Mới giải ngân được 17.500/62.000 tỷ đồng gói hỗ trợ dịch Covid-19

Thứ Hai, 02/11/2020 14:41

|

(CAO) Liên quan đến gói hỗ trợ dịch bệnh 62.000 tỷ đồng, nguyên Bí thư Thành uỷ Đà Nẵng Trương Quang Nghĩa cho rằng mới giải ngân được hơn 17.000 tỷ đồng là số lượng rất nhỏ.

Đưa ra chính sách như “thóc đóng vào chai”

Nêu ý kiến tại phiên thảo luận tổ sáng nay (2/11), Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh – Xã hội Đào Ngọc Dung đã đề cập đến gói hỗ trợ của Nhà nước đối với người dân khó khăn do đại dịch Covid-19.

“Gói 62.000 tỷ “không hoàn toàn là tiền tươi thóc thật mà còn qua các chính sách khác” - Bộ trưởng Dung cho biết. Theo ông, điều này có ý nghĩa rất lớn khi thể hiện được sự quan tâm đầu tư cho xã hội và niềm tin người dân tăng lên là phần thưởng vô giá.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung

Đánh giá về báo cáo kinh tế - xã hội, ông Dung đề nghị cần nhấn mạnh yếu tố phát triển toàn diện, hài hoà giữa kinh tế và xã hội.

“Trong chừng mực nào đó, quan tâm vấn đề xã hội, an sinh chưa tương xứng. Kinh tế gạch ngang Xã hội (KT-XH) nhưng không cẩn thận Kinh tế ‘trừ” Xã hội” – ông Dung lưu ý và một lần nữa nhấn mạnh phải đặt nặng phát triển bao trùm bền vững là mục tiêu nhất quán, tập trung.

Lưu ý cách đánh giá 2020, tiếp cận 2021 thế nào là rất quan trọng, nguyên Bí thư Thành uỷ Đà Nẵng Trương Quang Nghĩa thắc mắc: “Chúng ta đánh giá phục hồi kinh tế hình chữ V có vội vàng ko? Tôi thấy khi dịch quay lại Đà Nẵng, thì rủi ro có thể xuất hiện ở bất cứ địa phương nào”.

Nhận định việc chống dịch Covid-19 vừa qua của ta rất thành công, nhưng theo địa biểu Nghĩa, phát triển kinh tế là vấn đề cần xem xét.

Liên quan đến gói cứu trợ 62.000 tỷ đồng, ông Nghĩa nhận xét, việc mới giải ngân được hơn 17.000 tỷ đồng là số lượng rất nhỏ.

“Người Đà Nẵng hay ví von, họ bảo đưa ra chính sách như là cho thóc vào trong chai, làm sao gà ăn được? Đưa ra chính sách mà người ta không tiếp cận được phải chăng là giữ an toàn cho người đề ra chính sách và người quản lý” – ông Nghĩa bức xúc.

Thực thi chính sách chậm, DN có thể rơi vào cảnh “chết lâm sàng”

Chia sẻ với đại biểu Nghĩa, Ủy viên Thường trực Uỷ ban Các vấn đề xã hội Nguyễn Thị Kim Thuý đề cập sâu hơn đến gói hỗ trợ trên.

“Khi Uỷ ban Thường vụ họp sớm hơn dự kiến để xem xét đề xuất này, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 là nội dung quan trọng, cấp bách cần được quyết định ngay, triển khai kịp thời” – bà Thuý nêu bối cảnh.

Thế nhưng, theo bà Thuý, qua nửa năm triển khai, một số khoản giải ngân mới chỉ đạt tỷ lệ 1%, thậm chí 0%.

Đại biểu Nguyễn Thị Kim Thuý

Một khảo sát của Uỷ ban về các vấn đề xã hội về tìh hình giải ngân gói hỗ trợ tại một số địa phương vào tháng 7 năm nay cho thấy, tại Hà Nam, trong 6 nhóm đối tượng được hỗ trợ, chỉ có nhóm thứ 5 là nhóm người có công với cách mạng, người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, đối tượng bảo trợ xã hội (vốn có sẵn danh sách, không cần rà soát) là có kết quả cụ thể, còn kết quả của các nhóm còn lại đều bằng 0.

Ở Quảng Ngãi, ngoài 190 hộ kinh doanh, 13 người lao động bị chấm dứt hợp đồng không đủ điều kiện nhận trợ cấp thất nghiệp và 37 người không giao kết hợp đồng bị mất việc được hỗ trợ, không có hộ kinh doanh và DN nào được hưởng gì từ gói này.

Còn báo cáo của Bộ LĐ-TB-XH cho biết, đến ngày 3/9, các địa phương đã giải ngân được 17.500/62.000 tỉ đồng, thì 11.690 tỉ đồng là hỗ trợ cho người có công với cách mạng, đối tượng bảo trợ xã hội, người thuộc hộ nghèo, cận nghèo, chỉ có khoảng 5.800 tỉ hỗ trợ tất cả đối tượng còn lại.

Dẫn lại đánh giá của Ban Nghiên cứu Phát triển kinh tế tư nhân, bà Thuý cho rất nhiều DN phản ánh khó tiếp cận đến gói hỗ trợ vì nhiều điều kiện chưa hợp lý hoặc chưa thực tiễn, quy trình thủ tục còn phức tạp, mất nhiều thời gian chờ đợi các cấp hướng dẫn.

“Trong lúc đó thì kết quả khảo sát cho thấy, nhiều doanh nghiệp đã rơi vào tình trạng cần “cấp cứu”, nếu thực thi các chính sách hỗ trợ không nhanh có thể lâm vào tình trạng “chết lâm sàng”, sẽ gây ảnh hưởng rất lớn tới cả nền kinh tế” – bà Thuý cảnh báo.

Câu hỏi mà đại biểu Thuý nêu ra là, tại sao khi doanh nghiệp khó khăn nhất - tức thời điểm ban hành gói hỗ trợ - thủ tục lại phức tạp đến vậy? Sao không trao luôn quyền tự chịu trách nhiệm cho DN ngay từ lúc đó. Hoặc khi thực hiện 1-2 tháng có thể tham mưu tháo gỡ ngay, mà phải đợi đến tận bây giờ?

“Trong điều kiện ngân sách hết sức khó khăn, đối tượng hỗ trợ được đề nghị mở rộng, tôi đề nghị các bộ ngành, cơ quan liên quan cần cung cấp cho đại biểu thông tin chi tiết cũng như đánh giá minh bạch về gói hỗ trợ lần 1” – bà Thuý yêu cầu.

Theo đại biểu này, việc thực hiện không đạt yêu cầu gói này, không chỉ phần nào lãng phí nguồn lực mà còn giảm niềm tin của người dân, doanh nghiệp vào chính sách của nhà nước.

Bình luận (0)

Lên đầu trang