(CAO) Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Võ Văn Hoan cùng lãnh đạo sở ban ngành, cơ quan chức năng TP đã cắt băng khai trương Bến xe Miền Đông mới.
Sáng 10-10, Tổng Công ty Cơ khí giao thông vận tải Sài Gòn - TNHH Một thành viên (SAMCO) phối hợp cùng Sở GTVT TP.HCM tổ chức lễ khai trương Bến xe Miền Đông mới tại P. Long Bình, Q.9.
Các đại biểu cắt băng khánh thành, chính thức đưa bến xe Miền Đông mới vào hoạt động
Tại buổi lễ có ông Võ Văn Hoan – Phó Chủ tịch UBND TP.HCM, bà Phan Thị Thu Hiền - Phó Tổng cục trưởng Tổng Cục đường bộ Việt Nam, đại diện Cục Vận tải Việt Nam, ông Trần Quang Lâm - Giám đốc Sở GTVT TP.HCM cùng lãnh đạo các sở ban ngành tại TP.HCM.
Theo đó, dự án Bến xe Miền Đông mới (BXMĐ) được khởi công cách đây 3 năm, trên khu đất rộng 16 ha, nằm dọc mặt tiền xa lộ Hà Nội thuộc phường Long Bình, Q.9 và P. Bình Thắng, tỉnh Bình Dương. Sau nhiều lần trễ hẹn, đến ngày 10-10-2020 bến xe chính thức được đưa vào sử dụng.
Đây là bến xe lớn nhất cả nước
Bến xe Miền Đông mới được xây 4 tầng trên mặt đất và 2 hầm chứa xe với tổng diện tích sàn xây dựng 49.680m2 gồm nhà ga hành khách của bến xe, văn phòng làm việc và các dịch vụ hỗ trợ, khu ăn uống, bãi đón trả khách và đậu xe liên tỉnh.
Trong đó, khu A là đất bến bãi, công trình công cộng và phụ trợ; khu B là trạm xe buýt; khu C là kho trung chuyển và giao dịch hàng hóa và khu D là khu thương mại dịch vụ. Tổng vốn đầu tư của bến xe miền Đông mới là hơn 4.000 tỉ đồng.
Khuôn viên của BXMĐ mới rộng rãi, được trồng nhiều cây xanh tạo không gian mát mẻ. Con đường tráng nhựa phía trước tòa nhà là đường cho các loại xe đưa khách đến nhà ga. Nơi đỗ xe khách khá đặc biệt, được xây thành một tầng riêng phía bên ngoài tòa nhà của BXMĐ.
Theo kế hoạch ban đầu, bến xe sẽ đi vào khai thác từ Tết Nguyên đán năm 2018, tuy nhiên dự án liên tục trễ hẹn cho tới nay. Trong giai đoạn 1, Bến xe miền Đông mới sẽ phục các chuyến xe có lộ trình từ Quảng Trị trở ra các tỉnh phía Bắc.
Khuôn viên đậu xe rộng rãi và văn minh
Các chuyến xe đi và đến Bến xe miền Đông mới chạy quốc lộ 1 sẽ qua cầu Đồng Nai và ngược lại. Trường hợp đi cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây theo hành trình: đường Hoàng Hữu Nam - đường D400 - quốc lộ 1 - điểm quay đầu trước Nghĩa trang Liệt sĩ thành phố - quốc lộ 1 - xa lộ Hà Nội - đường D1 Khu công nghệ cao - đường D2 Khu Công nghệ cao - cầu Phú Hữu - đường Võ Chí Công - vòng xoay Phú Hữu - cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây và ngược lại.