầu tư các khu tái định cư.

Đối với Khung chính sách bồi thường, hỗ trợ tái định cư của dự án, UBND tỉnh Lâm Đồng phối hợp với UBND tỉnh Đồng Nai hoàn thiện hồ sơ khung chính sách bồi thường, hỗ trợ tái định cư của dự án và được các bộ, ngành, Thủ tướng Chính phủ đã xem xét, phê duyệt.

Qua đó, tổng diện tích cần thu hồi tại 2 tỉnh là 500,6 ha (gồm diện tích đất ở là 5,6 ha, diện tích đất nông nghiệp là 434,7 ha, diện tích đất giáo dục là 0,1 ha và diện tích đất phi nông nghiệp khác là 60,2 ha. Diện tích thu hồi đã bao gồm diện tích và loại đất dự kiến xây dựng khu tái định cư tập trung cho dự án. Các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân sử dụng đất trong khu vực dự kiến thu hồi đất khoảng 1.758 hộ, tương ứng với khoảng 5.043 người sử dụng đất bị ảnh hưởng. Dự kiến có 301 hộ phải di dời, thực hiện chính sách tái định cư theo hình thức tái định cư phân tán và tái định cư tập trung. Dự kiến tổng số tiền bồi thường, hỗ trợ tái định cư của dự án khoảng 2.821 tỷ đồng. Kinh phí để thực hiện công tác giải phóng mặt bằng sử dụng từ nguồn vốn ngân sách nhà nước.

Tỉnh Lâm Đồng là trung tâm giao thương, có vị trí chiến lược, kết nối trực tiếp của ba vùng kinh tế Tây Nguyên, Đông Nam bộ và Duyên hải Nam Trung bộ. Tỉnh có tiềm năng kết nối quốc tế thông qua Cảng hàng không quốc tế Liên Khương và các trục hành lang kinh tế quốc gia. Trong tương lai, khi tuyến đường cao tốc từ Tân Phú (Đồng Nai) đến Liên Khương (Lâm Đồng) hoàn thành sẽ rút ngắn thời gian đi lại giữa khu vực Đông Nam bộ với tỉnh Lâm Đồng. Cụ thể, tuyến đường từ TP.HCM đến Lâm Đồng trên quốc lộ 20, băng qua nội ô các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương, trước nay phải 7-8 tiếng đồng hồ các phương tiện ô tô di chuyển, khi hoàn thành cao tốc sẽ được rút ngắn, chỉ còn khoảng 3 giờ đồng hồ.

Việc Chính phủ đôn đốc chỉ đạo, các tỉnh Lâm Đồng, Đồng Nai quyết tâm phấn đấu xây dựng 2 tuyến nối cao tốc Tân Phú - Bảo Lộc và Dầu Giây - Liên Khương sẽ thúc đẩy tỉnh Lâm Đồng và khu vực phát triển mạnh mẽ, trở thành một trong những cực tăng trưởng kinh tế quan trọng của vùng Tây Nguyên, Nam Trung Bộ; xây dựng các đô thị trên các tuyến nối cao tốc theo hướng hiện đại và bền vững.

Đảng bộ và nhân dân tỉnh Lâm Đồng nhiều năm qua mong mỏi tuyến cao tốc này được khởi công xây dựng, là động lực phát triển kinh tế - văn hoá xã hội địa phương và góp phần thúc đẩy phát triển khu vực.

Bình luận (0)

Lên đầu trang