Trà Vinh: Rác tồn đọng nghiêm trọng vì thực hiện dự án không đúng

Thứ Hai, 02/11/2020 11:39  | Thiện Thảo

|

(CATP) Tháng 7-2017, Dự án Nhà máy xử lý chất thải rắn sinh hoạt của tỉnh Trà Vinh được khởi công tại ấp Sâm Bua (xã Lương Hòa, H. Châu Thành) do Công ty TNHH MTV Kỹ thuật công nghiệp năng lượng môi trường Việt Nam (Vina Encorp) làm chủ đầu tư, với vốn xây dựng nhà máy hơn 79 tỷ đồng. Điều lạ là sau 3 năm khởi công trễ tiến độ hơn 2 năm, số lượng rác ngày càng tồn đọng gây ô nhiễm nặng nề.

Ngày 1-11, các cơ quan TP.Cần Thơ đang xem xét đề nghị của UBND tỉnh Trà Vinh về việc hỗ trợ tuyến đường vận chuyển rác thải từ Trà Vinh đến TP.Cần Thơ để xử lý.

Theo đó, tỉnh Trà Vinh đang triển khai Dự án "xử lý ô nhiễm môi trường bãi rác TP.Trà Vinh" do Vina Encorp là nhà thầu để thực hiện đốt tổng lượng 120.000 tấn rác. Tuy nhiên, quá trình thực hiện gặp khó khăn, đến nay việc triển khai dự án chưa đảm bảo tiến độ theo hợp đồng. Để đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện dự án, sớm đưa bãi rác TP.Trà Vinh ra khỏi danh mục cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, tỉnh Trà Vinh thống nhất cho Công ty Cổ phần Dịch vụ Thương mại và Đầu tư IDV hỗ trợ Vina Encorp bốc dỡ 30.000 tấn rác tại bãi rác TP.Trà Vinh đến Cần Thơ xử lý.

Theo Sở TN-MT TP.Cần Thơ, sau khi nhận được công văn của UBND tỉnh Trà Vinh, UBND TP.Cần Thơ chỉ đạo Sở họp với các đơn vị liên quan và nhà máy để có hướng giải quyết. Hầu hết các ý kiến cho rằng không thể tiếp nhận thêm rác vì Nhà máy đốt rác sinh hoạt phát điện Cần Thơ đã tiếp nhận xử lý rác cho 5 quận, huyện của thành phố, tương đương với công suất của nhà máy đã được phê duyệt. "Dự kiến trong tuần này, chúng tôi có báo cáo chính thức với UBND TP.Cần Thơ”, một lãnh đạo Sở TN-MT TP.Cần Thơ cho biết.

Một số cán bộ tại TP.Cần Thơ không giấu ngạc nhiên trước yêu cầu này. Nhà máy đốt rác sinh hoạt phát điện Cần Thơ được đặt tại ấp Trường Thọ (xã Trường Xuân, huyện Thới Lai, TP.Cần Thơ) với tổng diện tích 5,3ha tổng vốn đầu tư 1.050 tỷ đồng, sử dụng công nghệ đốt rác để phát điện. Từ khi hoạt động đến nay, lượng rác trung bình mỗi ngày nhà máy tiếp nhận hơn 453 tấn (chiếm khoảng 70% lượng rác sinh hoạt thải ra hàng ngày của Cần Thơ), trong đó đưa lò đốt hơn 350 tấn. Hiện chất thải tro bay của nhà máy xử lý chất thải rắn (rác sinh hoạt) tại nhà máy đã quá tải.

Công ty EB Cần Thơ cho biết, dự án này xử lý lượng tro bay phát sinh (khoảng 8 tấn/ngày) của nhà máy đốt rác phát điện Cần Thơ. Công nghệ xử lý chôn lấp theo tiêu chuẩn chất thải nguy hại. Sau khi các hố chôn đầy, tiến hành phủ đất trồng cây tạo cảnh quan... Qua việc lấy ý kiến của các cơ quan liên quan, UBND TP.Cần Thơ thống nhất thực hiện dự án xử lý chôn lấp chất thải tro bay. Do đó, đề nghị của UBND tỉnh Trà Vinh khó thực hiện.

Nhà máy xử lý rác tỉnh Trà Vinh không thực hiện theo đúng dự án nên rác tồn đọng lớn

Trở lại dự án Nhà máy xử lý rác tỉnh Trà Vinh do Vina Encorp làm chủ đầu tư làm người dân bức xúc. Sau 3 năm khởi công, chậm tiến độ hơn 2 năm, nhà máy vẫn không hoạt động đúng như cam kết. Ngày qua ngày, bãi rác lớn hơn tràn ra cả mặt đường bốc mùi hôi thối. Mới đây, UBND tỉnh Trà Vinh đã có báo cáo kiểm tra dự án và chỉ ra nhiều sai phạm. Đến nay, tiến độ thực hiện dự án của nhà đầu tư không đúng với quyết định chủ trương đầu tư. Nhà đầu tư chỉ thực hiện đầu tư các hạng mục có nhu cầu cần thiết cho việc vận hành nhà máy (như nhà xưởng cơ khí, nhà xưởng xử lý rác...); chưa đầu tư các hạng mục khác theo giấy phép xây dựng.

Ngoài ra, nhà đầu tư chưa hoàn thành theo hồ sơ dự án và báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) được duyệt. Đặc biệt, nhà đầu tư có thay đổi, điều chỉnh quy trình công nghệ xử lý rác so với hồ sơ dự án và báo cáo ĐTM. Hệ thống xử lý nước thải không đúng theo công suất, từ thiết kế 100m3/ngày đêm đã giảm xuống còn 50m3/ngày đêm; chưa thi công các bãi chôn lấp tro xỉ... Từ ngày 25-9-2018 đến 29-2-2020, nhà máy đã tiếp nhận 46.068 tấn rác, khối lượng đã xử lý là 17.722,8 tấn (đốt hơn 10 tấn, còn lại là mùn hữu cơ), công suất chỉ đạt khoảng 70 tấn/ngày. Từ đó dẫn đến lượng rác tồn đọng lớn, gây ra tình trạng ô nhiễm.

Dự án này do Sở Tài nguyên - Môi trường (TN-MT) làm chủ đầu tư, Vina Encorp thi công bằng phương pháp đốt lò, công suất 100 tấn/ngày và chôn hợp vệ sinh. Ban đầu, Vina Encorp dự thầu bằng 5 lò đốt SH7-1000, công suất 5 tấn/giờ. Nhưng sau đó đã tự ý thay đổi thiết bị, công nghệ đốt thành 11 lò hiệu Sankyo - Nafci, công suất 500kh/giờ và bổ sung 1 lò đốt HTB 100 công suất 100 tấn/ngày.

Theo nhận định của cơ quan chức năng, việc thay đổi này không phù hợp với việc đốt rác cũ nên không hiệu quả kinh tế dẫn đến phải điều chỉnh phương án gây kéo dài thời gian. Thực tế, 11 lò này đến nay không hoạt động, vì không có hiệu quả. Nhà đầu tư tiếp tục xin gia hạn dự án nhưng chưa nhận được câu trả lời của lãnh đạo tỉnh. Dự án đến bao giờ chính thức hoạt động như quyết định đầu tư vẫn chưa có câu trả lời từ lãnh đạo tỉnh.

Bình luận (0)

Lên đầu trang