"Bắt" xe công nghệ đeo mào, có đi ngược với xu thế?

Thứ Hai, 01/07/2019 15:38

|

(CAO) Theo nhiều chuyên gia, việc đeo mào cho xe công nghệ không chỉ làm tăng phiền phức cho chủ phương tiện, khiến chủ xe ngần ngại không còn muốn tham gia vào nền tảng kết nối. Lượng xe ít hơn, cước mỗi chuyến xe có thể cao hơn, thời gian chờ đợi dài hơn... và cuối cùng là người tiêu dùng chịu thiệt.

Chiếc mào taxi vốn chỉ được biết đến với những ý nghĩa lịch sử nhất định của ngành taxi. Trước đây, để tạo ra sự khác biệt, các công ty taxi tại Tokyo (Nhật Bản) thường sử dụng nhiều loại mào taxi với biểu tượng và hình dáng màu sắc, từ những chú mèo con dễ thương đến những bông hoa anh đào để giúp khách hàng dễ nhận biết.

Tuy nhiên, với sự xuất hiện và phát triển của các phần mềm kết nối di chuyển, chiếc mào taxi đang dần ít đi. Câu chuyện về quản lý các xe hoạt động trên ứng dụng như thế nào, nhận diện những chiếc xe này ra sao cũng vì thế cũng trở nên sôi nổi hơn. Mỗi nước có một định nghĩa và một phương thức nhận diện khác nhau, tuy nhiên nhiều nước không coi xe hoạt động trên ứng dụng là taxi và yêu cầu xe công nghệ phải gắn mào/hộp đèn trên nóc.

Việc "đeo mào" cho xe taxi công nghệ đang gây tranh cãi

Thời 4.0, xe công nghệ cũng đang dần phổ biến ở nhiều nước. Tuy nhiên, nhiều nước tiên tiến trên thế giới không quy định xe công nghệ phải đeo mào. Tại Singapore, các xe công nghệ được yêu cầu dán đề can chống giả mạo (được cấp bởi Cục Giao thông đường bộ Singapore) trên kính trước và sau xe. Quốc gia láng giềng Thái Lan thì vẫn đang trong quá trình thảo luận về các điều kiện hoạt động của xe công nghệ.

Indonesia là thị trường lớn hàng đầu Đông Nam Á của tất cả các dịch vụ kết nối di chuyển đang hoạt động tại khu vực. Xe công nghệ được điều chỉnh bởi luật về Dịch vụ vận tải cho thuê đặc biệt, trong đó quy định phương tiện cơ giới công cộng có màu phân biệt với xe khác (chữ đen trên nền vàng). Các chữ cái trên biển số cũng thể hiện khu vực đăng ký và hoạt động của phương tiện.

Ra ngoài khu vực Đông Nam Á, thành phố New York của Mỹ, nơi vị trí của những chiếc taxi màu vàng đặc trưng cũng đã bị lung lay ít nhiều trước xe công nghệ. Tuy nhiên, việc “bắt" xe công nghệ phải đeo mào hoặc “mặc đồng phục" vàng giống taxi truyền thống không phải là lựa chọn của thành phố này. New York chỉ yêu cầu dán 3 đề can của Ủy ban Cấp phép trên kính trước và 2 kính hông phía sau phương tiện. Ủy ban Cấp phép sẽ trực tiếp dán các đề can này. Bên cạnh đó, phương tiện cần dán tem đăng ký, tem kiểm tra, tem thuế trên kính trước phương tiện. Và phương tiện không được có màu vàng của taxi hoặc màu xanh táo.

Nhiều chuyên gia khuyên nên dùng công nghệ để quản lý xe công nghệ

Như vậy, có thể thấy, các nước có những quy định khác nhau và khá đa dạng về hoạt động cũng như nhận diện của xe công nghệ. Tuy nhiên, xu thế chủ yếu là sử dụng đề can. Việc quy định xe công nghệ phải đeo mào như dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định 86 về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng ô tô (Nghị định 86/2014/NĐ-CP) đã gây ra nhiều tranh luận.

Liên quan đến Dự thảo sửa đổi này thời gian qua đã có rất nhiều ý kiến. Anh Vũ Minh Trí (SN 1976 ngụ huyện Nhà Bè, TP.HCM) gắn bó với xe công nghệ từ những ngày đầu triển khai thí điểm tại Việt Nam nói: “Xe của tài xế đầu tư nhưng chúng tôi hoạt động đúng theo quy định của Nhà nước và đóng thuế trên từng cuốc xe. Cả xã hội đều thấy rõ và đánh giá xe công nghệ phục vụ chất lượng tốt, cước phí rẻ nên được hành khách lựa chọn sử dụng. Vậy tại sao phải quy định gắn mào vừa rườm rà và bất tiện. Chúng tôi chỉ mong muốn cơ quan có thẩm quyền giữ nguyên quy định quản lý xe công nghệ như hiện tại vừa đảm bảo được mức thu nhập cho tài xế vừa mang lại những tiện ích phục vụ cho người dân”.

Bà Nguyễn Mai Thảo, Chủ nhiệm Hợp tác xã Dịch vụ vận tải hàng hóa và hành khách Nam Việt cho biết: “Theo khảo sát của hợp tác xã thì các xã viên không đồng ý với Dự thảo quy định gắn mào xe công nghệ. Tài xế cho rằng xe họ bỏ tiền đầu tư nên việc gắn mào sẽ không còn là xe cá nhân nữa, việc gắn mào không thể tận dụng được quỹ thời gian rảnh rỗi của xe để kiếm thêm thu nhập, hơn nữa sẽ phát sinh thêm nhiều chi phí khi đó cước phí tăng lên chính người tiêu dùng phải gánh chịu…”.

Bình luận (0)

Lên đầu trang