Hành lang bảo vệ đường sắt qua TPHCM bị chiếm dụng, xuống cấp

Thứ Năm, 05/11/2020 18:29  | Hải Văn

|

(CATP) Ngày 31-8-2020, Sở Giao thông vận tải TPHCM ban hành Kế hoạch số 3236 để lập lại trật tự kỷ cương, hạn chế tai nạn giao thông và nâng cao nhận thức của người dân về tầm quan trọng của hành lang an toàn giao thông đường sắt.

Tuy nhiên, hiện nay hành lang an toàn đường sắt đi qua địa bàn TPHCM đang bị chiếm dụng vô tội vạ để kinh doanh buôn bán, trồng cây, mở lối đi, đổ xà bần, xả rác, trông nhếch nhác, mất mỹ quan. Bên cạnh đó, hệ thống rào chắn đường sắt bị xuống cấp nghiêm trọng, tiềm ẩn nguy cơ tai nạn.

XUỐNG CẤP NGHIÊM TRỌNG

Khảo sát dọc tuyến đường sắt đi qua TPHCM cho thấy, tại khu vực giáp với đường số 14 (KP4, P.Linh Đông, Q.Thủ Đức), hàng chục trụ và thanh rào chắn đã bị hoai mục, cũ kỹ, rêu mốc. Nhiều trụ và thanh rào chắn bị sứt mẻ, bể gãy, bong tróc nham nhở, lòi cả cốt thép ra ngoài tạo thành những chiếc móc ngoéo lởm chởm nhìn sởn gai ốc. Khu vực này xuất hiện nhiều đống rác to lướng với đủ loại cây que, ván, bạt, gạch hoa, lốp xe... Đường 14 có địa hình khá thấp trũng nên mỗi khi mưa lớn, lượng nước mưa và rác rưởi từ các chỗ cao dồn về khiến khu vực này trở thành một trong các "rốn" ngập hiện hữu tại Q.Thủ Đức, rác rưởi dồn thành đống hai bên đường sắt.

Luật Đường sắt quy định nghiêm cấm hành vi lấn chiếm hành lang an toàn đường sắt, phạm vi bảo vệ công trình giao thông đường sắt. Phạm vi dải đất bảo vệ hai bên hành lang đường sắt được xác định 7 mét tính từ mép ngoài của ray trở ra đối với nền đường không đắp, không đào; 5 mét tính từ chân nền đường đắp. Theo Nghị định số 171/2013/NĐ-CP của Chính phủ, phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 300 - 500 ngàn đồng đối với cá nhân, từ 600 ngàn đồng - 1 triệu đồng đối với tổ chức có hành vi mua bán hàng hóa, họp chợ trong phạm vi bảo vệ công trình đường sắt, hành lang an toàn giao thông đường sắt. Mức phạt này cũng được áp dụng đối với các vi phạm khác như: sử dụng đất trong phạm vi bảo vệ công trình đường sắt, hành lang an toàn giao thông đường sắt vào mục đích canh tác nông nghiệp làm sạt lở, lún, nứt, hư hỏng công trình đường sắt, cản trở giao thông đường sắt; trồng cây cao trên 1,5m trong hành lang an toàn giao thông đường sắt.

Cách đó không xa, hệ thống trụ đỡ và rào chắn đường sắt ở khu vực trước Công ty cổ phần sản xuất thương mại và dịch vụ Phúc Thịnh (1/5B đường Linh Đông, P.Linh Đông, Q.Thủ Đức) cũng bị xuống cấp, nứt nẻ, lòi cốt thép ra ngoài. Một số đoạn giáp với đường dân sinh không còn rào chắn bảo vệ, nhiều chỗ bị cỏ mọc um tùm che khuất tầm nhìn. Hai bên hành lang này còn bị một số người tự tiện mở lối băng qua đường sắt rất nguy hiểm.

Là khu vực có đông người, xe cộ qua lại nhưng nhiều nơi tại nút giao giữa đường sắt với đường Hiệp Bình (P.Hiệp Bình Chánh, Q.Thủ Đức) không có rào chắn hoặc rào chắn bị hư hại nghiêm trọng. Ranh giới giữa đường sắt và đường bộ chỉ có những chiếc trụ cũ kỹ, nhiều trụ bị gãy đổ, hư mục, lòi cốt thép ra ngoài trông nham nhở. Đường sá ở giao lộ này bị xuống cấp, xuất hiện nhiều "ổ trâu", "ổ gà”, về mùa mưa thì ao tù nước đọng, mùa khô lại bụi bặm. Khu vực này còn xuất hiện một bô rác khá lớn, mỗi ngày chức hàng chục tấn rác từ các nơi thu gom về và chợ "chồm hổm" do người dân lấn chiếm từ nhiều năm nay. Mỗi khi tàu lướt qua, người dân vẫn vô tư buôn bán tấp nập ngay bên hông tàu khiến cho việc kéo barie của nhân viên chắn đường khó khăn hơn. Năm ngoái, tại đường ngang này, một phụ nữ đi vào khu vực đường ray đã bị tàu húc tử vong tại chỗ.

Bên cạnh hàng chục thanh rào chắn bị bể gãy, xuống cấp, khu vực gần trại cá sấu Hoa Cà (P.Hiệp Bình Chánh, Q.Thủ Đức) còn có rất nhiều trụ rào chắn phân định ranh giới giữa đường bộ và hành lang an toàn đường sắt bị gãy đổ, xiêu vẹo, "say xỉn". Nhiều trụ bị bể gãy, lòi cốt thép ra ngoài và nhô lên mặt đất cỡ vài gang tay vô tình tạo thành những chiếc bẫy rất nguy hiểm. Anh Lê Đình Long (ngụ Q.Thủ Đức) phản ánh, những trụ hàng rào hành lang đường sắt tại khu vực này được trồng khá thấp, chúng không được lắp ghép với rào chắn nên vào ban đêm hoặc lúc mưa lớn, những chiếc trụ này vô tình biến thành nhiều chiếc cọc chực chờ bẫy người đi đường. Đã có không ít vụ tai nạn xảy ra liên quan tới các trụ hàng rào này, từ việc bị té trầy xước cho tới gãy tay, gãy chân, xe cộ hư hỏng.

Rào chắn chỉ còn khung thép

Một đoạn hành lang dài hàng trăm mét từ ngã tư Bình Triệu đến chân cầu sắt Bình Lợi (Q.Thủ Đức) chưa được lắp hàng rào ngăn cách giữa đường sắt và đường bộ khiến khu vực này trống huơ trống hoác. Nhiều người dân tận dụng khoảng trống này để phơi phóng đồ đạc, dừng đỗ xe, đổ chất thải, nước sinh hoạt, gây ô nhiễm môi trường.

Ở ngã tư Nơ Trang Long giao với đường sắt (P13, Q.Bình Thạnh), hàng chục thanh rào chắn và trụ hàng rào đường sắt đã cũ kỹ, hư hỏng nặng. Nhiều chỗ bị mất thanh rào chắn hoặc thanh rào chắn bị hoai mục, bong tróc nham nhở. Nhiều trụ rào chắn xiêu vẹo, gãy đổ, lòi cốt thép ra ngoài tạo thành những chiếc móc chực chờ bẫy người đi đường. Hàng trăm thanh rào chắn và trụ hàng rào dọc theo đường đường sắt giáp với đường Lương Ngọc Quyển cũng bị xuống cấp nghiêm trọng, trông nhếch nhác, xấu xí. Nhiều trụ bê-tông lòi cốt thép lởm chởm ra phía ngoài đường dân sinh rất nguy hiểm. Để cảnh báo người đi đường, người dân hai bên đường sắt phải trùm nhiều thùng xốp, can nhựa, bao lại những chiếc bẫy bất đắc dĩ này.

Ngoài ra, nhiều song sắt của rào chắn đường sắt gần cầu vượt Sóng Thần (tỉnh Bình Dương) bị người dân bẻ gãy để mở lối đi, một số người còn đổ rác, trồng cây ngay trong hành lang đường sắt. Một barie tại đường ngang giao với đường sắt ở KP.Bình Đường 3 (P.An Bình, TP.Dĩ An, Bình Dương) được dựng lên khá sơ sài, xiêu vẹo, biển cảnh báo "chú ý tàu hỏa" thì cũ kỹ, bạc màu.

BỊ CHIẾM DỤNG VÔ TỘI VẠ

Bên cạnh hàng chục thanh rào chắn và trụ hàng rào bị xuống cấp, bể gãy, tại khu vực từ KP3 đến KP6 (P.Hiệp Bình Chánh, Q.Thủ Đức) có rất nhiều đoạn hành lang bảo vệ đường sắt bị người dân chiếm dụng để đổ rác, cây que, mái tôn, tẹc đựng nước, chậu cây. Nhiều người còn trồng cây, dựng lều bạt để kinh doanh quán ăn, quán nhậu ngay bên trong hành lang. Về đêm, những quán gần đường sắt hoạt động rất nhộn nhịp, đèn đuốc sáng trưng. Sau khi ăn uống, nhiều người xả bừa bãi, đôi khi quăng lung tung. Trời nắng thì bốc mùi hôi thối, còn mưa nước chảy tràn lan cuốn theo rác rưởi bám đầy hai bên đường ray. Bên cạnh đó, khu vực này còn có nhiều đống xà bần to tướng với đủ loại đất cát, gạch đá đổ tràn lan từ hành lang an toàn đường sắt ra đến đường dân sinh, gây cản trở giao thông và mất mỹ quan đô thị.

Nhiều trụ rào chắn đường sắt xiêu vẹo, lòi cốt thép không khác gì chiếc bẫy

Xuống cấp và nhếch nhác nhất phải kể đến hành lang hai bên đường sắt từ cầu sắt Bình Lợi đến rạch Lăng (Q.Bình Thạnh) bị nhiều người ngang nhiêm chiếm dụng để trồng cây, dựng lều bạt, phơi phóng đồ đạc, đổ rác rưởi, xà bần, củi gỗ... Nhiều nơi, người ta còn dùng tôn, ván ép dựng cửa hàng, nhà cửa, xưởng sản xuất ra tận hành lang bảo vệ đường sắt. Nhiều đoạn hai bên khu vực này bị cây cối, cỏ mọc um tùm, che khuất tầm nhìn.

Cùng với hệ thống hàng rào xuống cấp, hành lang bị xâm phạm, hiện nhiều đoạn đường sắt đi qua TPHCM bị ngập thường xuyên, nhất là đoạn đi qua các quận: Thủ Đức, Bình Thạnh. Vào những hôm mưa lớn, đoạn đường sắt giáp với đường số 14 đi qua phường Linh Đông bị ngập nặng. Đoạn đường này có địa hình thấp trũng, khi mưa lớn, nước từ các khu vực cao đổ về gây ngập khu vực đường sắt thường xuyên, gây không ít khó khăn cho xe cộ và tàu hoả khi lưu thông qua đây. Tương tự, các đoạn đường sắt dọc theo đường Kha Vạng Cân (đoạn trước trại cá sấu Hoa Cà, Q.Thủ Đức) và dọc theo đường Lương Ngọc Quyến cũng thường xuyên bị ngập. Anh Nguyễn Văn Hải (ngụ Q.Thủ Đức) cho biết, nguyên nhân do các đoạn đường này có sự chênh lệch độ cao giữa đường sắt và đường bộ, người dân sửa chữa, cải tạo nhà trên mép mương nước nên bị ngập thường xuyên.

Theo anh Hải, để lập lại trật tự an toàn đường sắt, bên cạnh ý thức chấp hành pháp luật của người dân, cơ quan chức năng cần sớm nâng cấp, xây dựng hệ thống rào chắn; cắm mốc, phân định hành lang đường sắt, đồng thời có chế tài xử phạt những người có hành vi đổ xà bần, rác rưởi, tự tiện mở lối đi ngang và các hành vi xâm phạm khác.

Bình luận (0)

Lên đầu trang