(CATP) Bão số 9 vừa qua, bão số 10 lại sắp đến. Bà con chưa kịp lau khô nước mắt trước sự mất mát người thân và tài sản, chưa kịp lau khô mồ hôi dọn dẹp cho gọn nhà cửa, ruộng vườn bị thiên tai làm cho tan hoang, thì phải chuẩn bị đối phó với nguy cơ, hiểm họa mới.
Đối mặt với thiên tai là việc phải làm đối với bà con sống ở những vùng đất chịu tác động. Bà con không có sự lựa chọn một khi chấp nhận sống ở đó. Vấn đề là làm thế nào đối mặt và ứng phó một cách có hiệu quả thách thức của thiên nhiên, để không chỉ sống sót mà còn hạn chế được đến mức thấp nhất thiệt hại về con người và tài sản. Giải pháp được xây dựng phải mang tính tổng thể và có thể có hiệu quả áp dụng trong dài hạn, chứ không mang tính đối phó theo vụ.
Vụ sạt lở, lũ quét gây hậu quả thảm khốc ở Trà Leng, Nam Trà My, Quảng Nam nhìn từ trên cao
Nhiều ý kiến cho rằng hiện tượng lũ lụt và sạt lở đất nghiêm trọng xảy ra trong mấy tuần qua là không bình thường, có dấu hiệu cho thấy, về nguyên nhân, là do hành vi khai thác mang tính lạm dụng của người đối với thiên nhiên. Rõ hơn, người ta nói rằng chính nạn phá rừng và sự tràn lan của các dự án thủy điện nhỏ khiến cho đất không giữ được nước, bị bỡ nhão dễ tan rã khi mưa xuống; dòng nước càng mạnh và lớn, hung dữ hơn bình thường khi ngoài lượng nước mưa tự nhiên còn có lượng nước xả từ các hồ chứa của các nhà máy thủy điện.
Cần tiến hành điều tra nghiêm túc. Nếu các ý kiến này là đúng, thì phải siết chặt hệ thống kiểm soát và bảo vệ rừng, qua đó bảo đảm sự vững chắc của nền đất. Ngoài ra, phải rà soát quy hoạch thủy điện cũng như hệ thống quy phạm về vận hành hồ chứa và có biện pháp điều chỉnh thích hợp nhằm ngăn ngừa tình trạng "cộng hưởng" của dòng nước xả của thủy điện và dòng nước mưa, tạo ra cơn lũ dữ gây thảm họa cho vùng hạ du.
Không ít trường hợp ghi nhận thiệt hại về người và tài sản do mưa bão và lũ lụt có chung đặc điểm là người dân sống tản mác trong các khu vực hẻo lánh và chỉ có nhà cửa tạm bợ, dễ đổ vỡ trước giông gió. Cần xây dựng các khu dân cư tập trung ở những vùng được xác định là an toàn khi có lũ lụt; có chính sách hỗ trợ để bà con xây dựng được nhà có khả năng chống chọi với mưa bão.
Đặc biệt, việc cứu trợ bà con nạn nhân bão lụt trong thời gian qua là đề tài bàn bạc, thảo luận trên các diễn đàn thông tin, thu hút sự quan tâm chú ý của đông đảo người dân. Tình cảm đồng bào, tinh thần tương thân tương trợ là một phần phẩm chất tốt đẹp của người Việt. Trong bối cảnh thiên tai gây thiệt hại nặng nề cho đồng bào, cần tạo điều kiện để phẩm chất này phát huy tác dụng tích cực. Nói khác đi, việc cứu trợ nạn nhân của thiên tai phải được thực hiện trên cơ sở huy động mọi nguồn lực xã hội để một mặt, cho phép khắc phục hậu quả thiệt hại, mặt khác thắt chặt tình đoàn kết của cộng đồng dân tộc.
Trong một văn bản quy phạm điều chỉnh công tác vận động cứu trợ nạn nhân của thiên tai, dịch bệnh, hỏa hoạn hoặc sự cố có quy định việc quyên góp và tiếp nhận tiền bạc, tài sản cho mục đích từ thiện phải do các tổ chức được Nhà nước chỉ định. Quy định ấy thật ra không nhằm mục đích thiết lập sự độc quyền của nhà chức trách trong công tác từ thiện mà chỉ nhằm bảo đảm công tác này đem lại hiệu quả thiết thực và sự công bằng.
Rõ hơn, một khi các tổ chức, cá nhân không được chỉ định rõ trong văn bản pháp luật nhưng có khả năng thực hiện hoạt động từ thiện một cách minh bạch, hiệu quả, công bằng, thì việc họ làm phải được coi là phù hợp với tinh thần chung của pháp luật, với đạo đức truyền thống và do đó, cần được ghi nhận với sự trân trọng.
PGS.TS Nguyễn Ngọc Điện (Hiệu trưởng Trường Đại học Hoa Sen)