Tại buổi làm việc vừa qua với lãnh đạo TPHCM, Thủ tướng đã đồng ý cho TPHCM giữ lại 67.000 tỷ đồng, có được từ việc cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước và thoái vốn, để thực hiện các dự án đầu tư quan trọng, đặc biệt là đầu tư vào việc hoàn thiện hạ tầng giao thông đô thị và các công trình phục vụ dân sinh.
Quyết định này được kỳ vọng có tác dụng góp phần thay đổi diện mạo thành phố, đáp ứng mong mỏi của chính quyền và nhân dân địa phương.
Ngoài ra, Thủ tướng cũng đồng ý với đề xuất của TPHCM về việc giao cho Công ty đầu tư tài chính nhà nước của Thành phố (HFIC) đảm nhận vai trò đại diện chủ sở hữu vốn Nhà nước tại tất cả các doanh nghiệp Nhà nước thuộc diện thành phố quản lý. Điều này mở ra cơ hội xây dựng thành phố theo mô hình chính quyền địa phương có những quyền hạn rộng rãi về tài chính, tài sản, từ đó tạo điều kiện để thành phố thực hiện những bước phát triển nhảy vọt về kinh tế, xã hội.
Tiềm lực phát triển của TPHCM, đầu tàu kinh tế của cả nước, là rất lớn. Trong thời gian qua, chính quyền thành phố đã không ngừng nỗ lực để vực dậy và kích thích tiềm năng đó biến nó thành hiện thực sinh động về một nền kinh tế có sức tăng trưởng và lan tỏa mạnh mẽ.
Trong quá trình phát triển, thành phố không ít lần đối mặt với những chướng ngại, rào cản về cơ chế, chính sách. Có những vấn đề mà việc giải quyết thấu đáo chỉ có thể được thực hiện trong một khuôn khổ pháp lý đặc thù.
Trong thời gian vừa qua, thành phố đã nhiều lần kiến nghị với Trung ương về việc cho phép thành phố được hưởng sự đối xử đặc biệt về phương diện quan hệ Trung ương - địa phương, để thành phố có điều kiện giải quyết nhanh gọn việc tháo gỡ vướng mắc trong quá trình triển khai các dự án, kế hoạch phát triển. Buổi làm việc vừa qua với Thủ tướng có thể được xem là điểm nhấn trong lộ trình xây dựng cơ chế thông thoáng được trông đợi.
Nhưng mặt khác, cũng phải thấy rằng để có thể khai thác cơ chế gọi là đặc thù dành cho mình, bản thân thành phố, được hình dung như một thực thể pháp lý có tư cách độc lập, có khả năng tự chủ và tự chịu trách nhiệm, cũng phải tỏ ra có đủ năng lực để đảm nhận tư cách đó. Chính quyền thành phố phải có những cán bộ, công chức, viên chức giỏi về chuyên môn, tinh thông nghiệp vụ, tốt về phẩm chất đạo đức và nhất là phải tận tụy, có trách nhiệm đối với công việc chung, đặc biệt là phần việc được giao cho mình.
Khi chấp thuận các đề xuất của thành phố về việc mở rộng các quyền tự chủ của chính quyền địa phương trong các lĩnh vực kinh tế, tài chính, Thủ tướng đồng thời cũng lưu ý lãnh đạo thành phố về sự quan tâm sâu sát hơn nữa đối với việc xây dựng môi trường công vụ thông thoáng, xây dựng không gian sống đô thị an toàn, lành mạnh. Trong những năm gần đây, thành phố bị tụt hạng trong bảng xếp hạng các địa phương dựa trên chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI). Việc ứng phó với những thách thức trong các lĩnh vực xã hội và môi trường cũng tỏ ra chưa nhạy bén và hiệu quả: ùn tắc giao thông, ngập nước, tình trạng mất vệ sinh, tệ nạn xã hội... cứ được nhắc đi nhắc lại như vấn nạn triền miên.
Đặc biệt, vấn đề hiệu quả quản lý công thực sự gai góc. Việc dự án tuyến metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên bị đội vốn từ 19.000 tỷ lên tới 47.000 tỷ đồng, không chỉ tạo ra những rắc rối kỹ thuật, do với quy mô vốn đầu tư được xác định lại, dự án thuộc diện Quốc hội, thay vì Chính phủ, quản lý. Nó còn cho thấy sự hạn chế về tầm nhìn, khả năng dự báo của nhà quản lý và điều đó khiến người ta có thể đặt câu hỏi liệu khi được trao quyền hạn tự chủ rộng rãi, nhà quản lý có đủ năng lực để đảm nhận vai trò của mình, là thuyền trưởng lèo lái con tàu thành phố đi chinh phục những mục tiêu đầy tham vọng. Bài học của các thành phố lớn trong khu vực rất quý giá. Cần nghiên cứu, rút kinh nghiệm một cách cẩn thận, nghiêm túc để tránh đi theo lối mòn dẫn đến khủng hoảng, bế tắc.