Chưa thể đưa khách du lịch vào Việt Nam vì dịch bệnh còn phức tạp

Thứ Hai, 02/11/2020 13:16

|

(CAO) Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng khát khao phát triển rất lớn lao nhưng chưa thể đưa khách du lịch vào Việt Nam vì dịch bệnh lớn quá không thể kiểm soát hết được, không vì kinh tế mà chủ quan chống dịch.

Đề nghị sử dụng ngân sách phòng hỗ trợ nhiều hơn cho miền Trung

Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV, thảo luận tại tổ về tình hình kinh tế - xã hội sáng nay (2/11), đại biểu Trần Hoàng Ngân (TPHCM) đánh giá, đại dịch Covid-19 đã tác động rất nghiêm trọng đến tình hinh kinh tế thế giới. Ở thời điểm này, khi mà vaccin vẫn chưa có, tình hình biển Đông phức tạp, thiên tai diễn ra ở miền Trung…, đại biểu Ngân cho rằng chúng ta đang đối diện với nhiều bất lợi.

“Vấn đề lúc này không phải là tăng trưởng bao nhiêu mà phải là đảm bản an sinh xã hội, để dân không bị đói, không phải sống cảnh màn trời chiếu đất” - ông Ngân nêu quan điểm.

Phiên thảo luận tại tổ TPHCM sáng 2/11

Đồng ý với nhận xét ca ngợi Việt Nam “là ngọn hải đăng trong chống dịch, điểm sáng trong tăng trưởng kinh tế”, song đại biểu Trần Hoàng Ngân cho rằng, vì có quá nhiều bất ổn trong năm tới nên Chính phủ cần xây dựng nhiều kịch bản tăng trưởng thay vì chỉ để một phương án phấn đấu là 6%.

“Chúng ta có thể tham khảo dự báo của các định chế tài chính quốc tế như Ngân hàng Thế giới (WB) với kịch bản cao là 6,8% và thấp là 4,5%” - đại biểu Ngân gợi ý.

Nêu các giải pháp điều hành cụ thể, ông Ngân đề nghị sử dụng ngân sách dự phòng để tăng cường hỗ trợ nhiều hơn cho đồng bào miền Trung; ưu tiên kiểm soát dịch bệnh.

Bên cạnh đó, theo ông Ngân, cần triển khai đầu tư công, đẩy nhanh tiến độ hỗ trợ; xúc tiến thương mại, xúc tiến đầu tư trực tuyến; thu hút các nhà đầu tư công nghệ cao…

Nhìn lại công tác điều hành Chính phủ, đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm (TPHCM) cho rằng, điều dễ nhận thấy nhất là sự linh hoạt trong lãnh đạo, điều hành.

Đặc biệt, qua khó khăn, bà Tâm nhìn ra sức mạnh của lòng dân. Đại biểu cho biết, trong dịch bệnh, thiên tai, sức dân nổi bật như nguồn lực vĩ đại, không gì thay thế được mà nếu biết huy động thì sẽ là cứu cánh đưa đất nước vượt qua hoàn cảnh khó khăn.

“Không có biến cố còn nghi ngờ niềm tin của dân đối với Đảng nhưng khi có biến cố thì thấy rõ niềm tin của người dân dành cho Đảng” – bà Tâm nói và đề nghị qua đây cần rút ra bài học để biết tận dựng nguồn lực này trong suốt quá trình lãnh đạo.

Đề xuất kế hoạch trước mắt, đại biểu Quyết Tâm cho rằng cần tập trung kích hoạt lại sản xuất kinh doanh, tận dụng những cơ hội tạo ra khi Việt Nam đã kiểm soát tương đối tốt dịch bệnh.

Thích ứng với “bình thường mới”

Phát biểu tại tổ 9 (gồm các đoàn Gia Lai, Lạng Sơn và Hải Phòng), Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh sự linh hoạt trong điều hành thực hiện mục tiêu "kép", vừa chống dịch vừa phát triển kinh tế. Theo Thủ tướng, trong đợt dịch thứ hai, phương thức chỉ đạo đã khác lần thứ nhất, không thực hiện giãn cách toàn quốc.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại phiên thảo luận tổ sáng 2/11

"Nếu làm theo cách cũ thì kinh tế đã âm, chỉ đạo là quan trọng, ưu tiên chống dịch nhưng phải lo phát triển kinh tế, thế giới đánh giá cao cách làm của Việt Nam" - Thủ tướng thông tin. 

Tuy nhiên, Thủ tướng cũng lưu ý là không thể chủ quan trong chống dịch, nếu chủ quan sẽ mắc sai lầm lớn, vì Covid- 19 có thể xuất hiện trở lại bất cứ lúc nào.

“Khát khao phát triển rất lớn lao nhưng chưa thể đưa khách du lịch vào Việt Nam vì dịch bệnh lớn quá mình không thể kiểm soát hết được” - Thủ tướng nói và tái khẳng định, không vì kinh tế mà chủ quan chống dịch.

“Rất coi trọng kinh tế và việc làm nhưng quan điểm này là nhất quán, không thể chủ quan lơ là. Quan điểm là phải kiểm soát tốt , sáng tạo trong phương thức quản lý, trong cách ly để giữ được sản xuất" - Thủ tướng nói.

Khái quát lại những kết quả kinh tế - xã hội trong năm qua, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, kết qủa đó đã tạo niềm tin cho nhân dân.

“Niềm tin là quan trọng lắm, mất niềm tin là mất tất cả, phải cố giữ niềm tin với dân, bây giờ niềm tin đang tốt, uy tín của cán bộ đảng viên, đặc biệt là kết quả cụ thể về kinh tế xã hội, đối ngoại quốc phòng bồi đắp niềm tin ấy để phát triển đất nước” – Thủ tướng nhận định.

Vẫn theo người đứng đầu Chính phủ, trong khi các thế lực thù địch tấn công vào niềm tin của nhân dân, của đảng viên thì chúng ta cố gắng làm sao có kết quả cụ thể để dân tin, cán bộ từ xã, huyện đặc biệt là cán bộ chiến lược phải thể hiện niềm tin đó.

Góp ý cho báo cáo của Chính phủ, đại biểu Trương Trọng Nghĩa (TPHCM) lưu ý, việc thích ứng với “bình thường mới” cũng cần tỉnh táo, nhất là trong bối cảnh các nước vẫn còn chưa mở cửa.

“Hàng hoá sản xuất nhiều, ta mở cửa, nhưng chưa có người tiêu dùng thì sao? Cần có những cách làm sáng tạo” - ông Nghĩa kiến nghị.

Ghi nhận những thành quả vừa qua, song đại biểu Nghĩa cảnh báo: “Chúng ta vừa bước vào tốp 4 ASEAN về quy mô nền kinh tế. Nhưng quan trọng nhất là hạ tầng, thể chế, nguồn nhân lực. Sức mạnh của quốc gia ở chỗ đó, chứ không chỉ thuần tuý là quy mô”.

Vì lẽ đó, theo đại biểu của TPHCM, tới đây cần tiếp tục thu hút đầu tư nước ngoài, nhưng là đầu tư có trọng tâm vào công nghệ cao, đồng thời với việc khơi dậy sức dân, bồi bổ cho khu vực kinh tế trong nước. Ông cũng yêu cầu không thể lơ là các nhiệm vụ an ninh quốc phòng, hết sức cảnh giác với các yếu tố rủi ro an ninh phi truyền thống…

Bình luận (0)

Lên đầu trang