Lời nhắc của Thủ tướng và tương lai các Tập đoàn

Thứ Sáu, 23/06/2017 11:00

|

Những nỗ lực, thành quả của các Tập đoàn kinh tế là không thể phủ nhận, song Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng đưa ra lời nhắc nhở nghiêm khắc với các doanh nghiệp này, từ những chuyện tưởng chừng nhỏ như cái kim, sợi chỉ cho tới những khoản vay 9,7 tỷ USD hay 9,3 triệu tấn hàng tồn kho.

Mới đây, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng, Tổ công tác của Thủ tướng đã liên tục kiểm tra 3 Tập đoàn kinh tế đang đóng vai trò chủ chốt trong một số lĩnh vực kinh tế quan trọng: Than-Khoáng sản, Dệt may và Điện lực.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu đẩy mạnh cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại các doanh nghiệp

Cam kết của các Tập đoàn

Các cuộc làm việc trước hết nhằm kiểm tra tình hình triển khai Chỉ thị 24 mới đây của Thủ tướng về các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thúc đẩy tăng trưởng các ngành, lĩnh vực để góp phần thực hiện mục tiêu tăng trưởng GDP 6,7% năm 2017. Cùng với đó, kiểm tra tình hình thực hiện các nhiệm vụ được Chính phủ, Thủ tướng giao trong thời gian qua.

Qua kiểm tra, Chủ tịch Tập đoàn Dệt May Trần Quang Nghị đã cam kết với Thủ tướng sẽ quyết tâm đạt mục tiêu xuất khẩu 3 tỷ USD trong năm nay, tăng 9% so với 2,78 USD như kế hoạch và tăng tới 20,4% so với năm 2016.

Trong khi đó, Chủ tịch Tập đoàn Than-Khoáng sản Lê Minh Chuẩn khẳng định doanh nghiệp này sẽ phấn đấu quyết liệt, đạt doanh thu ít nhất 110 nghìn tỷ đồng so với 106 nghìn tỷ dự kiến và sẽ đóng góp 0,8 điểm phần trăm vào mức tăng trưởng GDP chung năm 2017, so với kế hoạch trước đó là 0,794 điểm phần trăm.

Còn Tập đoàn Điện lực cho biết, dự kiến cả năm 2017, sản lượng điện ước đạt 196,8 tỷ kWh, tăng 11,1% so với cùng kỳ. Giá trị sản xuất công nghiệp ước đạt gần 288,5 nghìn tỷ đồng. Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) nhóm ngành sản xuất và phân phối điện sẽ đạt 11,5% đúng như chỉ tiêu Thủ tướng giao, đồng thời bảo đảm đủ điện cho nền kinh tế.

Đúng như đánh giá của Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng, Tổ trưởng Tổ công tác của Thủ tướng, những cam kết này thể hiện quyết tâm rất lớn của các doanh nghiệp trong việc đóng góp vào tăng trưởng chung. Đây cũng là điều rất đáng mừng trong bối cảnh Chính phủ đã hạ quyết tâm đạt mục tiêu tăng trưởng cả năm đạt 6,7%, mặc dù theo nhiều chuyên gia, điều này không dễ dàng.

Tuy nhiên, Thủ tướng không chỉ quan tâm tới những mục tiêu ngắn hạn trong hoạt động của các “ông lớn” này. Thông qua Tổ công tác, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã yêu cầu các doanh nghiệp phải lưu ý, quan tâm hàng loạt vấn đề.

Không cải cách thì rất khó phát triển

Như với Tập đoàn Dệt may, hiện doanh nghiệp có doanh thu lên tới hàng trăm nghìn tỷ này mới đang làm tốt 2 khâu đầu và cuối là sợi và may. Riêng khâu quan trọng, cốt lõi là phụ trợ ngành dệt may, nhuộm... hiện rất khó khăn.

“Từ cái kim, sợi chỉ, chiếc khuy áo cũng phải mua, vậy chúng ta nội địa hóa thế nào?”, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng đặt vấn đề và truyền đạt ý kiến Thủ tướng đề nghị ngành dệt may cần tạo chuỗi giá trị cao hơn thay vì chỉ làm gia công, tránh tình trạng giá trị xuất khẩu lớn nhưng giá trị thu về thực tế không cao.

Còn tại Tập đoàn Than-Khoáng sản, Thủ tướng đặc biệt lưu ý phải tập trung giải quyết lượng hàng tồn kho lên tới 9,3 triệu tấn, nhưng phải thông qua nâng cao năng lực cạnh tranh trên nguyên tắc thị trường. Nếu tập đoàn không xử lý tốt thì sẽ bị áp lực cạnh tranh rất lớn với than nhập khẩu, cho nên đòi hỏi doanh nghiệp phải nỗ lực hơn nữa trong tái cấu trúc, giảm chi phí khai thác, tăng năng suất lao động.

Theo Thủ tướng, việc giảm chi phí sản xuất, giảm giá than là sức ép rất lớn với Vinacomin do lượng lao động lên tới 110.000 người nếu không đưa công nghệ tiên tiến, đổi mới quản trị, phân cấp, không thể giao chỉ tiêu pháp lệnh như thời bao cấp.

Riêng tại Tập đoàn Điện lực, Thủ tướng lưu ý việc doanh nghiệp này đang giữ vị trí “quán quân” về nợ vay so với các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước khác. Theo báo cáo được Bộ Tài chính trình lên Chính phủ, Công ty mẹ EVN năm 2015 vay thêm 2 tỷ USD, nâng mức bảo lãnh nợ vay của Chính phủ đối với EVN lên 9,7 tỷ USD.

Thủ tướng yêu cầu EVN cần tăng hiệu quả sử dụng vốn, đa dạng hóa ngoại tệ đi vay để giảm rủi ro tỉ giá, đặc biệt quan tâm kiểm soát kỹ vấn đề vốn vay, kiểm soát chặt chẽ chi phí, tăng hiệu quả đầu tư.

Đặc biệt, một điểm chung được Thủ tướng hết sức lưu ý cả 3 doanh nghiệp là đẩy mạnh cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước, đồng thời tăng quyền tự chủ cho các doanh nghiệp thành viên, cải cách hành chính nội bộ, tránh tình trạng bộ máy hành chính cồng kềnh, bộ máy quản lý lương cao nhưng lương công nhân thấp. Chẳng hạn, tại Tập đoàn Than-Khoáng sản, chi phí hành chính cho bộ máy hiện rất lớn với 30 văn phòng, chi nhánh đại diện, 47 công ty thành viên.

“Kinh nghiệm của May Nhà Bè, Việt Tiến, May 10, Phong Phú đã chứng minh rằng không cổ phần hóa thì không thể cạnh tranh với doanh nghiệp nước ngoài, không thể chinh phục các thị trường khó tính, không thể thu hút đầu tư, không thể tham gia chuỗi giá trị toàn cầu, tạo giá trị gia tăng cao”, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nêu rõ.

Ở chiều ngược lại, Chính phủ, Thủ tướng đã và đang nỗ lực làm hết sức mình để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp. Ngay cả trong các chuyến nước ngoài, mặc dù lịch trình làm việc dày đặc, song có thể nói người đứng đầu Chính phủ cũng “tận dụng” từng cơ hội để “tiếp thị”, mở rộng thị trường cho sản phẩm Việt Nam.

Còn ở trong nước, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết, một năm sau Hội nghị với doanh nghiệp lần thứ nhất, Thủ tướng vẫn nhớ lời phàn nàn của Tổng Giám đốc Tập đoàn Dệt may Lê Tiến Trường về việc một mét vải phải qua bao nhiêu khâu kiểm tra và đã yêu cầu các bộ ngành cải cách toàn diện thủ tục kiểm tra chuyên ngành. Và những kiến nghị của các doanh nghiệp qua các đợt kiểm tra này cũng sẽ được báo cáo đầy đủ với Chính phủ, Thủ tướng để xem xét, xử lý.

Những thành quả mà các Tập đoàn, các ngành kinh tế nói trên đạt được là không thể phủ nhận, mà việc quần áo “Made in Việt Nam” trong cửa hàng của Ivanka Trump tại Mỹ là một ví dụ. Nhưng rõ ràng còn rất nhiều việc phải làm và như lời Bộ trưởng Mai Tiến Dũng thì “nếu ta không tự cứu chúng ta, đổ lỗi cho thị trường, không có cải tiến và cải cách hành chính thì rất khó”. Thủ tướng đã nhắc nhở nghiêm khắc về những vấn đề hết sức quan trọng đối với sự phát triển bền vững, lâu dài của các Tập đoàn này và các doanh nghiệp nhà nước nói chung.

http://baochinhphu.vn/Kinh-te/Loi-nhac-cua-Thu-tuong-va-tuong-lai-cac-Tap-doan/309405.vgp

Bình luận (0)

Lên đầu trang