(CATP) Chiều 21/01, Cục Cảnh sát giao thông (CSGT) cho biết, trong 10 ngày thực hiện cao điểm bảo đảm trật tự an toàn giao thông (ATGT) dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 (từ ngày 11- 21/01/2024), lực lượng CSGT toàn quốc đã xử lý 30.491 trường hợp vi phạm nồng độ cồn, riêng tuyến Quốc lộ 1A (QL1A), số người vi phạm nồng độ cồn là 3.173 trường hợp. Lực lượng CSGT toàn quốc đã quyết liệt xử lý các vi phạm theo chỉ đạo của lãnh đạo Bộ Công an.
Cụ thể, thông qua hoạt động tuần tra kiểm soát, xử lý vi phạm, lực lượng CSGT đã xử lý 124.533 trường hợp vi phạm trật tự, ATGT đường bộ; tạm giữ 42.522 phương tiện, tước 25.320 giấy phép lái xe (GPLX) các loại. Trong số đó, vi phạm về tốc độ có 25.920 trường hợp; chở hàng quá tải trọng 2.028 trường hợp; quá khổ giới hạn 441 trường hợp; cải tạo phương tiện 23 trường hợp; vi phạm về ma túy 194 trường hợp.
Riêng trên tuyến QL1A do Cục CSGT trực tiếp đôn đốc, chỉ đạo lực lượng trên tuyến đã kiểm soát 109.222 phương tiện (14.571 xe khách; 26.185 xe tải, 21.048 xe con, 4.826 xe container, 42.567 môtô, 25 phương tiện khác), phát hiện, lập biên bản xử lý 18.613 trường hợp vi phạm (2.105 xe khách, 3.554 xe tải, 2.783 xe con, 464 xe container, 9.695 môtô, 12 phương tiện khác), tước GPLX 4.314 trường hợp, tạm giữ 4.465 phương tiện. Trong số đó, vi phạm nồng độ cồn 3.173 trường hợp; vi phạm ma túy 35 trường hợp; vi phạm tốc độ 6.442 trường hợp; vi phạm tải trọng 388 trường hợp; vi phạm quá khổ giới hạn 111 trường hợp; chở quá số người quy định 348 trường hợp; đi không đúng phần đường, làn đường 636 trường hợp...
Theo Cục CSGT, điểm nổi bật trong công tác tuần tra kiểm soát trên tuyến QL1A đó là Cục CSGT đã chỉ đạo Công an địa phương trên tuyến thử nghiệm ứng dụng công nghệ kết nối tuần tra liên tuyến vào hoạt động tuần tra, kiểm soát. Ứng dụng tuần tra, kiểm soát trên thiết bị di động của lực lượng CSGT được kết nối với hệ thống cơ sở dữ liệu nghiệp vụ, tương thích với nhiều loại thiết bị di động để từng bước tự động hóa, nâng cao hiệu quả công tác tuần tra, kiểm soát, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người tham gia giao thông. Điểm đáng chú ý của ứng dụng là sử dụng công nghệ quét QRCode, CCCD và GPLX của tài xế để thu thập thông tin người điều khiển phương tiện nhanh chóng, chính xác và được kết nối trực tuyến tới các tổ CSGT đang hoạt động trên tuyến QL1A. Đồng thời, kết nối về Trung tâm thông tin chỉ huy giao thông các cấp để quản lý, điều hành.
Lực lượng CSGT kiểm tra nồng độ cồn đối với người điều khiển phương tiện giao thông
Theo Cục CSGT, qua áp dụng công nghệ trong xử lý, kết quả cho thấy, từ 6 giờ ngày 20/01 đến 6 giờ ngày 21/01, CSGT các địa phương nhập lên ứng dụng 7.576 lượt kiểm tra phương tiện, trong đó có 1.709 trường hợp vi phạm, gồm: 294 trường hợp vi phạm nồng độ cồn; 26 trường hợp quá tải, quá khổ; 26 trường hợp chở quá số người quy định; 67 trường hợp đi không đúng làn đường, phần đường; 10 trường hợp đi ngược chiều; 9 trường hợp vi phạm ma túy.
Vi phạm nồng độ cồn ở TPHCM đang giảm
Tại buổi họp báo kinh tế - xã hội định kỳ của UBND TPHCM diễn ra chiều 21/12/2023, Thượng tá Lê Mạnh Hà, Phó trưởng Phòng Tham mưu Công an TPHCM, thông tin về kết quả sau hơn 1 tháng cao điểm xử phạt nồng độ cồn. Tính từ ngày 16/11 đến ngày 15/12/2023, Công an TPHCM đã xử lý 2.256 trường hợp vi phạm nồng độ cồn. So với cùng kỳ năm 2022, số trường hợp vi phạm tăng 1.095, tương đương 94% so với năm 2022. Lý giải việc vi phạm nồng độ tăng gần gấp đôi so với năm 2022, thượng tá Hà cho biết hiện Công an TPHCM không chỉ tăng cường lực lượng mà còn bố trí thêm trang thiết bị, phụ kiện cho Công an các quận, huyện để xử lý vi phạm nồng độ cồn. Ngoài ra, lực lượng chức năng cũng không tập trung kiểm tra vào thời điểm cố định nào, thay vào đó CSGT theo dõi, kiểm tra bất kỳ thời gian nào trong ngày. Đây là lý do khiến số trường hợp vi phạm được phát hiện tăng hơn so với cùng kỳ. Tuy nhiên, thượng tá Hà cho biết, qua theo dõi những ngày vừa qua, việc xử lý của cơ quan chức năng đã mang lại chuyển biến tích cực. Nếu như thời gian đầu của đợt cao điểm, số người bị xử phạt tăng rất cao nhưng những ngày gần đây, số trường hợp vi phạm đã giảm, người dân đã có ý thức chấp hành tốt hơn.