Cần dẹp nạn "xe dù”, "bến cóc"

Thứ Hai, 07/11/2022 08:33

|

(CATP) Đông đảo người dân sinh sống, làm việc ở TPHCM có quê ở các tỉnh miền Bắc và miền Trung, khi được hỏi về "xe dù”, "bến cóc" thì đều cho rằng, Bến xe Miền Đông mới rất đẹp, hiện đại, nhưng vào bến lại tốn nhiều thời gian vì nằm ở vị trí xa trung tâm. Để thu hút hành khách, cần tổ chức xe nhỏ trung chuyển hoặc kết nối tuyến xe buýt từ các quận, huyện với bến xe mới. Tết Nguyên đán đang đến gần, nhu cầu về quê bằng xe khách tăng cao đột biến, cần có giải pháp giúp người dân thuận tiện khi sử dụng bến xe mới.

"Xe dù”, "bến cóc" lộng hành cuối năm

Khi Bến xe Miền Đông cũ tại Q.Bình Thạnh được di dời đến Bến xe Miền Đông mới tại TP.Thủ Đức thì cũng là lúc hoạt động "xe dù”, "bến cóc" gia tăng, ảnh hưởng đến trật tự an toàn giao thông, đặc biệt là tại những tuyến đường xung quanh Bến xe Miền Đông cũ... Do đón, trả khách sai quy định, có những xe tấp vào cây xăng, chạy tà tà trên đường, dừng, đỗ đột ngột để đón hoặc trả khách, dễ xảy ra va chạm giao thông. Mặc dù lực lượng chức năng quyết liệt xử lý, song tình trạng "xe dù”, "bến cóc" lộng hành vẫn thường xuyên xảy ra. Bởi vì nguyên nhân mấu chốt là nhu cầu đi lại của hành khách; nếu không giải quyết được nhu cầu này thì nạn "xe dù”, "bến cóc" khó mà dẹp được.

Ngày 06-11-2022, trao đổi với Chuyên đề Công an TPHCM, anh Trần Phúc Nhã (ngụ Q.Bình Thạnh, quê Quảng Ngãi) chia sẻ: "Hành khách nào ở các quận 12, Gò Vấp..., thậm chí ở Q.Bình Thạnh như tôi mà muốn đi ra Bến xe Miền Đông mới thì phải đặt chỗ xe trung chuyển từ trước với nhà xe tại bến cũ, rồi hành khách được trung chuyển tới bến xe mới để về quê. Như vậy, trên đường đi từ nhà đến chỗ trung chuyển rồi đến bến xe mới, hành khách gặp biết bao nhiêu là vấn đề. Trường hợp lỡ tới chậm như quy định trong vé thì nhà xe có chờ đợi hành khách không? Hay là hành khách bị mất tiền vé? Ngoài ra, còn nhiều điều phát sinh nữa, phiền phức lắm! Nên cần phải tổ chức trung chuyển tốt hoặc có các tuyến xe buýt đón khách từ các quận, huyện chạy thẳng đến bến xe mới và ngược lại".

Bát nháo cảnh "xe dù”, "bến cóc"

Ông Hoàng Văn Thanh (ngụ Q.Gò Vấp, quê Thanh Hóa) cho biết: "Vừa rồi, gia đình có việc, tôi chọn đi xe khách về quê. Từ nhà đến Bến xe Miền Đông mới hơn chục cây số. Cả nhà đã quyết định ra QL1A đoạn ngang Q12 đón xe khách đi cho nhanh... Mới đây, tôi cũng có dịp đi và về tại Bến xe Miền Đông mới, thấy rất khang trang, bề thế. Nhưng cần đầu tư phục vụ nhu cầu của người dân thuận tiện hơn nữa từ nhà đến bến xe và ngược lại. Có như vậy mới giúp bà con mình bớt lo lắng về quãng đường di chuyển xa xôi".

Theo ông Nguyễn Thành Tâm (ngụ Q.Tân Bình, quê Quảng Nam), nếu dẹp hết "đất sống" thì "xe dù”, "bến cóc" sẽ không còn. Bên cạnh việc các cơ quan chức năng xử lý kiên quyết và liên tục thì cần lo khâu trung chuyển tốt, tổ chức các tuyến xe buýt rộng khắp đi và đến Bến xe Miền Đông mới, vừa thuận tiện, vừa nhanh chóng, an toàn thì người dân sẽ đồng thuận, ủng hộ.

Cần mạnh tay xử lý

Hiện nay, có nhiều giải pháp được cơ quan chức năng đưa ra để giúp Bến xe Miền Đông mới đi vào hoạt động tốt hơn, đặc biệt là nhu cầu vận chuyển sẽ tăng rất cao vào dịp cuối năm. Đầu tiên là làm sao dẹp tình trạng "xe dù”, "bến cóc", đồng thời cải thiện số lượng phương tiện trung chuyển giữa Bến xe Miền Đông cũ và Bến xe Miền Đông mới. Bởi từ đầu tháng 10-2022, tình trạng "xe dù”, "bến cóc" hoạt động xung quanh Bến xe Miền Đông cũ tại Q.Bình Thạnh hay một số địa bàn khác, kể cả các đường gần Bến xe Miền Đông mới diễn ra phức tạp hơn, sau khi 79 tuyến xe khách di dời về bến xe mới. Chưa kể tình trạng một số xe khách bỏ bến để tự chạy "dù”, đón khách bên ngoài.

Sở Giao thông - Vận tải (GTVT) TPHCM cho biết: Ngành giao thông đã triển khai hàng loạt biện pháp để chấn chỉnh, khắc phục tình trạng trên. Cụ thể là Thanh tra Sở phối hợp với lực lượng CSGT Công an TPHCM tăng cường kiểm tra những vị trí xe khách thường xuyên dừng, đón trả khách không đúng quy định. Rà soát, triển khai lắp đặt biển báo cấm dừng, đỗ ở những đoạn đường có hoạt động đón, trả khách trước trụ sở hoặc trong khuôn viên trụ sở, bãi xe trên địa bàn.

Tăng cường kiểm tra, xử lý tình trạng "xe dù”, "bến cóc"

Sở GTVT đang nghiên cứu, đề xuất việc hạn chế xe trên 16 chỗ lưu thông tại các tuyến đường thường có xe đón, trả khách hiện nay ở khu vực trung tâm thành phố. Cạnh đó, sẽ điều chỉnh, bổ sung vị trí lắp đặt camera giám sát tại các đoạn đường thường xuyên có xe đón, trả khách sai quy định, để xử phạt "nguội" qua hình ảnh. Sở GTVT đã hoàn tất thủ tục, chuẩn bị trình UBND TPHCM phê duyệt về việc nghiên cứu vành đai và phương án hạn chế hoạt động đối với xe khách giường nằm, xe trên 30 chỗ vào trung tâm TPHCM trong tháng 11-2022. Dự kiến, kế hoạch này sẽ triển khai từ tháng 12-2022 và chậm nhất là trước Tết Nguyên đán 2023.

Sở GTVT sẽ phối hợp với Sở GTVT các tỉnh, thành liên quan chấn chỉnh, chế tài đối với xe khách liên tỉnh hoạt động theo hợp đồng hoặc du lịch, nhưng chạy như xe tuyến cố định, đón, trả khách sai quy định. Ngành giao thông còn rà soát, tham mưu, đề xuất xây dựng và công bố các điểm dừng, đỗ phục vụ phương tiện kinh doanh vận tải đón, trả khách trên địa bàn. Dự kiến hoàn chỉnh phương án quản lý hoạt động xe vận tải trung chuyển khách và dự thảo quy định về bãi xe trên địa bàn, trình UBND TPHCM trong thời gian tới để ban hành.

Ngành GTVT thành phố tiếp tục kiến nghị Cục Đường bộ Việt Nam sớm nâng cấp hệ thống thiết bị giám sát, nhằm tạo thuận lợi trong kiểm tra, xử lý vi phạm trong hoạt động quản lý vận tải. Sở GTVT cho biết, đã chỉ đạo Thanh tra Sở rà soát các điểm đón, trả khách không đúng quy định để theo dõi, phối hợp với chính quyền địa phương thường xuyên xử lý.

Chế tài phải đủ mạnh

Theo Sở GTVT TPHCM, từ đầu năm 2022 đến nay, ngành giao thông đã lập biên bản xử lý tổng cộng 1.709 trường hợp phương tiện vận tải hành khách vi phạm, với tổng số tiền phạt là hơn 2,4 tỷ đồng. So với cùng kỳ năm ngoái, số lượng biên bản vi phạm năm nay gấp 2,5 lần; số tiền phạt tăng hơn 900 triệu đồng. Trong đó, riêng về lỗi xe khách dừng, đỗ, đón, trả khách sai quy định, ngành giao thông đã phối hợp cơ quan chức năng xử lý qua camera giám sát gần 600 trường hợp, với tổng số tiền phạt là hơn 716 triệu đồng.

Bến xe Miền Đông mới với quy mô bề thế, khang trang, hiện đại

Quá trình kiểm tra, ngành giao thông phát hiện có nhiều doanh nghiệp đã "lách luật", khiến việc xử lý gặp không ít khó khăn. Cụ thể, lực lượng Thanh tra Sở GTVT phát hiện xe dừng, đỗ không đúng quy định khi đang chờ khách lên, xuống thì tài xế thường đối phó bằng cách cho xe nổ máy, ngồi tại vị trí lái, thấy cơ quan chức năng thì nhấn ga bỏ chạy. Trong khi đó, Thanh tra Sở GTVT không có chức năng rượt đuổi phương tiện vi phạm. Mặt khác, khi các xe lớn bỏ chạy còn gây mất an toàn giao thông cho người đi đường, dễ xảy ra va chạm. Ngành giao thông còn ghi nhận nhiều đơn vị kinh doanh vận tải cho người cảnh giới, nếu phát hiện có lực lượng chức năng thì báo cho xe không dừng đón, trả khách, chờ lực lượng chức năng rời đi thì hoạt động trở lại.

Một lãnh đạo Sở GTVT TPHCM cho biết, hiện chưa có biện pháp chế tài mạnh đối với các đơn vị kinh doanh vận tải hành khách vi phạm nhiều lần. Tuy nhiên, nếu tái phạm thì ngành giao thông sẽ tạm đình chỉ kinh doanh, thu hồi giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, giấy phép vận tải. Về tâm lý hành khách, đa số ngại khó khăn khi đi lại, chờ đợi phiền phức, mất thời gian, thường muốn được đón tận nơi nên ít khi vào bến xe liên tỉnh để mua vé, mà đón xe dọc đường hoặc ở các "bến cóc". Điều này cũng góp phần tạo điều kiện cho các đơn vị kinh doanh vận tải đón, trả khách sai quy định.

Cần tổ chức thuận tiện hơn cho hành khách đi và đến bến xe mới

Bình luận (0)

Lên đầu trang