(CAO) Đến nay chỉ có 41km cao tốc Trung Lương – TPHCM, đang làm thêm 52km Trung Lương - Mỹ Thuận, khởi công 23km Mỹ Thuận - Cần Thơ. Con số này quá nhỏ so với một vùng chiếm 13% diện tích cả nước.
Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội của Chính phủ đề cập đến phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2021 và 5 năm tới là tăng cường huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực, đẩy mạnh triển khai các dự án kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội trọng điểm.
Cụ thể, báo cáo nhấn mạnh đến triển khai các đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông, Cảng hàng không quốc tế Long Thành và các tuyến đường sắt đô thị, phấn đấu đến năm 2025 hoàn thành trên 1.700km đường ven biển từ Quảng Ninh đến Cà Mau.
Tán thành với những định hướng quan trọng trên, song đại biểu Nguyễn Thanh Xuân (Cần Thơ) cho rằng định hướng này cần được bổ sung và có lộ trình ưu tiên cụ thể.
Đại biểu Nguyễn Thanh Xuân (Cần Thơ) nêu ý kiến
“Trong hơn 10 năm qua, sự phát triển hạ tầng giao thông ĐBSCL, đặc biệt là đường cao tốc chậm và quá khiêm tốn. Đến nay chỉ có 41km cao tốc Trung Lương - TPHCM và đang làm thêm 52km Trung Lương - Mỹ Thuận, khởi công 23km Mỹ Thuận - Cần Thơ” - đại biểu Xuân phản ánh và nhấn mạnh, 115km cao tốc là quá ít so với một vùng chiếm 13% diện tích cả nước.
Theo khẳng định của đại biểu Cần Thơ, bài toán hạ tầng giao thông cho vùng ĐBSCL chưa thật sự phù hợp. Vì thế, đại biểu kiến nghị Chính phủ tính toán trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn tới phải bố trí nguồn lực vốn phù hợp, hợp lý cho phát triển giao thông khu vự này.
“Tôi nghĩ Chính phủ cần lượng hóa việc đầu tư đường cao tốc cho ĐBSCL, cụ thể, cần xác định đến năm 2025 ĐBSCL sẽ có bao nhiêu km đường cao tốc, phân bổ nguồn đầu tư cụ thể để thực hiện” – đại biểu Xuân đề nghị.
Chia sẻ tâm tư của của đại biểu, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể thông tin, Bộ GTVT đã tập trung cho nghiên cứu 7 đường cao tốc ở vùng ĐBSCL. Tuy nhiên, theo ông Thể, nghiên cứu thì nhiều nhưng sẽ chỉ lựa chọn những đoạn, những tuyến, những khu vực quan trọng để đầu tư trong 5 năm.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể hồi âm ý kiến của đại biểu
Theo Bộ trưởng Thể, hiện Bộ GTVT đã trình Chính phủ và Chính phủ sẽ trình Quốc hội, hết nhiệm kỳ tới có thể nâng tỷ lệ giao thông cao tốc của ĐBSCL. “Dự kiến đến năm 2025 sẽ tăng con số đường cao tốc lên khoảng hơn 300 km, tức là phải đầu tư thêm khoảng hơn 200km, gồm có tuyến cao tốc từ Trung Lương - Mỹ Thuận, Mỹ Thuận - Cần Thơ sẽ hoàn thành năm 2022 và cầu Mỹ Thuận 2023” – ông Thể nói.
Vẫn theo Bộ trưởng Thể, ngành GTVT cũng sẽ nâng cấp đoạn Cao Lãnh - Vàm Cống và Vàm Cống ra Rạch Sỏi (khoảng 75 km). Đồng thời, sẽ làm Quốc lộ 30 từ Cao Lãnh ra An Hữu để kết nối với cao tốc TPHCM - Cần Thơ, đặc biệt là đường cao tốc từ thành phố Cần Thơ đến TP Cà Mau nằm trên tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông.
“Đây là một quyết tâm rất lớn của Chính phủ và chúng tôi cũng thấy rằng không xây dựng đường cao tốc thì vấn đề thu hút đầu tư phát triển sẽ rất nhiều khó khăn” – ông Thể khẳng định.
Cho rằng đây là những kế hoạch rất cụ thể, người đứng đầu ngành GTVT mong các đại biểu Quốc hội ủng hộ “để làm sao chúng ta hình thành nên hệ thống giao thông vận tải ở khu vực ĐBSCL, để đánh thức tiềm năng, thế mạnh và phát huy được thế mạnh của khu vực này, giúp cho khu vực này có thể phát triển tốt hơn trong thời gian sắp tới”.
Cho biết nhân dân ở vùng ĐBSCL rất vui mừng trước thông tin Bộ trưởng Thể đưa ra, đại biểu Phạm Văn Hoà) mong Bộ trưởng thực hiện lời hứa của mình đối với cử tri vùng ĐBSCL.
“Bà con trong vùng rất phấn khởi với các dự án giao thông được đầu tư và dự án sắp khởi công, kết nối liên vùng là tín hiệu vui, tuy nhiên cũng cần có sự vào cuộc quyết liệt của bộ, ngành chủ quản, chính quyền địa phương thì tiến độ thi công mới đảm bảo theo yêu cầu” – đại biểu Hoà nhắc nhở.
Bởi lẽ, đại biểu Hoà chỉ ra, thực tế cho thấy nhiều công trình chậm tiến độ vì nhiều lý do khác nhau như thiếu vốn, giải phóng mặt bằng khó khăn, đơn vị thi công thấp kém.