Cai nghiện rất khó, chưa có thuốc để cắt cơn
Từ kinh nhiệm làm Giám đốc Sở Lao động -Thương binh và Xã hội tỉnh Bình Phước trong nhiều năm, đại biểu Tôn Ngọc Hạnh (Bình Phước) cho rằng, tỷ lệ tái nghiện rất cao do cai xong không có việc làm. Vì thế, theo bà Hạnh, phải có giải pháp về việc này, nếu không bao năm sẽ vẫn loay hoay như hiện nay.
Bà Hạnh cũng thông tin, xã hội hóa công tác cai nghiện rất khó dù các cơ sở cai nghiện đều quá tải. “Nếu không cởi bỏ những thủ tục cho thông thoáng thì rất khó kêu gọi nhà đầu tư tham gia” – bà Hạnh nói.
Đại biểu Giàng A Chu (Yên Bái)
Nhìn nhận việc tập trung nguồn lực cho công tác cai nghiện sẽ khó được xã hội chấp nhận, đại biểu Giàng A Chu (Yên Bái) gợi ý nên khuyến khích tư hân tham gia thành lập trung tâm cộng đồng để cai nghiện.
Nghiện ma túy, theo đại biểu Bùi Mậu Quân (Hải Dương), từ con bệnh trở thành con nghiện, rồi thành tội phạm là rất mong manh.
“Tôi chứng kiến có những vụ con nghiện nằm ra cửa, bảo bố mẹ không được đi đâu, bước qua xác nếu không đưa tiền” – ông Quân kể. Trong khi đó, vị đại biểu này cũng phản ánh, người bệnh là con nghiện, giao cho công an cũng khó khăn.
“Khi người nghiện lên cơn thì sẽ phá trại, bởi 1 ngày mà không có ma túy thì không chịu được, có nhiều người nói 99% là nghiện trở lại, cai là rất khó khăn” – đại biểu Quân cho biết.
Đề cập đến việc xã hội hoá công tác cai nghiện, đại biểu Quân băn khoăn: “Nhà nước quản lý còn khó khăn, nên xã hội hóa cai nghiện cũng thiếu khả thi”.
Theo đại biểu của Hải Dương, nếu giao cho tư nhân cũng phải xác định họ có quyền gì, phải có cơ chế, chứ nói chung chung rất khó. “Nếu cưỡng chế chỉ Nhà nước mới làm được chứ tư nhân không có quyền này” – đại biểu Quân lưu ý.
PGS Nguyễn Lân Hiếu (An Giang), Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội chỉ rõ thực tế, ma túy ai cũng thấy nguy hiểm, chủ yếu gây tác hại ở các nước nghèo. “Càng nghèo càng khổ thì ma túy càng có cơ hội tấn công, kinh tế khá lên là người nghiện ma túy giảm rõ rệt” – ông Hiếu phản ánh.
Đại biểu Nguyễn Lân Hiếu
Ông Hiếu chỉ ra, hiện Việt Nam có đủ các loại hình thức ma túy, từ các loại sơ đẳng là thuốc phiện, đến heroin, ma túy đá...
Ở góc độ ngành y, PGS Nguyễn Lân Hiếu khẳng định, cai nghiện rất khó, khi nghiện rồi, nhất là đã tiêm chích thì khó cai, chỉ có thể giảm tiêm thôi.
“Như bệnh viện tôi đã thành lập trung tâm chăm sóc giảm hại, hướng dẫn để họ không dùng chung kim tiêm, còn hiện nay chưa có thuốc gì để cắt cơn” – ông Hiếu thông tin.
Không coi người nghiện là người bệnh
Cho rằng hành vi sử dụng ma tuý rất nguy hiểm cho xã hội, đại biểu Phạm Thị Thu Trang (Quảng Ngãi) phản ánh, nhiều đối tượng sau khi sử dụng ma tuý đã gây ra nhiều vụ án đặc biệt nghiêm trọng. Thế nhưng, theo bà Trang, quy định hiện nay mới chỉ phạt tiền 500.000 - 1.000.000 đồng nên chưa đủ sức răn đe.
“Tôi đề nghị dự thảo luật cần làm rõ, quy định cụ thể về nội dung này theo hướng tăng cường xử lý hành vi sử dụng ma tuý, xử lý người nghiện nghiêm chứ không coi là người bệnh” – bà Trang yêu cầu.
Bày tỏ lo ngại việc các lái xe sử dụng ma tuý, tiềm ẩn nguy cơ gây tai nạn giao thông nghiêm trọng, đại biểu Nguyễn Văn Luật (Kiên Giang) kiến nghị quy định trách nhiệm của các doanh nghiệp vận tải, các chủ sử dụng lao động phải có trách nhiệm đối với lái xe do mình quản lý.
Tán thành quan điểm không thể coi đối tượng nghiện ma tuý là người bệnh, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm phân tích: “Ở nước ta, trước đây chúng ta coi người sử dụng ma tuý là người bệnh, phải chữa bệnh, không coi là tội phạm. Nhưng trên thực tế, người nghiện tăng lên rất nhiều khiến chúng ta trở thành điểm có nhu cầu về sử dụng ma tuý nên nguồn cung sẽ tập trung về nước ta”.
Bộ trưởng Tô Lâm nêu ý kiến tại phiên thảo luận tổ
Vì lẽ trên, Bộ trưởng nhìn nhận, việc xử lý người nghiện tức là giải quyết “cầu” về ma tuý.
Vẫn theo Bộ trưởng Tô Lâm, Bộ Công an xác định tội phạm ma tuý là tội phạm của mọi tội phạm, là nguyên nhân gây ra hầu hết các tội phạm khác nên kiên quyết đấu tranh mạnh mẽ với loại tội phạm này.
“Từ nghiện ma tuý sinh ra trộm cắp, cướp tài sản, thậm chí giết người, cướp; sử dụng ma tuý gây ảo giác giết cả gia đình...” – Bộ trưởng chỉ ra và dẫn chứng bằng vụ án gần đây nhất, vụ giết nữ sinh viên Học viện Ngân hàng do đối tượng nghiện ma tuý gây ra.
“Khi nghiện, đối tượng không điều khiển được hành vi, không chấp hành pháp luật, không còn đạo đức, ít nhất cũng không có lối sống thông thường” Bộ trưởng Tô Lâm nhận định và nhấn mạnh phải xử lý nghiêm hành vi sử dụng ma tuý.
Cũng phản án hiện tượng trên, Thứ trưởng Bộ Công an Lê Quý Vương chia sẻ, công tác đấu tranh với tội phạm ma tuý áp lực rất lớn, kể cả đường bộ, đường không, đường thuỷ.
“Trong khi việc xử lý người nghiện ma tuý lại chưa được coi là tội phạm dẫn đến số người nghiện tăng nhanh. Số người nghiện này đã gây ra hàng nghìn vụ án” – Thứ trưởng Lê Quý Vương nêu và đề nghị việc sửa đổi Luật phòng chống ma tuý lần này đặt vấn đề sẽ xử lý mạnh tay hơn, nghiêm khắc hơn.